09:47 05/10/2018 Thông qua việc xây dựng Chính quyền điện tử từ rất sớm, Quảng Ninh đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp...
Đến nay, 100% đơn vị trong toàn tỉnh Quảng Ninh sử dụng hệ thống một cửa điện tử. Ảnh: CTV
Ngày 28-9-2012, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 2459/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử giai đoạn 2012-2014. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh tích cực triển khai, thực hiện giai đoạn 2 của Đề án. Trong quá trình đó, Quảng Ninh đã xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển chính quyền điện tử của tỉnh.
Từ năm 2012 đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thiện các cơ chế, chính sách về ứng dụng và phát triển CNTT cũng như xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch về CNTT và bố trí kinh phí để triển khai thực hiện bao gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và trung tâm hành chính công, quản lý và khai thác Trung tâm tích hợp dữ liệu, đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT…
Đồng thời, tỉnh cũng rà soát và chuẩn hóa toàn bộ thủ tục hành chính của 3 cấp chính quyền, xây dựng thành công mô hình trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính công cho tổ chức, công dân theo phương thức nhanh gọn, công khai, minh bạch và tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt tại chỗ.
Cùng với đó, tỉnh cũng đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ, kết nối băng thông rộng tạo thành hệ thống liên thông thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã trong các cơ quan Đảng và cơ quan hành chính nhà nước.
Đặc biệt, để đảm bảo hiệu quả của chính quyền điện tử, tỉnh đã tiến hành đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức và người lao động; tuyên truyền, tập huấn công dân điện tử để khai thác các tiện ích của hệ thống chính quyền điện tử; tuyên truyền về chính quyền điện tử.
Theo đánh giá, sau 5 năm (2012-2017) triển khai Đề án Xây dựng chính quyền điện tử, 100% các xã, phường, thị trấn của tỉnh đã có mạng Internet để khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin của chính quyền điện tử, 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh đến xã có mạng nội bộ (LAN).
Hệ thống mạng diện rộng hoạt động ổn định, kết nối 27 sở, ban, ngành, 14 UBND và 14 trung tâm hành chính công cấp huyện với Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh, đảm bảo về tốc độ, ổn định cho các đơn vị chuyển văn bản, khai thác các ứng dụng và các dịch vụ dùng chung trong hệ thống chính quyền điện tử...
Từ năm 2017, hệ thống văn bản điện tử của tỉnh đã được kết nối liên thông 4 cấp với hệ thống của Văn phòng Chính phủ. Đặc biệt, trong từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai 5 dự án theo Kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử giai đoạn 2017-2020, gồm: Dự án xây dựng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, Dự án Nâng cao năng lực của Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh; Dự án Mở rộng, hoàn thiện mạng diện rộng WAN của tỉnh đến cấp xã; Dự án Nâng cấp và triển khai nhân rộng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu văn bản; Dự án Hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử.
Trong đó, hàng loạt các nội dung đã được triển khai thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Cụ thể, đầu năm 2018, 131/131 đơn vị trực thuộc, tổ chức chính trị xã hội của các địa phương Móng Cái, Đông Triều và Uông Bí đã triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp.
Từ đó, đảm bảo tỷ lệ 100% đơn vị cấp huyện, xã (14/14 huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trực thuộc, 186/186 xã, phường, thị trấn) đã triển khai hệ thống quản lý và điều hành tác nghiệp, góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Tỉnh đã hoàn thành và đưa 231 điểm cầu trực tuyến cấp xã vào hoạt động; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các đơn vị trong toàn tỉnh đạt gần 96%. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hệ thống một cửa điện tử đến 100% đơn vị trong toàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh sử dụng duy nhất hệ thống một cửa liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã, 100% các sở, ban, ngành; 14/14 huyện, thị xã, thành phố; 186 xã, phường, thị trấn, ngành điện, nước, thuế đều sử dụng hệ thống một cửa điện tử. Tính trong quý II-2018, hệ thống đã tiếp nhận và luân chuyển gần 194.800 hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính điện tử trong phạm vi toàn tỉnh.
Đối với tình hình cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, tỉnh tích cực trong việc triển khai dịch vụ công tại địa chỉ duy nhất: http://dichvucong.quangninh.gov.vn. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 được xây dựng, triển khai trong quý III là 20 dịch vụ công.
Theo đánh giá kết quả bước đầu, chính quyền điện tử của Quảng Ninh đã thực sự đem lại sự hài lòng cho người dân, củng cố và xây dựng lòng tin của người dân với chính quyền; từng bước hình thành nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tích cực tuyên truyền, tâp huấn tăng tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để giải quyết thủ tục hành chính; ban hành chỉ thị về việc tăng cường triển khai, cung cấp và sử sụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; kết nối liên thông Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh với hệ thống một cửa điện tử của các bộ, ngành và hệ thống nhận, trả bưu phẩm của Tập đoàn Bưu chính viễn thông...
HẢI HẬU tổng hợp
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh