Quảng Ninh “nói không” với thực phẩm “bẩn”

14:17 01/12/2017

Là một địa bàn du lịch, với nhiều đặc sản nổi tiếng và phong phú, tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là xây dựng các vùng nông sản sạch, cung cấp cho thị trường. Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung các biện pháp làm trong sạch thị trường, quyết tâm “nói không” với thực phẩm bẩn...

 Kiểm tra VSATPTP tại chợ trung tâm Cẩm Phả. Ảnh: CTV

Làm thay đổi nhận thức các cửa hàng, nhà hàng

Ngày 16-9, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã công bố danh sách 55 cá nhân, cơ sở bị xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm. Vi phạm chủ yếu của các cá nhân, cơ sở được công bố này gồm: vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc, không tuân thủ về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là trường hợp các ông Lương Văn Khiêm và Lương Văn Châm, cùng ở huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, mua bán gần 5 tấn hoa quả không rõ nguồn gốc; Nguyễn Văn Tú, ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, vận chuyển hơn 1.500 cá thể chim bồ câu; Đinh Đình Thắng, ở huyện Hải Hà và Vũ Thị Hồng Cẩm, ở TP Hạ Long, cùng tỉnh Quảng Ninh, cùng kinh doanh nhưng không tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm… Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xử phạt hành chính các cơ sở vi phạm số tiền gần 250 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ tiếp tục thường xuyên công bố công khai các cá nhân, cơ sở vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm có tính chất nguy hiểm cao, ảnh hưởng xấu tới số đông người tiêu dùng.

Đây là chủ trương mới được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện từ giữa năm 2017 nhằm đảm bảo sức răn đe đối với những đối tượng kinh doanh, vận chuyển thực phẩm “bẩn”, đồng thời giúp người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, lựa chọn các sản phẩm bảo đảm an toàn trên thị trường nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe gia đình. Thống kê của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tếtỉnh Quảng Ninh) cho hay, trên địa bàn tỉnh có hơn 17 ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Để đấu tranh chống thực phẩm “bẩn”, chi cục đã tham mưu đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó tập trung, vào những đợt cao điểm như mùa lễ hội, dịp tết cổ truyền.

Đáng chú ý là các cơ quan chức năng đã phối hợp triển khai nhiều buổi toạ đàm chuyên đề, đồng thời thông báo công khai những cơ sở vi phạm về ATVSTP... Đường dây nóng tiếp nhận được các cuộc điện thoại phản ánh của người dân được duy trì thường xuyên, hiệu quả, qua đó lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm... Chi cục ATVSTP đã cùng với các đơn vị y tế địa phương tập trung các giải pháp kiểm tra, giám sát, bảo đảm ATTP đối với tất cả các cơ sở ăn uống, bếp ăn, trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, nhất là trong dịp tết, mùa lễ hội, du lịch.

Thông qua tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm hẳn. Đặc biệt là, toàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bếp ăn tập thể, doanh nghiệp, khu du lịch, lễ hội; không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh đường tiêu hoá truyền qua thực phẩm được kiểm soát...

Tạo vùng nông sản an toàn

Năm 2017, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện Năm cao điểm hành động ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, các ngành, địa phương và đơn vị liên quan đã có nhiều cố gắng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý và nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số nội dung chưa đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra như công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP của các địa phương đạt tỷ lệ thấp; một số địa phương không thực hiện ký cam kết hoặc ký cam kết đạt tỷ lệ thấp… Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung còn chậm; công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý vi phạm hành chính về ATTP chưa nhiều và triệt để.

Để triển khai kế hoạch Năm cao điểm hành động vệ sinh ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp 2017 đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức rà soát toàn bộ các mục tiêu, nội dung kế hoạch đã đề ra; tổ chức triển khai kế hoạch đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ được phân công, phân cấp; đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các đơn vị, địa phương, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trong đó nêu rõ những việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, đề xuất giải pháp thực hiện kịp thời.

Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương triển khai đồng bộ các nhiệm vụ kế hoạch năm cao điểm, trong đó tập trung thực hiện thống kê, kiểm tra định kỳ, cấp giấy chứng nhận cơ sở ban đầu nhỏ lẻ đảm bảo thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp; phát triển và nhân rộng các vùng mô hình sản xuất an toàn, Vietgap tại các vùng sản xuất tập trung; kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, điều kiện ATTP của các tiểu thương kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản tại các chợ.

Đặc biệt, kiên quyết di dời các điểm giết mổ nhỏ lẻ vào các cơ sở giết mổ tập trung sau khi xây dựng và đi vào hoạt động; tập trung kiểm soát 100% các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về ATTP theo quy định; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP nông, lâm, thủy sản, xác định việc bảo đảm ATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành của UBND các địa phương.

HẢI HẬU

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông