17:52 24/05/2022 Ngày 24-5, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo; báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017; tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và tiến hành thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 24-5
Đường Hồ Chí Minh còn khó khăn về nguồn lực
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, đã hoàn thành 2.362 km đạt hơn 86% và khoảng 258 km tuyến nhánh. Đang triển khai 211 km, còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo về đường Hồ Chí Minh
Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2 làn xe) là 99.170 tỷ đồng. Các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức đầu tư 88.400 tỷ đồng. Căn cứ vào nhu cầu, nguồn vốn đã bố trí để đầu tư các dự án thành phần là hơn 79.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2020 đã bố trí hơn 62.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2021 - 2025 đã cân đối bố trí hơn 16.700 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước phân bổ cho Bộ GTVT và 1.600 tỷ đồng ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện đoạn Đoan Hùng - Phú Thọ.
Nêu khó khăn, vướng mắc về khả năng cân đối nguồn lực thực hiện dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, giai đoạn từ năm 2000 - 2011, dự án triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/2011 nên nhiều dự án phải dừng giãn tiến độ trong đó có các dự án thành phần thuộc đường Hồ Chí Minh.
Do đó, giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015 mặc dù đã được phê duyệt dự án đầu tư nhưng có rất ít các dự án giao thông nói chung và các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh nói riêng được triển khai đầu tư. Trong bối cảnh quy mô nền kinh tế chưa đủ lớn, khả năng nguồn lực có hạn nên đến hết năm 2020 chưa cân đối bố trí đủ nguồn vốn để nối thông toàn tuyến như mục tiêu của Nghị quyết số 66 của Quốc hội. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 cũng chỉ mới cân đối được 11.791 tỷ đồng và 7.343 tỷ đồng thanh toán cho dự án đầu tư theo hình thức BT, vẫn còn thiếu 10.770 tỷ đồng để đầu tư 3 dự án thành phần còn lại.
Trong bối cảnh khó khăn về nguồn lực, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông - Vận tải đã nghiên cứu chuyển đổi hình thức đầu tư đoạn Chơn Thành - Đức Hòa từ sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư một phần phải đình hoãn từ năm 2011 sang đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, do quy định của pháp luật thay đổi nên việc triển khai đoạn Chơn Thành - Đức Hòa theo hình thức PPP vướng mắc. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã dự kiến bố trí 2.785 tỷ đồng để đầu tư với quy mô 2 làn xe.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể báo cáo về đường Hồ Chí Minh
Đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến (87,5km), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư theo hình thức BOT, kết quả nghiên cứu cho thấy do nhu cầu vận tải chưa cao và có các QL32, QL21A đi song hành nên phương án tài chính không khả thi. Bên cạnh đó, các tuyến QL21A, QL32 đang khai thác với quy mô cấp III, 2 làn xe đáp ứng nhu cầu vận tải giai đoạn hiện nay, Chính phủ kiến nghị tận dụng các đoạn quốc lộ này để nối thông đường Hồ Chí Minh nhằm đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả trong điều kiện nguồn lực khó khăn và sẽ nghiên cứu đầu tư theo quy mô cao tốc giai đoạn 2026 - 2030.
Về phương hướng, mục tiêu trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, giai đoạn đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu tiếp tục đầu tư hoàn thành các đoạn đang triển khai; cân đối bố trí nguồn lực để đầu tư 02 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận; đối với đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến chưa đầu tư, tận dụng QL.32, QL.21 để nối thông đường Hồ Chí Minh theo quy mô 2 làn xe.
Tập trung nguồn lực hoàn thành khoảng 287 km thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông đi trùng với đường Hồ Chí Minh đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại các Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017, Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/01/2022. Giai đoạn sau năm 2025, trên cơ sở nhu cầu, hiệu quả đầu tư, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khả năng cân đối nguồn lực của từng thời kỳ, đầu tư khoảng 634 km đường Hồ Chí Minh theo tiêu chuẩn cao tốc.
Trong báo cáo thẩm tra,Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng số liệu, đảm bảo thống nhất, tính chính xác trong việc cân đối bố trí nguồn vốn và chịu trách nhiệm về các số liệu báo cáo Quốc hội. Bên cạnh đó, cần làm rõ: cơ sở xác định tổng nhu cầu vốn đầu tư để nối thông toàn tuyến, trong khi Nghị quyết của Quốc hội không quy định tổng mức đầu tư của toàn bộ dự án; thứ bậc ưu tiên bố trí vốn cho các dự án thành phần trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến; việc tuân thủ các nguyên tắc theo quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét, cân đối nguồn lực, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm chỉ đạo hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025, trong đó bố trí đủ và kịp thời nguồn vốn để hoàn thành 2 dự án đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Cần có đề xuất cụ thể về bố trí vốn, hình thức đầu tư cho đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến.
Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc
Sáng 24-5, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Tờ trình về việc việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, qua gần 5 năm triển khai trong thực tiễn, các mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết số 42 về cơ bản đã đạt được. Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%; từng bước đảm bảo quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD; tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống các TCTD. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng báo cáo về thực hiện NQ 42
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, những khó khăn, vướng mắc trong triển khai Nghị quyết số 42 xuất phát từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương; từ chính Quy định tại Nghị quyết số 42. Cụ thể, trong công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương, về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ xấu, các phương pháp hướng dẫn tại Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam được áp dụng chung để thẩm định giá các loại tài sản mà chưa có quy định cụ thể về thẩm định giá các khoản nợ. Do vậy, khi thẩm định giá các khoản nợ xấu, các doanh nghiệp thẩm định giá vận dụng khác nhau, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn mức giá tham khảo làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ.
Về thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, khi khách hàng không hợp tác bàn giao tài sản bảo đảm, chống đối khi tiến hành thu giữ nhưng sự phối hợp các cơ quan chức năng trong một số trường hợp chưa kịp thời dẫn đến việc thu giữ thường không đạt được kết quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp còn có cách hiểu khác nhau về tài sản tranh chấp, tài sản đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, gây khó khăn cho TCTD khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng nêu rõ, về thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm, để đủ điều kiện áp dụng quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Nghị quyết số 42, các TCTD phải đàm phán lại với bên vay/bên bảo đảm để ký lại hợp đồng bảo đảm có điều khoản thu giữ. Tuy nhiên, khách hàng thường không hợp tác, vì vậy, các TCTD rất khó để thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ rõ, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trên, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội và Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Ngân hàng, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử lý nợ xấu của các TCTD. Cần thống nhất cách hiểu, cách áp dụng của các bộ, ngành, địa phương đối với các quy định của Nghị quyết số 42; đẩy mạnh công tác truyền thông đến các địa phương, đặc biệt là vùng xa, nông thôn để các cơ quan, đơn vị biết, hiểu đúng, đầy đủ và áp dụng thống nhất các quy định của Nghị quyết số 42. Ngoài ra, khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa trong thời gian tới để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ nhằm hỗ trợ các TCTD xử lý nợ xấu hiệu quả.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...).
Đối với nợ xấu nói chung, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống. Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Đối với nợ xấu nói chung, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, xử lý bằng dự phòng rủi ro còn chiếm tỷ lệ cao; một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%)... Ủy ban Kinh tế đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân dẫn đến số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 đến nay còn ở mức khá cao và có xu hướng gia tăng; các giải pháp đã triển khai thực hiện để nhận diện cũng như kiểm soát rủi ro đối với các khoản cho vay, nhất là các khoản thuộc các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Có ý kiến đề nghị đánh giá về chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ (được thực hiện đến ngày 30/6/2022), mặc dù chính sách này hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 nhưng có thể phản ánh không đầy đủ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, còn những khó khăn, vướng mắc chủ yếu như việc áp dụng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Nghị quyết chưa đạt hiệu quả; một số nội dung tại Nghị quyết chưa được hướng dẫn đầy đủ (như phương pháp thẩm định giá với các khoản nợ, trường hợp trên/trong tài sản bị thu giữ có các tài sản khác của bên bảo đảm hoặc bên thứ ba, nội hàm quy định về “tài sản tranh chấp trong vụ án” tại Điều 7 hoặc “không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” tại Điều 14 của Nghị quyết); khó triển khai (như điều kiện, hồ sơ áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án); hoặc chưa thống nhất (như thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm); ngoài ra, có một số vấn đề cần thiết trong thực tiễn để thúc đẩy xử lý nợ xấu nhưng chưa được quy định trong Nghị quyết (như chủ thể được thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án đối với tranh chấp hợp đồng tín dụng, hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính). Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có giải pháp tích cực, quyết liệt hơn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cụ thể.
Đồng tình kéo dài thời hạn áp dụng nghị quyết 42
Thẩm tra Tờ trình về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42. Kết quả thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã chứng minh các chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu phát huy hiệu quả tích cực, giúp khơi thông dòng vốn, đưa dòng vốn luân chuyển vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, nợ xấu của các TCTD có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới, nguy cơ làm mất đi những thành quả đã đạt được.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế thấy rằng việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm trong thời gian tới là hết sức cần thiết, trong đó cần nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở kế thừa các quy định phát huy được hiệu quả của Nghị quyết số 42, giải quyết được những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo được động lực thúc đẩy xử lý nợ xấu của nền kinh tế và phát triển hơn nữa thị trường mua, bán nợ xấu trong tương lai, vì vậy, đề nghị Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan nghiên cứu, đề xuất nội dung luật hóa cùng với việc tổng kết, sửa đổi, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng và các luật khác có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh