09:27 01/12/2024 Sáng 30-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.
Nhận định trí tuệ nhân tạo là xu hướng phát triển tất yếu nhưng đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Công nghiệp công nghệ số cần bảo đảm việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đúng định hướng. Cụ thể, việc quản lý trí tuệ nhân tạo phải dựa trên mức độ rủi ro đối với sức khỏe của người dùng, cộng đồng, tài sản của cá nhân, tổ chức, quốc gia. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo được đánh giá sẽ mang lại các lợi ích to lớn cho con người và cho sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ mới này có những hạn chế, rủi ro. Vì vậy, yêu cầu của dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là Việt Nam phải có cơ sở pháp lý điều chỉnh, quản lý về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của công nghệ mới này; đồng thời hạn chế tác động bất lợi, rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Phát biểu thảo luận, đai biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nêu rõ: đây là một Luật khá mới mẻ nhằm thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, đặc biệt là Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư … Nhìn chung, dự thảo Luật được chuẩn bị khá công phu, chi tiết cụ thể hoá được nhiều quy định pháp lý liên quan đến những lĩnh vực công nghiệp, công nghệ mới nhằm đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn.
Đại biểu Lã Thanh Tân nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số và 5 quan điểm xây dựng Luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời góp ý về một số nội dung của dự thảo Luật.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, trong các nội dung cụ thể của dự thảo Luật có rất nhiều nội dung có vẻ vượt ra ngoài phạm vi khái niệm “công nghiệp”, ví dụ như những Chương, Mục quy định về tài sản số, dịch vụ công nghệ số, nghiên cứu và phát triển, trí tuệ nhân tạo, nhân lực công nghệ số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (gồm cả các mô hình kinh doanh). Đại biểu đề nghị nghiên cứu cách sử dụng từ ngữ trong các chương, mục, điều của dự thảo Luật để các nội dung thể hiện vẫn gắn với hoặc phù hợp với nội hàm “công nghiệp” như tên của dự thảo Luật; hoặc nên đổi tên Luật thành Luật Công nghệ số.
Đại biểu Lã Thanh Tân cũng cho rằng, quy định như khoản 1 Điều 4 của dự thảo Luật: “Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Công nghiệp công nghệ số và luật, nghị quyết khác của Quốc hội về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Luật Công nghiệp công nghệ số” là chưa hợp lý, vì vừa gián tiếp thừa nhận sự xung đột, không thống nhất của hệ thống pháp luật (điều không nên có) và chưa theo nguyên tắc mỗi Luật chuyên ngành có một đối tượng điều chỉnh trọng tâm, nếu các Luật khác có các quy định về đối tượng đó thì phải được dẫn chiếu theo Luật chuyên ngành điều chỉnh đối tượng đó. Hoặc phải sửa các Luật chuyên ngành cho phù hợp thực tiễn.
Đại biểu nêu rõ, về khái niệm “hạ tầng công nghiệp công nghệ số” và “hạ tầng công nghệ số” đang được sử dụng trong dự thảo Luật một cách chưa rõ ràng, nhất quán. Ví dụ tại khoản 2 Điều 5 trong dự thảo Luật quy định: “Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số thông qua việc huy động nguồn lực đầu tư… để xây dựng, phát triển các hạ tầng công nghệ số”. Vậy các hạ tầng công nghệ số gồm những loại hạ tầng gì, đóng góp thế nào trong hạ tầng công nghiệp công nghệ số?
Tại Điều 23 dự thảo Luật đề cập tới các quy định về phi cá nhân hoá dữ liệu trong công nghiệp công nghệ số. Đây là một nội dung, phạm trù mới, tuy nhiên các nội dung quy định trong Điều 23 của dự thảo Luật mới chỉ có tính định nghĩa, nêu khái niệm. Việc phi cá nhân hoá dữ liệu thực hiện như thế nào được dẫn chiếu theo pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật khác, trong khi chưa được đánh giá xem các pháp luật này đã có quy định về đối tượng này chưa. Đại biểu đề nghị nên bổ sung ngay trong dự thảo Luật những nguyên tắc cơ bản cần áp dụng đối với việc phi cá nhân hoá dữ liệu phục vụ cho công nghiệp công nghệ số.
Đồng thời đề nghị cần quy định cụ thể trong dự thảo Luật mối quan hệ của Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ số với hệ thống các Chiến lược, quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành có liên quan.
Tại Chương IV dự thảo Luật đưa ra những quy định rất cụ thể về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (cơ chế sandbox). Đây là một cơ chế rất quan trọng đối với các lĩnh vực ngành nghề, công nghệ mới. Ở các nước phát triển, cơ chế này đã được luật hoá và áp dụng khá thành công, Ở Việt Nam, gần như chưa được đưa vào quy định ở tầm Luật. Trong giai đoạn 2016-2021 mới chỉ có 2 cơ chế thí điểm tiếp cận với cơ chế sandbox được ban hành ở mức quy định của Chính phủ (taxi công nghệ và mobile money). Đối với lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, việc đưa ngay được cơ chế sandbox vào Luật là rất mạnh dạn và cần thiết, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để hỗ trợ ngành công nghiệp này phát triển.
Đại biểu Lã Thanh Tân ủng hộ các nội dung quy định đã đưa vào dự thảo Luật, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tham khảo thêm kinh nghiệm pháp luật ở một số quốc gia có ngành công nghiệp công nghệ số phát triển thành công, để hoàn thiện các quy định ở mức tốt nhất và vẫn phù hợp với điều kiện pháp luật ở Việt Nam. Cần rà soát thêm các quy định về thử nghiệm trong pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và một số pháp luật khác hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.
Theo đại biểu, cũng cần làm rõ thêm vị trí của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số: là một loại hình công nghệ lõi, loại hình công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ số, hay là một loại sản phẩm/dịch vụ công nghệ số, để có sự thống nhất trong việc hiểu và áp dụng các cơ chế chính sách trong Luật.
Đại biểu nêu rõ, Luật Công nghiệp công nghệ số có đối tượng điều chỉnh liên quan đến khá nhiều Luật, nhất là một số đối tượng mới như tài sản số, hệ thống trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Do đó đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các Luật phải sửa đổi, bổ sung tại Điều 71 trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo với hệ thống pháp luật hiện hành, cũng như dự thảo một số Luật đang được xây dựng./.
Hồng Thanh
15:04 09/01/2025
12:16 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh