08:20 25/10/2023 Ngày 24-10, Quốc hội thảo luận tổ về tình hình phát triển KTXH và thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Tập trung hoàn thiện thể chế, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận tổ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước 2023; dự toán năm 2024; kế hoạch đầu tư công; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu; Thừa Thiên- Huế; Lai Châu. Các đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ dự thảo luận tổ. Đồng chí Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng là tổ trưởng chủ trì thảo luận tổ.
Đại biểu Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID – 19. Nhờ đó tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã có nhiều dấu hiệu phục hồi, năm sau khả quan hơn năm trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần phân tích sâu hơn và làm rõ hơn những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc, nhất là tỷ lệ đầu tư tư nhân sụt giảm chỉ còn bằng 1/6 so với giai đoạn trước đại dịch.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do tín dụng tăng trưởng thấp, tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu có xu hướng tăng. Vấn đề này sẽ tiếp tục còn khó khăn hơn vì các nguồn vốn cho vay bất động sản đã đến kỳ trả nợ nhưng các giao dịch bất động sản gần như đóng băng. Do đó, các đại biểu đề nghị, Ngân hàng Nhà nước phải có giải pháp cụ thể xử lý nợ xấu, bảo đảm tăng trưởng tín dụng lành mạnh, bền vững. Báo cáo của Chính phủ cũng cần làm rõ hơn giải pháp xử lý tình trạng này.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (đại biểu Quốc hội Hải Phòng) nêu lên một số vấn đề về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); cảnh báo những hậu quả có thể xảy ra nếu không nhanh chóng được gỡ thẻ vàng. Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo rất kiên quyết về vấn đề này và đề nghị các địa phương cần dành sự quan tâm thích đáng, phát triển ngành thủy sản một cách bền vững và có trách nhiệm, thúc đẩy nhanh hơn quá trình được EU gỡ thẻ vàng.
Đồng chí Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng nhất trí với đề xuất có chính sách riêng đủ mạnh để phát triển ngành thủy sản Việt Nam.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng nêu rõ, các địa phương đang cần nguồn lực rất lớn để phát triển và đã tìm cách huy động mọi nguồn lực. Tuy nhiên, còn một nguồn lực rất lớn trong nhân dân lại chưa được huy động. Trong khi đó, do giá vàng, giá USD tăng, người dân đầu tư vào lĩnh vực này khá lớn. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp huy động nguồn lực trong dân.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến cũng kiến nghị có giải pháp hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần; nghiên cứu đầy đủ các yếu tố tác động khi xem xét Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm Luật đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển; có sự liên thông của các cơ quan Trung ương trong xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; rà soát lại Luật để bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người dân, hạn chế, giảm bớt tình trạng đơn thư khiếu nại.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa có sự đánh giá đúng mức về phát triển văn hóa; việc bố trí nguồn lực trong giải pháp phát triển văn hóa ngang bằng với kinh tế chưa rõ.
Đại biểu Lã Thanh Tân đồng tình với chủ trương cải cách tiền lương, cho rằng đây là tin vui đối với CBCC, người lao động. Tuy nhiên, đi liền với cải cách tiền lương là vị trí việc làm, liên quan mật thiết tới công tác đào tạo, tuyển dụng để mỗi CBCC khi được bố trí theo vị trí việc làm có thể làm được việc ngay. Việc này cần được quan tâm hơn.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) nhấn mạnh cần phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, cụ thể là phát triển nghề cá với bảo vệ chủ quyền biển đảo. 3 vấn đề cơ bản nhất là ngư dân, ngư nghiệp và ngư trường cần có các cơ chế, chính sách và giải pháp riêng để giải quyết về lâu dài, căn cơ, gốc rễ các vấn đề đặt ra.
Các đại biểu cũng đề cập về việc chấn chỉnh, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám làm vẫn còn chậm. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, tại các kỳ họp trước, các đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề tại sao lại có tình trạng nêu trên, do vướng mắc về hệ thống pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện, hay do cả hai và mức độ đến đâu?
Chủ tịch Quốc hội cho biết, để giải đáp những câu hỏi này, tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã giao cho Chính phủ nhiệm vụ tổng rà soát hệ thống pháp luật hiện nay. Phạm vi rà soát là toàn diện, nhưng tập trung vào 22 lĩnh vực trọng tâm với 523 văn bản, trong đó có 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 167 nghị định, 63 quyết định của Thủ tướng có tính quy phạm pháp luật và 217 thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ đã tích cực và nghiêm túc triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thành lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm tổ trưởng để thực hiện rà soát hệ thống pháp luật, bảo đảm tính độc lập về kết quả rà soát, đồng thời hỗ trợ công tác rà soát của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tuy đánh giá độc lập, nhưng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật – cơ quan chủ trì thẩm tra nội dung này - đều thống nhất cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật được rà soát nói chung và trong 22 lĩnh vực trọng tâm nói riêng đều cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định của Hiến pháp, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; cơ bản đáp ứng các yêu cầu về tính thống nhất, tính đầy đủ, tính đồng bộ, tính khả thi, kiến tạo phát triển đất nước và hội nhập quốc tế...
Kết quả rà soát này phù hợp với kết luận của Trung ương và Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, giải đáp được câu chuyện "cứ không làm được gì lại đổ hết cho thể chế" là không đúng. “Chẳng lẽ năm ngoái tăng trưởng hơn 8% là do hệ thống pháp luật năm ngoái tốt hơn năm nay? Không phải như vậy. Tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội chịu tác động của rất nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, cả trong nước và ngoài nước. Hệ thống pháp luật nước ta ngày càng hoàn thiện, ngày càng đầy đủ hơn”- Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có đến 70% số lượng các văn bản phát hiện có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo thì hiện đã nằm trong các dự án luật đang chuẩn bị được Quốc hội xem xét, thông qua. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển.
Bảo đảm sự nhất quán, chính xác trong phạm vi điều chỉnh của Luật
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, các đại biểu cơ bản đồng tình và góp ý một số vấn đề.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm đến nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện, nguồn lực con người, các chính sách hỗ trợ, quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các quy định của dự án luật. Đồng thời cũng đề nghị thống nhất các lực lượng của các địa phương khi thực hiện phân công tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng, khu quân sự. Trên cơ sở đó, các cấp của chính quyền địa phương mới có cơ sở phân công các lực lượng phối hợp tham gia bảo vệ, đảm bảo đúng đối tượng, chức năng, nhiệm vụ. Cơ quan trình dự án luật cũng cần rà soát đối chiếu với các dự án khác để tránh chồng chéo khi luật có hiệu lực thi hành, đảm bảo tuổi thọ của luật.
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho biết, đối với việc quản lý sử dụng đất, mặt nước trong phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, dự thảo luật có quy định: trong khu vực cấm, diện tích đất, mặt nước chưa phải là đất, mặt nước sử dụng vào mục đích quốc phòng thì phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích quốc phòng theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan và đề nghị làm rõ khái niệm “mặt nước chưa phải là đất” để đảm bảo tính rõ ràng, tường minh trong văn bản pháp luật.
Thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm
Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15.
Theo quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội ngày 23 - 6 -2023, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ sau: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, tổng số người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 là 50 vị trí, hiện nay có 49 người đang giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị quyết 96/2023/QH15 quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bầu, bổ nhiệm trong năm lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, có 5 người được bầu, phê chuẩn trong năm 2023 sẽ không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, gồm: ông Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15 gồm 44 người.
Tiếp đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm với 95,34% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành./.
Hồng Thanh
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh