09:34 24/10/2022 Chiều 22-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cân nhắc mở rộng phạm vi điều chỉnh
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) tán thành với những nội dung giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Liên quan đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đại biểu cho rằng đây là vấn đề cần cân nhắc. Theo đại biểu, dân chủ trong các tổ chức có sử dụng lao động trong đó có doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật sang các tổ chức có sử dụng lao động là chưa phù hợp.
Đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này chỉ nên điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập để phát huy được vai trò làm chủ của nhân dân, phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và các chủ trương chính sách của Đảng.
Về việc thành lập Ban thanh tra nhân dân ở các tổ chức có sử dụng lao động ngoài nhà nước, nữ đại biểu đề nghị nên cân nhắc kỹ về sự cần thiết vì đây là nội dung mới, chưa được đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng.
Quy định cụ thể về quy trình, cách thức, thủ tục kiểm tra, giám sát của người dân
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đánh giá cao nội dung quy định về hình thức, nội dung giám sát; xử lý kết quả kiểm tra, giám sát của nhân dân; trách nhiệm trong việc bảo đảm để nhân dân thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở. Tuy nhiên, đề nhân dân kiểm tra được, cần có cơ chế cụ thể, cách thức tiến hành phù hợp, nếu không hướng dẫn quy trình, cách thức thì sẽ thiếu đi một khâu để thực hiện các nội dung luật quy định. Đại biểu đề nghị bổ sung điều quy định cụ thể về quy trình, cách thức, thủ tục để người dân thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của mình.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ khái niệm kiểm tra, giám sát của nhân dân, phân biệt rõ hoạt động kiểm tra, giám sát của nhân dân với hoạt động thanh tra của Đảng, Nhà nước, từ đó đi đến cách hiểu thống nhất, xác định rõ mức độ, phạm vi, thẩm quyền, đối tượng kiểm tra, giám sát cụ thể, tránh chồng chéo.
Về Ban Thanh tra nhân dân, đai biểu đề nghị bổ sung quy định giao Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bầu bổ sung, công nhận, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân. Việc cụ thể hóa trách nhiệm sẽ nhấn mạnh vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong chủ động hướng dẫn triển khai, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Quy định phù hợp hơn về thực hiện dân chủ tại khu vực ngoài nhà nước.
Thống nhất Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum)cho rằng, cần có một chương riêng quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động, trong đó bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có thuê, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên tiếp tục nghiên cứu để xây dựng các quy định phù hợp hơn về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ tại các tổ chức có sử dụng lao động, nhất là đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài nhà nước. Quy định như vậy để đảm bảo quyền, lợi ích, sự năng động và tính chủ động của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật, không tạo thêm một gánh nặng sức ép đối với doanh nghiệp.
Góp ý về một số nội dung cụ thể của dự thảo luật, đại biểu Phạm Đình Thanh nhận thấy quy định tại Điều 11 dự thảo luật về những nội dung chính quyền địa phương cấp xã phải công khai còn có sự trùng lắp, chồng chéo với quy định tại các luật khác, đại biểu đề nghị đối với những nội dung đã được quy định tại các luật khác không cần thiết phải quy định lại.
Đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này sang đối tượng doanh nghiệp
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) quan tâm về phạm vi điều chỉnh và đề nghị không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật này sang đối tượng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp và loại hình kinh doanh ngoài Nhà nước.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa giải thích lý do. Thứ nhất, dân chủ là phạm trù thuộc quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Quan hệ này không theo phương thức thỏa thuận và bình đẳng, do đó cần phải có dân chủ. Nhà nước do dân bầu ra và trao quyền lực nên phải đảm bảo dân chủ cho dân và chống lạm quyền. Trong quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động, không có phạm trù này và chỉ có phạm trù thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng trước pháp luật.
Thứ hai, chúng ta đang xây dựng kinh tế thị trường, quan hệ lao động phải được điều chỉnh bằng quy luật của thị trường lao động, được thể chế bằng pháp luật lao động. Điều 52 Hiến pháp 2013 cũng quy định Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, điều tiết nền kinh tế trên cơ sở tôn trọng các quy luật thị trường. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận thấy, Việt Nam có một hệ thống pháp luật lao động khá đầy đủ và đang vận hành tốt. Nếu luật này có những quy định can thiệp vào quan hệ lao động và thị trường lao động ở mức độ sâu hơn, nhiều hơn so với các thể chế hiện hành về quan hệ lao động và quan hệ doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, đến hoạt động quản trị và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt đối với khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị, nếu như Quốc hội vẫn quyết định áp dụng luật này đối với doanh nghiệp thì đề nghị không áp dụng đối với doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ngoài nhà nước để tránh những hệ lụy xảy ra. Pháp luật hiện hành đã có đủ công cụ pháp lý về người lao động Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Phát biểu tranh luận về có thực sự cần thiết thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước hay không, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng có đầy đủ cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn để thực hiện.
Về cơ sở chính trị, đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám cho rằng, Chỉ thị 35 và Chỉ thị 98 của Bộ Chính trị về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã nêu ra 2 điểm hết sức chú ý. Thứ nhất là quy định quyền của mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và lợi ích hàng ngày của nhân dân tại cơ sở. Điểm thứ hai là Ban Thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.
Về cơ sở pháp lý, đại biểu cho biết Hiến pháp năm 2013 có quy định về quyền làm chủ và việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện dân chủ cơ sở tại các tổ chức cũng được quy định ở các văn bản dưới luật.
Về cơ sở thực tiễn, đại biểu cho biết, thực tiễn cũng cho thấy việc thực hiện các quy định về thực hiện dân chủ ở các tổ chức có sử dụng lao động đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, không ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do vậy, theo đại biểu, cần phải hệ thống hóa nội dung này để đưa vào luật nhằm đảm bảo tốt hơn, thể chế tốt hơn và thực hiện tốt hơn./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh