14:04 09/11/2023 Sáng 9-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Đẩy nhanh tiến độ dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cơ bản đồng tình với đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra về việc cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn. Đại biểu cho rằng đây là cơ sở pháp lý để có thể tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như là triển khai công tác giải ngân các dự án. Việc xem xét điều chỉnh này đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6 là phương án này là hợp lý.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ với Chính phủ cũng như tỉnh Đồng Nai vì dự án sân bay Long Thành là một công trình trọng điểm quốc gia có vai trò vô cùng quan trọng, kết nối các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung Đồng Nai nói riêng với các trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước, đồng thời kết nối với quốc tế.
Đại biểu ghi nhận trong thời gian triển khai thực hiện dự án, tỉnh Đồng Nai cũng đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư để hoàn thành công tác thu hồi đất cho dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn một. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn và là một giải pháp rất là hợp lý của tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ và ý kiến một số đại biểu đã phát biểu trước vẫn còn một số băn khoăn.Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ trên thực tế thì tiến độ dự án sân bay Long Thành đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn. Đại biểu cho rằng còn có nhiều nguyên nhân và Chính phủ cũng như tỉnh cần phải có những phân tích để có thêm những bài học kinh nghiệm và sau này khi triển khai những dự án tương tự thì sẽ có những giải pháp phù hợp.
Về yêu cầu việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021 là nội dung được quy định trong Nghị quyết 53/2017/QH14. Tuy nhiên, theo đề nghị trình Quốc hội tại kỳ họp này là từ hết năm 2021 cho đến hết năm 2024, tức là dự kiến sẽ chậm tới 3 năm. Đại biểu Nguyễn Thi Mai Hoa đặt vấn đề việc điều chỉnh thời gian của dự án thành phần này đã và sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành dự kiến là sẽ xong vào năm 2025. Đại biểu cho rằng cần phải có một sự cam kết thật rõ từ phía Chính phủ.
Về đề xuất kéo dài thời hạn giải ngân đối với nguồn vốn, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đặt vấn đề nội dung này có đủ điều kiện để có thể xem xét kéo dài ngân sách vốn đã giao từ năm 2021 sang năm 2024 có phù hợp với Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước không? Điều này Chính phủ cần làm rõ cho Quốc hội.
Nêu rõ dự án sân bay Long Thành là một dự án rất là lớn và vắt qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội. Quốc hội khóa 13 đã thông qua chủ trương đầu tư. Quốc hội khóa 14 thì ban hành Nghị quyết 53/2017/QH14 đồng ý cho tách dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Lần này Quốc hội khóa 15 xem xét chấp thuận sẽ đưa vào Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 cho phép lùi thời hạn giải ngân dự án thành phần. Điều này là một sự cố gắng, nỗ lực và sự đồng hành của Quốc hội đối với Chính phủ để thực hiện một dự án lớn và hy vọng là tiến độ hoàn thành giai đoạn một vào năm 2025 sẽ được bảo đảm và không có thêm một lần trình lùi hoãn thời gian nào nữa.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, trong Tờ trình của Chính phủ có nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến việc kéo dài thời gian thực hiện dự án, tuy nhiên hầu như đều là những nguyên nhân khách quan, không có nguyên nhân chủ quan. Thậm chí có nguyên nhân chưa có tính thuyết phục cao, như do đại dịch COVID-19.
Đại biểu đề nghị cần có những đánh giá sát thực hơn nguyên nhân dẫn đến việc triển khai dự án bị chậm nhiều so với tiến độ, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan để từ đó có biện pháp khắc phục hiệu quả, tránh việc đã gia hạn nhưng vẫn tiếp tục chậm trễ trong thời gian tới.
Ngoài ra, công tác triển khai đề án đào tạo nghề giải quyết việc làm và tổ chức lại đời sống cho người dân được tiến hành quá chậm, trong khi đây là nội dung quan trọng của dự án. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng và có giải pháp cụ thể cho vấn đề này.
Kéo dài thời gian giải ngân phải phù hợp với các Luật liên quan
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết, theo quy định tại Điều 68 của Luật Đầu tư công, thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31 tháng 1 của năm đầu tiên năm kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn sau. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm đến hết ngày 31 tháng 1 của năm sau; trường hợp bất khả kháng Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 của năm sau.
Như vậy số vốn kế hoạch của giai đoạn 2016 - 2020 phải được giải ngân chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 1 năm 2021 và số vốn kế hoạch của năm 2021 phải được giải ngân chậm nhất đến hết ngày 31 tháng 1 năm 2022 và có thể được kéo dài đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 theo quyết định của Thủ tướng.
Đại biểu tán thành bổ sung vốn nhưng đề xuất kéo dài thời gian thực hiện giải ngân số vốn như Chính phủ trình chưa thực sự phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước; thiếu cơ sở pháp lý để Quốc hội xem xét quyết định nội dung này. Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung số vốn còn thiếu của dự án vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 chuẩn bị trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, trên cơ sở cân đối nguồn lực trong dự toán.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, đối với các dự án lớn trước nay, không có dự án nào là không chậm tiến độ. Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng không ngoại lệ. Do vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí với đề xuất kéo dài gian giải ngân vốn đầu tư công đến 2024. Bởi thời gian kéo dài như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, liên quan đến vấn đề tiến độ các dự án là thuộc công tác điều hành của Chính phủ. Do vậy, đối với các dự án tương tự, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc về thẩm quyền, hoặc nếu thực sự phải thực hiện Nghị quyết Quốc hội đối với các dự án như thế này thì Quốc hội nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) đề xuất phương án, đó là Quốc hội thông qua chủ trương kéo dài để có cơ sở tiếp tục chi trả hoàn thiện hồ sơ thanh toán quyết toán dự án giải phóng bằng đến hết năm 2024. Còn đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị nghiên cứu phương án: Quốc hội cho chủ trương kéo dài dự án này đến năm 2025 để trùng với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các vấn đề còn lại thì do Chính phủ quyết định.
Phấn đấu bảo đảm tiến độ dự án
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Tổ và tại phiên thảo luận tại hội trường đối với dự án này. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, ngay sau phiên thảo luận tại Tổ, cơ quan soạn thảo đã có Báo cáo tiếp thu, giải trình đối với các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, nguyên nhân tăng, giảm tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai trình bày chi tiết trong Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được Hội đồng thẩm định nhà nước và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát bảo đảm đầy đủ cơ sở chính xác và trung thực theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai... UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, qua các góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.
Về giải pháp triển khai, xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trường cho biết, tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm. UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. Nếu bị chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ.
Rõ danh mục dự án thí điểm
Góp ý về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, cẩn thận và nhất trí với kết luận của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội là việc thực hiện thí điểm cần phải có địa chỉ, thời gian, giới hạn cụ thể, không quy định như một đạo luật khác.
Về các nội dung của dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho biết, dự thảo nghị quyết quy định 4 nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm. Đại biểu cho rằng, việc xác định các nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm rất quan trọng, là cơ sở để xem xét, quyết định một dự án có thuộc diện được áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Nghị quyết hay không. Do vậy cần xác định rõ đây là thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mà các dự án nào đáp ứng đủ tiêu chí thì được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù đó, hay đây là quy định về một số dự án được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù…
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho biết khi thảo luận tổ, các đại biểu nhất trí có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn về danh mục các dự án kèm theo dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội lần này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ, Điều 3 dự thảo Nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí nhưng lại không có các tiêu chí cần phải có như tính hiệu quả, tính hợp lý và tính cấp thiết. Dự thảo Nghị quyết không có những nội dung cụ thể tiêu chí này nhưng lại có danh mục dự án thì vấn đề đặt ra là các dự án có trong danh mục có bảo đảm yêu cầu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết thêm, dự thảo Nghị quyết quy định về quy trình nếu như muốn xin bổ sung dự án để đưa vào danh mục thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Đại biểu đặt vấn đề các dự án có trong danh mục lần này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra hay chưa?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phản ánh thực trạng có những dự án PPP yêu cầu Nhà nước phải giải cứu với lý do phản khoa học là đường huyết mạch nhưng lưu lượng xe quá ít nên thu không đủ và đề nghị Nhà nước phải mua. Trong khi đó, một số dự án BOT, xe quá nhiều, thậm chí là quá tải thì Bộ Giao thông vận tải lại tìm cách bớt thời hạn thu phí, trái với lại hợp đồng đã thỏa thuận. Đại biểu đặt vấn đề về người chịu trách nhiệm về tính hợp lý, hiệu quả của các dự án.
Do đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị để đại biểu Quốc hội an tâm bấm nút thông qua danh mục dự án thì cần phải có thẩm tra khẳng định được những dự án này là hợp lý, cấp thiết và hiệu quả. Nếu không thì đề nghị giao cho Chính phủ quyết định.
Tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) bày tỏ nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực tế, cơ bản nhất trí với 5 nhóm cơ chế, chính sách trong dự thảo.
Từ thực tế triển khai đường vành đai 4 vùng Thủ đô, đại biểu cho biết, về khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện tiểu dự án đầu tư công trong dự án PPP chưa thống nhất giữa Luật PPP và Nghị định 35. Cụ thể, chưa thống nhất về cơ quan lập thiết kế sau thiết kế cơ sở và dự toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Đại biểu cho rằng, với đặc thù dự án công trình giao thông đường bộ đi qua nhiều địa phương, tương ứng với các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khác nhau, đan xen nguồn vốn khác nhau sẽ làm dự án khó được thực hiện hoàn thành, gây khó khăn cho các cơ quan chủ quản trong quá trình triển khai các hạng mục dự án.
Đại biểu đề nghị cần cập nhật bổ sung cơ chế đối với loại dự án theo hướng tách nội dung bồi thường hỗ trợ tái định cư giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần hoặc tiểu dự án trong dự án tổng thể, giao các địa phương có tuyến đường đi qua thực hiện.
Đại biểu Lại Văn Hoàn (Thái Bình) thống nhất về sự cần thiết ban hành 5 nhóm cơ chế chính sách áp dụng thí điểm nhằm để tiếp tục giải quyết những vướng mắc tồn tại hiện nay, tháo gỡ những nút thắt trong đầu tư, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kế cấu hạ tầng, đặc biệt là giải quyết ách tắc về giao thông để tăng kích cầu phát triển kinh tế.
Đồng tình việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP, đại biểu Lại Văn Hoàn lý giải qua xem xét lại một số loại hình giao thông mang tầm chiến lược, tổng mức đầu tư rất lớn gồm nhiều hợp phần khác nhau đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư cơ bản về hạ tầng; đồng thời kêu gọi đầu tư vận hành và khai thác theo hình thức PPP. Vì vậy nguồn lực Nhà nước sẽ phải chiếm tỷ trọng cao trong tổng mức đầu tư. Một số dự án đầu tư ở vùng kinh tế xã hội chưa phát triển, địa bàn trọng điểm về an ninh quốc phòng đòi hỏi tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao, vận hành khai thác khó đảm bảo phương án tài chính…cũng cần được quan tâm bố trí tỷ lệ nguồn lực nhà nước cao hơn.
Dẫn chứng từ thực tiễn triển khai dự án tuyến đường bộ ven biển, đây là tuyến đường quan trọng giúp kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình, thành phố Hải Phòng và các tỉnh ven biển, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các tỉnh có tuyến đường đi qua. Dự án này được thực hiện trước khi Luật PPP ban hành, vì vậy tại thời điểm đó chưa có các quy định pháp luật ràng buộc về tỷ lệ phần vốn của Nhà nước tham gia dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án do ảnh hưởng của các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng như COVID-19, xung đột, khan hiếm nguyên vật liệu, giá cả tăng cao, chi phí nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng lớn hơn dẫn đến chi phí thực hiện dự án tăng cao, chủ yếu tăng vào phần khối lượng do phần vốn Nhà nước đảm nhận, tăng lên 80% so với tổng mức đầu tư điều chỉnh.
Như vậy nếu theo Tờ trình của Chính phủ, chỉ tăng phần vốn Nhà nước lên 70% thì cũng không tháo gỡ tồn tại, vướng mắc của dự án tuyến đường bộ ven biển. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội mà ngay từ khi thảo luận dự thảo đã thấy rõ không khả thi để tổ chức thực hiện thì cần phải được cân nhắc, thận trọng, vì dự án đang được triển khai với phần vốn Nhà nước là 66,7% và thực tế chi phí phần vốn Nhà nước đã tăng đến 80%.
Từ những phân tích trên, đại biểu Lại Văn Hoàn đề nghị các đại biểu ủng hộ phương án đề xuất theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án thí điểm lên 80% tổng mức đầu tư, riêng đối với dự án tuyến đường bộ ven biển đề nghị chấp thuận điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn nhà nước 80% tổng mức đầu tư của dự án, hoặc cho phép tiếp tục tăng phần vốn Nhà nước so với chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết, thực tiễn trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư PPP trong thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ còn nhiều khó khăn vướng mắc, cần cấu trúc tài chính phù hợp trong mô hình hợp tác PPP do đặc thù rủi ro cao của các dự án hạ tầng giao thông. Nhà nước cần mở rộng biên độ hỗ trợ về tài chính, nhằm tăng khả năng về tài chính của dự án, giúp nhà đầu tư mau hoàn vốn, nhất là với các dự án đang chuẩn bị đầu tư, triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội.
Đại biểu thống nhất với phương án tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án, điều này sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho các loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn, tạo động lực thu hút, huy động đầu tư tư nhân trong xây dựng các dự án đường bộ, tiết kiệm nguồn lực và bộ máy quản lý nhà nước do chi phí vận hành, bảo trì khai thác trong vòng đời dự án do nhà đầu tư thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng băn khoăn với Luật PPP chỉ quy định tỉ lệ vốn của Nhà nước không quá 50% tổng mức vốn đầu tư của dự án. Dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà với dự án đầu tư theo hình thức này.
Do đó, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị việc hợp tác đầu tư công tác cần cân nhắc tỉ lệ vốn góp, trình tự thủ tục đầu tư, tránh việc kéo dài dự án, thời gian từ khi đề xuất đến khi khởi công dự án quá dài.
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, đại biểu cho rằng, cần có Nghị quyết đặc thù như lần này, cơ bản thống nhất 4 nhóm chính sách chính của cơ chế PPP: tỉ lệ góp vốn của Nhà nước tham gia các dự án PPP; cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án tăng thu nguồn ngân sách Trung ương, giao cho một số địa phương quyết định chủ trương đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương, sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ cho địa phương khác…
Hồng Thanh
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh