Quốc hội thảo luận về các dự án giao thông trọng điểm quốc gia

16:33 06/06/2022

Ngày 6-6, Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường các dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm dự án đường bộ cao tốc: Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

                                                    

                                          Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ cùng đoàn Bắc Ninh và Kiên Giang

                                                   Cần khẩn trương thực hiện các dự án

      Thảo luận tại tổ 12, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng và đoàn Bắc Ninh, Kiên Giang  đều nhất trí về sự cần thiết đầu tư các dự án này nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ 13 của Đảng thông qua. Theo đó, 3 dự án cao tốc sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh. 2 dự án đường vành đai phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28-7- 2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh”. 

                                

                                                   Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tổ

     Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc chuẩn bị hồ sơ 5 dự án giao thông trình Quốc hội là nội dung khó khăn và tốn nhiều thời gian nhất của các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ khi chuẩn Kỳ họp thứ Ba. Cả nhiệm kỳ Khoá 14, Quốc hội chỉ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 1 dự án quan trọng quốc gia, nhưng chỉ riêng trong một Kỳ họp này, chúng ta trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn chủ trương đầu tư 5 dự án trọng điểm quốc gia. Nếu được Quốc hội chấp thuận, thông qua thì trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Khoá 15, chúng ta đã xem xét, quyết định 6 dự án quan trọng quốc gia.

   “Về chủ trương thì đúng như các đại biểu đã nói, không có gì phải bàn vì toàn là các dự án cấp bách, động lực, lan toả vùng, kết nối các địa phương. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng đã đồng ý về chủ trương. Vấn đề còn lại là cách thức làm thế nào, phương thức đầu tư ra sao, cơ chế chính sách đặc thù như thế nào để triển khai được thì giao cho Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự Đảng Chính phủ nghiên cứu, triển khai. Phương án trình ban đầu rất khác so với phương án trình Quốc hội lần này”- Chủ tịch Quốc hội cho biết.

     Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh quan điểm, trong giai đoạn đặc biệt hiện nay khi chúng ta vừa trải qua rất nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID – 19 và đang phải thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển kinh tế  xã hội thì cần có những quyết sách đặc biệt, đặc thù, khác với quy định của pháp luật hiện hành để triển khai các dự án này. Tình thế đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt.

     Phân tích cụ thể hơn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Ngân sách nhà nước không cho phép lấy ngân sách cấp này chi cho cấp kia. Về nguyên tắc, đầu tư đường cao tốc là trách nhiệm của Trung ương, đường song hành, vành đai là trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, trong tình hình ngân sách Trung ương gặp khó khăn, trong khi địa phương có nguồn thu từ đất đai khá lớn thì cần thiết phải cho phép Trung ương và địa phương cùng làm, tuỳ theo khả năng đóng góp của địa phương và cam kết của địa phương.

     Hay Luật Giao thông đường bộ cũng quy định cao tốc và quốc lộ là do Bộ Giao thông – Vận tải quản lý, còn tỉnh lộ trở xuống là do địa phương quản lý. Nhưng nếu 5 dự án đường giao thông này được Quốc hội thông qua, một mình Bộ Giao thông – Vận tải quản lý nhiều như vậy, chưa kể các dự án đang làm thì không thể làm hết được, do đó phải giao cho địa phương có dự án đi qua làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Phương án này không đúng với quy định của Luật Giao thông đường bộ nhưng tình hình cấp bách như hiện nay thì cần cho phép thực hiện khác với quy định của luật.

      Theo đó, Dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 là giao hết cho các địa phương. TP. Hồ Chí Minh làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 3; TP. Hà Nội làm cơ quan đầu mối của dự án đường Vành đai 4.  Riêng với 3 dự án cao tốc thì có dự án đi qua nhiều tỉnh như Biên Hòa – Vũng Tàu, dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột – Khánh Hoà thì vẫn giao cho Bộ Giao thông – Vận tải phụ trách.

    Bên cạnh việc cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù như vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, phải nâng cao trách nhiệm, cá thể hoá trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và cá thể hoá trách nhiệm trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện.

      Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, hồ sơ các dự án trình Quốc hội lần này đã có sự thay đổi rất lớn về thời hạn hoàn thành từng dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ưu tiên đặc biệt nhất về nguồn vốn và tiến độ đối với dự án đường Vành đai 3 để cơ bản hoàn thành trong năm 2025, quyết toán và đưa vào sử dụng trong năm 2026 vì dự án này không chỉ có ý nghĩa với miền Đông Nam Bộ mà còn cho cả miền Tây Nam Bộ nữa. 4 dự án còn lại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất và Chính phủ cũng đã thống nhất giãn tiến độ ít nhất là 1 năm (cơ bản hoàn thành trong năm 2026, 2027) để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện, không gây căng thẳng về nguồn vốn, đồng thời dành được một nguồn vốn nhất định của giai đoạn này để đầu tư cho một số dự án động lực của địa phương khác.

     Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng đồng tình cao với chủ trương đầu tư các dự án và cho biết, đây là mong muốn, khát khao của các địa phương.Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của các địa phương, việc làm đường nếu không gắn với khai thác quỹ đất ở hai bên đường sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Nếu chỉ tính làm đường thì sau này, khi cần khai thác quỹ đất hai bên sẽ phải đền bù GPMB với mức giá cao gấp 3-5 lần. Nhưng nếu tính luôn một lúc thì sẽ rất phức tạp, kéo dài, đòi hỏi nguồn lực rất lớn, khó có thể đáp ứng được.

    Tuy nhiên, theo đồng chí Trần Lưu Quang, vẫn cần tính đến phương án khai thác quỹ đất hai bên và có các dự án kết nối giao thông để phát huy cao nhất hiệu quả tuyến đường. Mặt khác, Quốc hội đã cho cơ chế triển khai nhanh các dự án này thì cần  làm tốt công tác kiểm tra giám sát, kiểm toán để bảo đảm các dự án không có sai sót, không bị chậm trễ.

                                      

                                                             Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ ngày 6-6

     Đại biểu Vũ Thanh Chương (Hải Phòng) nhấn mạnh, qua thực tiễn, khi đầu tư đường cao tốc mở ra không gian đô thị và phát triển kinh tế nên hoàn toàn đồng tình, nhất trí cao với chủ trương đầu tư các dự án. Lấy ví dụ quốc lộ 5 sau khi hoàn thành 3 năm đã quá tải và phải đầu tư tuyến đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đại biểu Vũ Thanh Chương mong muốn các dự án phải có sự tính toán dài hơi, bao gồm tất cả các yếu tố để bảo đảm yêu cầu sử dụng lâu dài. Theo đại biểu Vũ Thanh Chương, đầu tư đường cao tốc cần có định hướng dẫn dắt về mọi mặt, có quy hoạch chung, không chỉ là giải quyết tình thế trước mắt là chống ùn tắc giao thông. Từ đó, có sự tập trung nguồn lực để thực hiện nhanh.

     Đại biểu Vũ Thanh Chương cũng đề xuất bên cạnh việc xây dựng, cần có tổ chức giao thông phù hợp. Lấy ví dụ đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, đại biểu cho rằng cho vượt cả phải, cả trái, thậm chí vượt cả ở phần đường khẩn cấp là rất nguy hiểm, trong khi với tuyến đường mẫu mực, tiêu chuẩn quốc tế như thế này chỉ nên cho vượt trái.     

     Thảo luận tại hội trường về tổng kết, đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 66 của Quốc hội và kế hoạch xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành có liên quan và các địa phương có dự án đi qua trong việc thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, theo các đại biểu, một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng rất chậm, đến nay vẫn còn một số dự án thành phần giải phóng mặt bằng chưa xong, việc cắm mốc lộ giới chậm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, tiến độ hoàn thành dự án không đạt so với Nghị quyết.

                                                   

                                                        Thảo luận tại hội trường về dự án tuyến đường Hồ Chí Minh

     Về nguyên nhân của hạn chế, các đại biểu cho rằng do ý thức của người dân trong việc chấp hành các chính sách giải phóng mặt bằng chưa nghiêm; cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp có dự án đi qua chưa quyết liệt trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng; Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan chưa lường hết được những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh.

    Nêu quan điểm về kế hoạch đầu tư giai đoạn tiếp theo, các đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ giai đoạn 2021- 2225 tiếp tục đầu 4 dự án thành phần đã xác định được nguồn vốn và 1 dự án thành phần chuyển tiếp với quy mô 2 làn xe; còn một dự án thành phần, đoạn từ Cổ Tiết đến chợ Bến Giải 87,5 km chưa có kế hoạch đầu tư. Tiếp tục đầu tư đường cao tốc theo quy hoạch đã có chủ trương giai đoạn sau năm 2035 căn cứ vào quy hoạch nguồn lực và nhu cầu giao thông đầu tư khoảng 634 km đường cao tốc. Tuy nhiên, với kế hoạch này đại biểu băn khoăn tuyến đường mang tên Bác, qua 5 khóa Quốc hội chưa được thông tuyến, chưa rõ đến thời gian nào mới hoàn thành để thông tuyến từ Pác Bó đến Đất Mũi. 

      Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bố trí nguồn vốn để đầu tư hoàn thành tuyến đoạn tuyến Cổ Tiết đi Chợ Bến Lại 87,5 km trong giai đoạn 2021-2025 với quy mô 2 làn xe để đảm bảo tuyến đường Hồ Minh được thông tuyến và để hoàn thành và thông tuyến trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 15.

                 Quốc hội giám sát tối cao về huy động nguồn lực phòng chống COVID-19 và xây dựng NTM, giảm nghèo

    Chiều 6- 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 với 440 đại biểu tán thành (chiếm 88,18%).

                                 

                                           Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp

    Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, 4 chuyên đề được đưa ra để lựa chọn giám sát gồm: Chuyên đề 1: Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Chuyên đề 2: Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Chuyên đề 3: Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. 

                               

                                              Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội

      Căn cứ kết quả lựa chọn, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Quốc hội đã quyết định sẽ giám sát tối cao chuyên đề 1 (chiếm 61,94%) và chuyên đề 2 (chiếm 59,46%); chuyên đề 3 và 4 sẽ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.

                                                                                                                                                             Hồng Thanh

    

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông