09:30 07/01/2023 Chiều 6-1, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Định giá khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu theo cơ chế thị trường
Theo các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được nghiên cứu thận trọng trước khi xem xét thông qua.
Cụ thể, về thẩm quyền của Nhà nước trong định giá dịch vụ khám chữa bệnh đang có hai loại ý kiến khác nhau. Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đề nghị lựa chọn phương án 2: Nhà nước (Bộ Y tế) quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh thanh toán bằng bảo hiểm y tế theo lộ trình, phù hợp khả năng ngân sách nhà nước và chi trả của người dân.
Đối với giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, cơ sở khám chữa bệnh tự quyết định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo cơ chế thị trường với nguyên tắc, căn cứ định giá quy định tại Luật này và phương pháp định giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành cần tôn trọng nguyên tắc thị trường có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng.
Đại biểu Trần Khánh Thu lý giải, hiện nay hầu hết các đơn vị y tế công lập, đặc biệt các bệnh viện được trao quyền tự chủ, vừa phải bảo đảm mục tiêu công bằng trong chăm sóc sức khỏe, vừa hướng tới mục tiêu phát triển KT XH; nên các đơn vị đều hướng tới mục tiêu tăng hiệu quả hoạt động, tiết kiệm chi phí, tăng nguồn thu cho bệnh viện, đồng thời nâng cao khả năng đáp ứng của cơ sở y tế đối với nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.
Trong khi đó, cơ chế tự chủ gắn liền với việc tự chịu trách nhiệm trong quản lý điều hành. Giá dịch vụ y tế đối với ngành y tế, đặc biệt là giá dịch vụ khám chữa bệnh có vai trò to lớn trong việc thực hiện tự chủ tài chính y tế. Dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu tại cơ sở y tế là các dịch vụ do đơn vị cung cấp trên cơ sở tự nguyện, theo yêu cầu của người bệnh hoặc người nhà người bệnh, với trình độ chuyên môn kỹ thuật và chất lượng phục vụ cao để đáp ứng đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người dân trong nước và người nước ngoài tại Việt Nam không phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.
Nguồn thu từ loại hình dịch vụ này giúp cơ sở khám chữa bệnh có kinh phí để đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh; dành một phần kinh phí để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội. Nguồn thu từ dịch vụ khám theo yêu cầu còn góp phần ổn định thu nhập, đời sống của cán bộ viên chức nâng cao, tạo điều kiện cho cán bộ viên chức yên tâm công tác, nâng cao chất lượng chuyên môn góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh, tạo niềm tin của nhân dân.
Đối với việc xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu nên theo hướng giá cả phù hợp với giá trị, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết thêm, tùy theo từng chuyên ngành, từng nhóm, loại dịch vụ mà xây dựng phương án chi phí của các dịch vụ và quyết định mức giá của từng dịch vụ theo nguyên tắc tính đủ các chi phí và có tích lũy để tái đầu tư, giá dịch vụ gắn với chất lượng dịch vụ, phù hợp với thị trường và khả năng chi trả của các nhóm đối tượng khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế theo quy định và sẽ thanh toán phần chênh lệch giữa chi phí dịch vụ theo yêu cầu và bảo hiểm y tế người bệnh tự chi trả. Bệnh viện thỏa thuận, thống nhất với người bệnh trước khi thực hiện dịch vụ theo yêu cầu trên cơ sở công khai, minh bạch.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhấn mạnh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, song dự thảo chưa làm rõ nội hàm các yếu tố cấu thành giá để tính đúng, tính đủ, đảm bảo công khai, minh bạch.
Cho rằng việc tách các chi phí sẽ tạo điều kiện tính đúng, đủ, cũng như góp phần để cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nâng cao dịch vụ, tuy nhiên, đại biểu lưu ý quy định này làm thay đổi cách tính giá khám chữa bệnh hiện hành, phải tính lại toàn bộ, bóc tách các chi phí liên quan trang thiết bị, thuốc.
Bảo đảm quyền bình đẳng của người bệnh về hồ sơ bệnh án
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) băn khoăn quy định người bệnh, đại diện của người bệnh không được tiếp cận, khai thác hồ sơ bệnh án trong quá trình điều trị và chỉ được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản sau khi đã hoàn thành quá trình điều trị.
“Người bệnh cần được biết, tếp cận hồ sơ bệnh án của chính họ. Người bệnh, đại diện của người bệnh không được tiếp cận, chỉ nhận bản tóm tắt trong khi nhiều chủ thể khác như học sinh, sinh viên, nghiên cứu viên... được đọc, sao chép toàn bộ hồ sơ bệnh án là chưa phù hợp” – đại biểu nêu rõ và đề nghị, dự thảo Luật nên bổ sung quy định: người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh cần được tiếp cận hồ sơ bệnh án của người bệnh trong quá trình điều trị.
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cho rằng, quy định tại khoản 4, Điều 69 dự thảo Luật đang hạn chế quyền công dân, chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp. Quy định này đang bảo vệ nhân viên y tế và cơ sở y tế, người bệnh không có quyền xem thông tin bệnh án và không có quyền sao lục toàn bộ hồ sơ bệnh án dẫn tới nếu thông tin không chính xác thì người bệnh không biết để yêu cầu chỉnh sửa.
Với quy định này, người bệnh cũng không thể tham khảo chuyên gia y khoa khác trong quá trình khám chữa bệnh; không thể lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh khác. Trong trường hợp có tai biến, sự cố y khoa, nếu người bệnh, gia đình người bệnh có tranh chấp với cơ sở khám chữa bệnh, thì người bệnh không đủ cơ sở chứng minh sai sót chuyên môn. Do vậy, rất cần nghiên cứu, xem xét lại quy định này, đánh giá kỹ tác động của điều luật đối với người bệnh./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh