18:21 03/06/2024 Sáng 3-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.
Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ.
Đa số đại biểu tán thành việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ, trường hợp sử dụng "dao có tính sát thương cao" vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) cho biết, qua báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật của Bộ Công an cho thấy, trong tổng số 28.715 vụ sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây án giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng… thì có đến 25.378 vụ (chiếm 88,4%) đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án. Riêng đối tượng sử dụng các loại dao gây án là 16.841/25.378 vụ (chiếm 66,4%), nhiều vụ đối tượng sử dụng dao nhọn, sắc có tính sát thương rất cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) phạm tội với tính chất rất manh động gây bức xúc, hoang mang trong dư luận xã hội.
Theo đại biểu, thực tế hiện nay hiện tượng thanh thiếu niên tự hoán cải, tự chế thêm vào các loại dao này để sử dụng làm công cụ phạm tội, tuy nhiên, không xử lý được đối tượng phạm tội về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí vì trong Luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Do đó, việc bổ sung vào dự thảo việc “dao có tính sát thương cao” là vũ khí thô sơ là cần thiết, đồng thời để tránh vướng mắc trong thực tế khi loại dao này được sử dụng với mục đích sinh hoạt nên quy định không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật là phù hợp, đảm bảo tính khả thi của dự thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng cho rằng, quy định dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao… (Điểm b, Khoản 4, Điều 3 dự thảo Luật) sẽ tăng tính răn đe đối với những đối tượng có tiền án, tiền sự thường xuyên gây rối trật tự công cộng, hành hung người khác. Các đối tượng này không còn lợi dụng việc sử dụng dao để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi đe dọa xâm hại cơ thể người khác.
Tán thành việc bổ sung "dao có tính sát thương cao" vào nhóm vũ khí thô sơ, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ căn cứ mô tả chi tiết và phân loại vũ khí này theo chiều dài của lưỡi dao. Đồng thời, trên cơ sở kế thừa những định nghĩa hiện hành, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải thích, làm rõ rõ hơn về khái niệm “vũ khí quân dụng”, “vũ khí thô sơ” trong dự thảo luật để tránh gây hiểu nhầm và dễ thực thi trong thực tiễn.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cũng cho rằng, dao là công cụ dễ thấy xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày và vật dụng này rất dễ biến thành hung khí để gây án. Mặc dù vậy, nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý đối tượng sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thì có thể phát sinh nhiều bất cập và nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật. Nếu liệt kê dao vào loại vũ khí thô sơ thì những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Do đó, để bảo đảm tính ổn định xã hội, đại biểu đề nghị cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến sâu hơn nữa của các tầng lớp nhân dân là đối tượng chịu sự tác động của các vi phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, việc quy định như dự thảo với dao có tính sát thương cao nhằm góp phần phòng ngừa tội phạm. Bởi, qua báo cáo của Bộ Công an cho thấy, đối tượng sử dụng dao và phương tiện tương tự dao gây án chiếm tỷ lệ cao, phát hiện 16.841 vụ, bắt giữ 26.472 đối tượng (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng). Thực tế thời gian qua nhiều băng nhóm sử dụng các vũ khí tự tạo, tụ tập. Có vụ báo chí phản ánh đêm khuya mang dao phóng lợn gắn vào tuýp sắt rồi kéo lê trên đường, nẹt pô xe và có thể sẵn sàng gây án, gây hoang mang dư luận.
Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo quy định trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không được coi là vũ khí thì rất khó xác định khi nào dao là vũ khí, khi nào là dùng cho mục đích sản xuất, sinh hoạt. Có loại dao sử dụng hàng ngày nhưng khi sử dụng gây án lại mang tính sát thương cao. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn, quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn, tránh gây xáo trộn đời sống và sản xuất của người dân.
Theo đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp), loại dao có tính sát thương cao được liệt kê như dự thảo thì trong thực tế lực lượng vũ trang sử dụng gọi là vũ khí, người dân sử dụng là công cụ, còn đối tượng xấu sử dụng để có hành vi vi phạm pháp luật gọi là hung khí.“Giờ gom hết lại gọi là vũ khí thô sơ thì có phù hợp hay không? Người dân đang xài mà gọi là vũ khí thô sơ thì người ta không biết. Dao, mác người dân đang sử dụng như công cụ sản xuất, sinh hoạt của gia đình mà gọi là vũ khí thô sơ sao được!”- đại biểu đặt câu hỏi.
Băn khoăn với quy định: hành vi bị nghiêm cấm là nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, cải tạo, lắp ráp, sử dụng hoặc chiếm đoạt vũ khí thô sơ, trừ dao có tính sát thương cao và công cụ, phương tiện có tính năng, tác dụng như vũ khí thô sơ sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt, đại biểu cho rằng, đối tượng manh động sử dụng loại dao trên để hành hung, cướp của, giết người, chống người thi hành công vụ... thì cấm; còn người dân vận chuyển để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu sản xuất như đi rừng, đi rẫy mà cấm thì khó.
Theo đại biểu, các xưởng sản xuất dao, mác phục vụ vụ sản xuất đều có đăng ký kinh doanh hoặc khai báo sản xuất cái gì mà sao không cho vận chuyển, sản xuất. Từ đó đề nghị nên xem xét sao cho thực chất, nếu không luật ra đời ảnh hưởng đến người dân, gây khó khăn cho sinh hoạt./.
Hồng Thanh
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh