14:34 27/05/2024 Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, ngày 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Sôi nổi các ý kiến về rút bảo hiểm xã hội một lần
Bên cạnh đó, việc rút bảo hiểm xã hội một lần đã tăng 39% trong quý 1- 2024. Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, nếu không có giải pháp hiệu quả, khả thi thì chắc chắn trong thời gian tới, việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ tăng thêm. Do đó, việc cho rằng phương án 1 không làm ảnh hưởng tới 18 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội là chưa chính xác.
Đối với phương án 2, cần tiếp tục hoàn thiện, vì không nên quy định sau 12 tháng mới nghiên cứu, xem xét việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động. Bởi việc rút bảo hiểm xã hội một lần đáp ứng nhu cầu cấp bách của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề xuất giảm thời gian xem xét xuống từ 3 đến 6 tháng để đảm bảo người lao động duy trì cuộc sống trong điều kiện khó khăn.
Liên quan đến việc người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng quy định này là chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị nên kết hợp giữa phương án 1 và phương án 2, người lao động có quyền rút bảo hiểm một lần đối với khoản đóng trực tiếp (8%) theo thời gian thực đóng. Phương án trên đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng. Người lao động chỉ trực tiếp đóng 8%, còn 14% là do người sử dụng lao động đóng. Phần 14% được xem là nguồn đóng để cho người lao động nhằm đảm bảo chế độ hưu trí và người lao động chỉ được hưởng khoản này khi đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hưu trí.
Đại biểu Rơ Châm (Gia Lai) đề xuất lựa chọn phương án 1. Đại biểu cho rằng, phương án này sẽ khắc phục được tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già. Quy định này không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nên dễ nhận được sự đồng thuận của người lao động.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Chính phủ cân nhắc tích hợp áp dụng 2 phương án đã nêu. Đại biểu phân tích, cả hai phương án này vẫn chưa phải là phương án tối ưu, vì thực tế trong bối cảnh điều kiện của nước ta hiện nay nhiều người rất cần một khoản chi phí để trang trải vượt qua những khó khăn trước mắt. Vì vậy, không thể hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực như phương án 1 và chắc chắn sẽ gây phản ứng trái chiều, thậm chí khiến nhiều người dân cảm giác như bị đẩy vào thế khó; đôi khi dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống bảo hiểm.
Theo đại biểu, nếu chỉ áp dụng phương án 2, nhiều người đang tham gia bảo hiểm cũng sẽ cảm thấy quyền lợi bị hạn chế, bị mất công bằng và cũng có tâm lý so sánh và ồ ạt rút bảo hiểm xã hội trước khi luật có hiệu lực. Đại biểu nhấn mạnh, đây là nội dung lớn, rất cần có lộ trình vừa để người dân làm quen, tiếp cận và có thời gian để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của người dân. Đại biểu đề nghị vẫn tiếp tục cân nhắc và nên tích hợp cả hai phương án này. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng phương án 1. Còn đối với người tham gia bảo hiểm xã hội sau khi luật này có hiệu lực thì áp dụng phương án 2; đồng thời, đề nghị làm rõ 50% tổng thời gian đóng là giai đoạn nào.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh thực trạng nghỉ việc nhiều của người lao động ở độ tuổi từ 35 đến 40, mà nguyên nhân có phần xuất phát từ các doanh nghiệp “suy dinh dưỡng”, ngưng hoạt động. Cùng với đó các doanh nghiệp ngoài nhà nước có xu hướng cho nghỉ việc nhiều đối với những người lao động ở độ tuổi này. Trong hoàn cảnh đó, người lao động buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần.
Từ thực trạng trên, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, duy trì hoạt động để người lao động có việc làm. Khi người lao động không mất việc thì sẽ không cần rút bảo hiểm xã hội một lần.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng tán thành với cách quy định theo phương án 1, đồng thời đề nghị bổ sung quy định Ngân hàng chính sách xã hội phải cho vay đối với những đối tượng không rút bảo hiểm xã hội một lần, để khi nghỉ việc người lao động được vay tiền trang trải cuộc sống. Để thuận lợi và phát huy dân chủ, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị tổ chức lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu rõ, 2 phương án Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đều có những ưu điểm và hạn chế riêng. Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án này là thời điểm tham gia đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là trước hoặc sau khi luật có hiệu lực. Nếu đóng bảo hiểm trước ngày 1/7/2025 thì được hưởng bảo hiểm xã hội rút một lần, sau ngày này thì không được hưởng.
Đại biểu nhấn mạnh, nhu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần là nhu cầu cấp thiết, hợp pháp và hợp lý của người lao động, không phụ thuộc vào thời điểm đóng bảo hiểm xã hội trước hay sau khi luật này có hiệu lực.
Do đó, để phát huy tối đa ưu điểm cũng như hạn chế tối đa những hạn chế của hai phương án, đại biểu đề xuất tích hợp 2vphương án trên theo đề nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Ry. Từ đó giải quyết được vấn đề trước mắt theo yêu cầu của người lao động. Về lâu dài sẽ giải quyết được vấn đề đảm bảo an sinh xã hội.
Bổ sung quy định xử lý hành vi chậm, trốn đóng BHXH
Về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc và biện pháp xử lý hành vi được quy định tại Điều 37 và Điều 38, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung thêm các quy định về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo sự đồng bộ trong việc xử lý trong khi chưa sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế và Luật Việc làm.
Quan tâm đến biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định tại Điều 39, Điều 40 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) cho biết, 2 Điều này quy định về biện pháp xử lý vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm bắt buộc. Cụ thể, Điều 39 quy định xử lý vi phạm về chậm đóng, Điều 40 xử lý vi phạm bị trốn đóng. Tuy nhiên, nội dung biện pháp xử lý của 2 Điều này cơ bản là giống nhau, riêng việc trốn đóng bảo hiểm xã hội có thể bị áp dụng thêm biện pháp hình sự.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho rằng, dự thảo Luật nên thiết kế quy định Điều 40 theo hướng rút gọn thành 2 khoản. Theo đó, khoản 1 là các biện pháp xử lý như quy định tại Điều 39; khoản 2 quy định truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) đề nghị cần có các mức số tiền khác nhau về hành vi chậm đóng bảo hiểm, trốn đóng bảo hiểm, không nên quy định mức giống nhau như dự thảo luật. Đồng thời, cần xác định làm rõ việc nộp số tiền này có đồng nghĩa với việc nộp phạt hành vi vi phạm hay không để tránh trùng lặp với các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Cần phân hóa các mức xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa chậm đóng, trốn đóng do tính chất và mức độ vi phạm giữa chậm đóng và trốn đóng là khác nhau…
Tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH
Về hưởng BHXH một lần, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) chọn phương án 1 để đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện, đồng thời đề nghị cần có định hướng truyền thông để hướng đến chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi đối với người lao động mất việc làm, bệnh tật… để vượt qua khó khăn trước mắt.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) tham gia ý kiến đối với Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị giao Chính phủ hướng dẫn việc xác định về thời hạn 12 tháng không tham gia BHXH để đủ điều kiện hưởng BHXH một lần trong trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội đã ban hành quyết định, sau đó người lao động mới giao kết hợp đồng lao động và đóng BHXH cả tháng để xác định rõ ranh giới giữa vi phạm và không vi phạm, điều kiện hưởng 12 tháng không tham gia BHXH thì được hưởng BHXH một lần.
Về Điều 41 cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng BHXH cho người lao động, đại biểu đề nghị tại khoản 1 Điều 41 bỏ cụm từ “do cưỡng chế về quản lý thuế”, bỏ đối tượng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể vì theo khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp chỉ được giải thể khi thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài…
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (Điều 3) và đề nghị nên bổ sung đối tượng thành viên là cá nhân của các tổ hợp tác (tổ hợp tác có đăng ký kinh doanh) vào khoản 1 Điều 3 Dự thảo để tương đồng với hai đối tượng mới được bổ sung trong dự thảo là chủ hộ kinh doanh (hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh) hoặc người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương.
Về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị làm rõ quy định cấm hành vi: “Thông đồng, móc nối, bao che, giúp sức cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về BHXH”. Đồng thời dự thảo cần quy định chung đối với các hành vi: “Cầm cố, chuyển nhượng sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức”.
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện và cho rằng phạm vi điều chỉnh quy định tại dự thảo luật rất rộng, khó quản lý đối với cơ quan chức năng. Hiện chưa có cơ sở dữ liệu về lao động nên tính khả thi chưa cao. Do đó, đề nghị nghiên cứu nội dung này rõ hơn, bảo đảm tính khả thi.
Về trách nhiệm của người sử dụng lao động tại Điều 12, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm báo cáo tình hình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hàng quý đến cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Đây cũng là hình thức kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Về trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội tại Điều 17, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng quy định thời gian cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo với Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân cùng cấp về tình hình, các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội và định kỳ 5 năm đánh giá khả năng cân đối Quỹ hữu trí, tử tuất trong báo cáo tình hình quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội là quá dài và không kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh tồn tại. Do đó, đại biểu đề nghị giảm thời gian quy định tại Điều này theo hướng: Cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ 3 tháng báo cáo với cơ quan quản lý, 6 tháng báo cáo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các Bộ có liên quan; 6 tháng báo cáo với Ủy ban nhân dân cùng cấp và định kỳ 3 năm sẽ đánh giá, dự báo khả năng cân đối quỹ.
Về biện pháp xử lý vi phạm chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đại biểu Đào Chí Nghĩa đề nghị bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu, môi giới việc làm…để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định làm việc. Quy định này cũng nhằm nâng cao tính cảnh báo, răn đe và thông tin minh bạch./.
Hồng Thanh
10:06 09/01/2025
08:20 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh