Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ

16:32 21/05/2024

Sáng 21-5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ.

                            Chỉ thu phí các tuyến đường cao tốc nhà nước đầu tư khi có các tuyến đường bộ song hành

          Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý tối đa theo ý kiến đại biểu Quốc hội, tập trung vào các quy định tại Điều 8 (phân loại đường bộ theo cấp quản lý), Điều 12 (quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 15 (hành lang an toàn đường bộ), Điều 16 (sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ), Điều 28 (đầu tư, xây dựng công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 31 (bàn giao, đưa công trình đường bộ vào khai thác), Điều 35 (bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 37 (trách nhiệm quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 41 (Chi phí quản lý, sử dụng, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 42 (nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ); tách nội dung Điều 40 dự thảo Luật Chính phủ trình để xây dựng thành hai điều là Điều 35 (bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ) và Điều 36 (quản lý, vận hành, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ); thiết kế lại kỹ thuật lập pháp một số điều; bỏ Điều 13 (đường giao thông nông thôn, đường đô thị và đường địa phương), Điều 21 (phạm vi bảo vệ đối với các công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường bộ), Điều 43 (trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh) và sắp xếp lại vị trí một số điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ

          Về ý kiến đề nghị phân cấp, cho phép một số địa phương có khả năng bố trí nguồn lực được đầu tư, xây dựng quốc lộ và đường cao tốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định tại điểm c khoản 5 Điều 8. Theo đó, trong trường hợp địa phương có khả năng bảo đảm nguồn lực đầu tư thì UBND cấp tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND quản lý tuyến đường đó theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh sẽ thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, các quy định này phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, không mâu thuẫn, chồng chéo và bảo đảm tính khả thi.

          Về nguồn tài chính để đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ và nguồn thu từ kết cấu hạ tầng đường bộ, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh sửa khoản 2 Điều 42 để thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Theo đó, các nguồn thu quy định tại khoản này sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước để phân bổ theo quy định.

           Về quy định thu phí sử dụng đường cao tốc, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ nội dung này như dự thảo Chính phủ trình, nhằm tạo nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đường bộ trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn. Đối với một số ý kiến băn khoăn về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có  giải trình chi tiết. Theo đó, việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư nhằm bảo đảm tính công bằng khi phương tiện tham gia giao thông được sử dụng dịch vụ tốt hơn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ áp dụng với các tuyến cao tốc có tuyến đường bộ song hành.

                                  Bổ sung quy định tỷ lệ quỹ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị

          Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cho rằng, hiện  nay, vấn đề giao thông đô thị ở các địa phương đang phát sinh nhiều bất cập như: đường dành cho phương tiện lưu thông; bến bãi đậu xe tập trung; nơi dừng đỗ xe trên các đường phố, đường dành riêng cho người đi xe đạp … Do đó đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ quỹ đất tối thiểu dành cho giao thông đường bộ tại các đô thị: bao gồm đất dành cho xây dựng đường, vỉa hè; bến xe khách, điểm đỗ, dừng đón, trả khách cho xe buýt, taxi; bãi đậu xe ô tô tải, các trung tâm logistics…

Đại biểu Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng

Về hoạt động vận tải đường bộ (Điều 56), đại biểu đề nghị xem xét, chỉnh lý quy định hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là hoạt động do tổ chức, cá nhân sử dụng ô tô để vận chuyển hàng hóa, hành khách cho người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa hoặc nhu cầu đi lại, có thu tiền cước vận tải; đồng thời, kinh doanh vận tải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và giao Chính phủ quy định cụ thể Điều này. 

          Về Khoản 8 Điều 56 dự thảo về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, đại biểu  đề nghị nghiên cứu, bổ sung 2 nội dung: Nhà nước khuyến khích việc phát triển vận tải hành khách bằng xe buýt ở các đô thị và giao cho Chính phủ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển vận tải xe buýt ở các đô thị; bổ sung nội dung về định nghĩa xe buýt trong đô thị theo hướng xe buýt trong đô thị là xe có chỗ đứng, chỗ ngồi cho hành khách; khuyến khích sử dụng xe dùng năng lượng sạch.

Đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ, hiện nay các bến xe có nhiều hình thức sở hữu, nhưng đa số là được thành lập theo Luật Doanh nghiệp do tư nhân đầu tư hoặc đã được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước. Việc Nhà nước định giá dịch vụ xe ra, vào bến xe khách chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây khi mà các bến xe đều thuộc sở hữu nhà nước. Nếu các bến xe không được linh hoạt, chủ động nghiên cứu thị trường để đầu tư nâng cấp, tổ chức các dịch vụ có chất lượng cao thì không thể thu hút được hành khách vào bến; làm gia tăng tình trạng xe dù bến cóc, gây mất trật tự an toàn giao thông. Vấn đề mà các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định quan tâm nhất hiện nay là làm sao thu hút được hành khách vào bến; giảm bớt xe dù, bến cóc chứ không phải để tình trạng này ngày càng gia tăng như hiện nay.

Mặt khác, quy chuẩn bến xe còn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; thực tế tình trạng hành khách không vào bến xe mà đứng ngoài đường, gần các bến xe để đón xe hoặc hẹn lái xe ra đón ngày càng tăng… Tình trạng đó có nguyên nhân chính là bến xe chưa đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng dịch vụ đối với hành khách. Vì vậy, cần để các bến xe căn cứ vào chất lượng dịch vụ của mình để công bố giá dịch vụ xe ra, vào bến. Đại biểu đề nghị nghiên cứu chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp.

                                                          Cần làm rõ thêm một số nội dung

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, dự thảo Luật Đường bộ có quy định nhiều nội dung cần được giải thích rõ nhằm tạo thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện, cũng như thuận lợi trong công tác nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền pháp luật và để căn cứ cho việc vận dụng giải quyết các vụ việc có liên quan về sau. Cụ thể là các nội dung về Phân loại đường bộ (Điều 8, 9), hành lang an toàn đường bộ (Điều 15), tải trọng và khổ giới hạn của đường bộ (Điều 27), giao thông thông minh (Điều 40), tài khoản giao thông (Điều 43), đường cao tốc (Điều 44), hoạt động vận tải đường bộ (Điều 56), vận tải đa phương thức (Điều 67)...

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận)

          Về hoạt động vận tải đường bộ tại Điều 56, đại biểu đề nghị bổ sung loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, hoạt động trong khu vực hạn chế vào khoản 6 Điều 56.  Đại biểu cho biết, hiện nay Chính phủ đang cho phép 35 tỉnh, thành phố thí điểm hoạt động trong phạm vi hạn chế; ngày 9/4/2024, Bộ Giao thông, Vận tải có văn bản số 3795 về việc thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện chở khách tham quan du lịch trong khu vực hạn chế gửi Thủ tướng Chính phủ và đã đề nghị đưa vào Luật đường bộ. Theo đại biểu nội dung kiến nghị này của Bộ Giao thông vận tải là phù hợp.    

Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc việc giao Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ bởi trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, trong đó các vấn đề liên quan đến cấp phép của cơ quan nhà nước ngày càng được minh bạch hóa và quy định khá đầy đủ ở văn bản luật. Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ. 

Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đường bộ

          Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, trong thực tế hiện nay, phát sinh việc kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng thực tế, về bản chất lại kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định (chở khách di chuyển thường xuyên hàng ngày cùng một điểm đi và điểm đến). Việc này đã tác động tiêu cực đến việc thực thi pháp luật, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự an toàn giao thông. Do đó, đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) 

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên)  quan tâm đến khoản 10 Điều 56, dự thảo Luật quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất. Đại biểu cho rằng, việc Ban soạn thảo đưa ra quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng núp dưới bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Tuy nhiên, điều này lại đang vô tình làm hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, vì có thể tối đa hóa số lượng người di chuyển trong một chuyến đi, do đó, sẽ giúp giảm đáng kể lưu lượng xe lưu thông trên đường và giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn giao thông.

            Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra rà soát và điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ được hoạt động. Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, đây cũng là cách thiết thực để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc dần tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu khí thải nhà kính, sử dụng hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của xã hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững./.

                                                                                                                                     Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông