22:57 21/05/2024 Chiều 21-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Trúng đấu giá không nộp tiền bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10 - 11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế (Cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Liên quan đến nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về tài sản đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá. Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá, tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê, tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu. Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thay cụm từ “bán thông qua đấu giá” thành “đấu giá” nhằm bao quát hết các loại tài sản mà hiện nay pháp luật quy định phải thực hiện thông qua đấu giá không chỉ nhằm mục đích để bán tài sản mà còn để được giao, cho thuê, chuyển nhượng, cấp phép quyền khai thác tài sản…
Về đăng ký tham gia đấu giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 38 theo hướng việc xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá đối với tài sản thông thường, không yêu cầu về điều kiện chuyên môn, kỹ thuật, tổ chức hành nghề đấu giá chỉ cần thông báo cho người không đủ điều kiện tham gia đấu giá chậm nhất 01 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá.
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…
Về đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá và đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định đấu giá viên chỉ công bố giá trả của từng phiếu trả giá mà không phải công bố tất cả các thông tin trên phiếu trả giá.
Về đấu giá trực tuyến, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến, theo đó, Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác; Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định.
Về chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023 nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản...
Làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) góp ý về hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 9 dự thảo Luật và đề nghị làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản. Đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thêm việc quy định hành vi này là “cố ý” hay chỉ cần quy định hành vi “cung cấp thông tin…” vì để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi, theo tôi trong trường hợp này không cần quy định “cố ý”, chỉ cần quy định có hành vi “cung cấp thông tin…”.
Đồng thời đề nghị bổ sung thêm nội hàm của hành vi này không chỉ cung cấp thông tin không chính xác mà còn cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ vì trên thực tế đã có tình trạng tổ chức đấu giá không trung thực, không đầy đủ trong việc kê khai thông tin trong hồ sơ theo hướng có lợi cho tổ chức mình và người có tài sản cũng không và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc xem xét, xác minh hồ sơ dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) quan tâm đến quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản… Đại biểu cho rằng, những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Cụ thể như quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa thực sự hợp lý, chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng quy định chung về đấu giá tài sản với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật với những quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành Luật.
Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản tại khoản 5 Điều 1 của dự thảo Luật, cụ thể là gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; hoặc nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.
Theo đại biểu, dự thảo Luật mới chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình khi có tranh chấp với người thứ ba, mà chưa có quy định để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình nhưng không làm được thủ tục để xác lập quyền sở hữu đối với tài sản trúng đấu giá do tài sản đó “có vấn đề” trước khi đưa ra đấu giá. Luật cũng chưa có quy định để xác định trách nhiệm của các bên liên quan (ngân hàng, tổ chức công chứng, tổ chức đấu giá) trong việc đưa tài sản “có vấn đề” ra đấu giá, dẫn đến vướng mắc sau khi đấu giá xong, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá.
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người trúng đấu giá, người mua được tài sản đấu giá ngay tình; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan đối với tài sản đưa ra đấu giá.
Quy định các trường hợp không được đăng ký tham gia đấu giá phải phù hợp với quy định liên quan và thực tế
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều 38 (quy định về đăng ký tham gia đấu giá). Theo đại biểu, tại khoản 23, Điều 1 của dự thảo Luật về bổ sung điểm e vào sau điểm đ, khoản 4, Điều 38 quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá, gồm: “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản.”. Việc quy định thêm các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá gồm: "công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản” là phù hợp với quy định của Khoản 2 Điều 195 Luật doanh nghiệp 2020; Điều 12, Nghị Định 47/2021/NĐ- CP quy định chi tiết một số điều Luật doanh nghiệp 2020; Điều 17a, Nghị định 10/2023/ NĐ- CP hướng dẫn thi hành luật đât đai năm 2013. Qua đó sẽ giúp tránh được tình trạng thông đồng dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong hoạt động đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị không nên bổ sung nhóm đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá là “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột", vì quy định này không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế.
Đại biểu Trần Văn Tuấn cho rằng, nếu quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản là hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân, không phù hợp với Hiến pháp và các quy định pháp luật liên quan, không phù hợp đối với trường hợp Nhà nước đấu giá quyền sử dụng đất ở để giao đất cho cá nhân, tổ chức có thu tiền sử dụng đất.
Về mặt thực tế, nếu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột đều có quyền đăng ký tham gia đấu giá nhiều lô đất khác nhau cùng với nhiều khách hàng khác không có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân cũng không ảnh hưởng đến tính khách quan của cuộc đấu giá và không phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá.
Đồng thời, theo đại biểu, quy định không cho cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột cùng đăng ký tham gia một cuộc đấu giá, trả giá cùng một lô đất còn phát sinh thủ tục hành chính hết sức phức tạp cho tổ chức đấu giá trong quá trình thực hiện thủ tục cho khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.
Do đó, nếu quy định cấm như dự thảo nêu trên nhưng không kiểm soát được, sẽ dẫn đến sai sót mà sau khi đấu giá xong mới phát hiện người tham gia đấu giá có quan hệ hôn nhân, huyết thống... phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Điều này cũng sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí do việc phải tổ chức đấu giá lại, đó là chưa kể đến việc tổ chức đấu giá tài sản phải đối diện với việc có tranh chấp khiếu kiện phức tạp.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đồng tình với ý kiến này và cho rằng dự thảo luật bổ sung quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá, tuy nhiên trên thực tế rất khó thực hiện bởi khi tổ chức cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp không thể biết hết quan hệ trong gia đình trong số những người tham gia đấu giá là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột… và không có điều kiện để xác minh các thông tin nói trên.
Mặt khác, việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng đã được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ với con, anh chị em ruột đều có năng lực hành vi dân sự riêng, độc lập với nhau về tài sản. Đại biểu đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung này vào dự thảo luật; nếu đưa nội dung này vào dự thảo Luật Đấu giá tài sản cần có cơ chế để thực hiện, đảm bảo tính khả thi trong thực tế, cũng như đảm bảo quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị làm rõ thế nào là “có khả năng chi phối hoạt động” vì quy định này mang tính định tính và rất khó xác định trong thực tế…
Hồng Thanh
15:04 09/01/2025
12:16 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh