13:59 20/11/2023 Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15.
Theo Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu Quốc hội, đã có 2.765 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, 2.751 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri, đạt 99,5 %. Trong đó, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã trả lời 69/69 kiến nghị. Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đã giải quyết và trả lời 2.591/2.605 kiến nghị. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 61/61 kiến nghị. Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội tiếp tục đóng góp thêm nhiều ý kiến, đề xuất, kiến nghị.
Bảo đảm tính thực chất, hiệu quả trong giải quyết kiến nghị của cử tri
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nêu rõ, qua công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành được nâng cao, nhiều kiến nghị của cử tri được xem xét, giải quyết với tỷ lệ cao, trong đó có những kiến nghị đã kéo dài như đối với việc thiếu trang thiết bị vật tư, y tế, cơ chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công… Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn nhiều trường hợp trả lời cử tri một cách chung chung, chưa cụ thể, chưa thiết thực, chỉ cung cấp thông tin, không đi vào cụ thể giải quyết vấn đề, không đủ sức thuyết phục, chưa thể hiện hết trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến phát sinh đơn thư khiếu kiện.
Đại biểu đề nghị rà soát quy định của Chính phủ, đề cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc tiếp cận, xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri theo đúng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm, thời gian giải quyết, không để tình trạng kéo dài trong xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) khẳng định, việc đưa nội dung thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào thảo luận đã thể hiện Quốc hội tiếp tục có những đổi mới về tổ chức hoạt động sáng tạo, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để không ngừng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội; tiếp tục khẳng định vai trò của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân, luôn đòi đồng hành cùng Nhân dân. Mặc dù vậy, vẫn còn một số văn bản trả lời mang tính cung cấp thông tin, mang tính khái quát hướng tiếp cận, tập trung cho việc nghiên cứu để giải quyết sửa đổi bổ sung các quy định mà chưa có giải pháp quyết liệt để giải quyết các vướng mắc bức xúc, không có lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng khiến cử tri tiếp tục kiến nghị gây khó khăn.
Để nâng cao hơn nữa kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Tráng A Dương kiến nghị đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện giám sát đến cùng trả lời kiến nghị của cử tri, không chỉ giám sát số lượng các trả lời mà sẽ đi sâu giám sát đến chất lượng các nội dung trả lời, thời gian trả lời của các bộ ngành đã đáp ứng được yêu cầu của cử tri và Nhân dân đảm bảo đúng quy trình của pháp luật hay chưa?. Đặc biệt theo đến cùng những lời hứa của các bộ trưởng trưởng ngành để kịp thời có thông tin cho cử tri; đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp đối với những cơ quan đơn vị chậm trả lời kiến nghị của cử tri để Đoàn đại biểu Quốc hội có cơ sở giám sát, cũng như báo cáo với cử tri…
Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm hơn nữa, trả lời đúng thời hạn các kiến nghị của cử tri, giải quyết những tồn tại, hạn chế, giải quyết dứt điểm những kiến nghị trong lĩnh vực quản lý, nhất là những kiến nghị liên quan đến đời sống dân sinh, đảm bảo giải quyết có chất lượng, đúng tiến độ để báo cáo trước cử tri.
Quan tâm giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài
Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) phản ánh, vẫn còn một số vụ việc cử tri kiến nghị trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, chưa có lộ trình giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ ngành. Một số vấn đề được Đoàn ĐBQH các tỉnh gửi văn bản riêng tới các bộ, ngành, được Ban Dân nguyện theo dõi, đôn đốc, nhưng chưa được các bộ, ngành trung ương quan tâm trả lời. Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như từng đại biểu Quốc hội nói riêng.
Đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường rà soát, đôn đốc xử lý phản hồi thông tin trước, trong và sau khi tiếp xúc cử tri, nhất là trong các vụ việc kéo dài, kiến nghị nhiều lần vẫn chưa giải quyết. Cơ quan có thẩm quyền cần có giải trình, đưa ra lộ trình giải quyết cho cử tri, để nhân dân có thể giám sát.
Đồng thời, Chính phủ, các bộ ngành cần trả lời, giải đáp thỏa đáng những ý kiến kiến nghị chính đáng của cử tri, nhất là các vụ việc tồn đọng nhiều năm, đến nay chưa giải quyết. Ngoài ra, cần tăng cường hợn nữa mối quan hệ phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị cử tri, nhất là kiến nghị liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ chủ quản.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) góp ý về 2 vụ án liên quan đất đai xảy ra tại TP. Đà Nẵng trong các năm 2010, 2011. Qua nghiên cứu đơn và các bản án, đại biểu nhận thấy có sự khó hiểu và khó lý giải về các bản án đã tuyên.
Vụ thứ nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ và các bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được Tòa án nhân dân TP. Hà Nội xử sơ thẩm Bán án số 48 ngày 30/1/2019 và TAND cấp cao xử phúc thẩm ngày 13/6/2019 xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản của Nhà nước mua, thuê trái phép, trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện hiện nghi phạm tội là năm 2010 và 2011. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án nói trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sửa bản án theo cách xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố.
Vụ thứ hai là vụ Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, trong vụ án này, cả Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội số 20 ngày 13/1/2020 và Bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội số 158 ngày 12/5/2020 lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án, tức là thời điểm năm 2018.
Tóm lại, hai vụ án đều được Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử đều liên quan tới 3 tài sản nhà nước tại thành phố Đà Nẵng: nhà đất số 319 đường Lê Duẩn; dự án Việt ven biển, đường Trường Sa; đất công viên An Đồn cũ, nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời cho đại biểu Quốc hội và cử tri được biết vì sao Tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản nhà nước ở hai vụ án nói trên. Thứ hai là bản án phúc thẩm số 158 có sự sai về quy định của pháp luật về việc xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không?
Đồng thời cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử hai vụ án nêu trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại hội trường, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, cơ sở khoa học để xác định một hành vi phạm tội đã từng được giải trình trước Quốc hội…
Theo Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, cần phải xác định ở thời điểm phạm tội vì tất cả các yếu tố cấu thành phạm tội đều phải được xác định ở một thời điểm- đó là thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội phải do chính hành vi đó gây ra, chứ không phải do các yếu tố bên ngoài. Ví dụ một lô đất tăng giá, ở năm này là 100 tỷ, sang năm lên 200 tỷ, sang năm nữa lên 300 tỷ đồng. Đó là do thị trường, chứ không phải do hành vi phạm tội gây ra. Nếu xác định giá trị đất tại thời điểm phát hiện thì trong thực tế sẽ có những bất cập khác.
Ông Nguyễn Hòa Bình cũng phân tích có nhiều loại vụ án xử các tội khác nhau như buôn lậu máy tính, điện thoại hay các tội hối lộ, trộm cắp, tham ô… Đất tăng theo thời gian, còn máy tính thì giảm giá trị theo thời gian. Nếu xác định tại thời điểm phát hiện vụ án thì có loại tội sẽ tăng hậu quả, có loại loại tội sẽ giảm, như vậy là không hợp lý.
Về hành lang pháp lý, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có nghị quyết theo yêu cầu Quốc hội, hướng dẫn tất cả các vụ án sẽ xử xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, không phải theo thời điểm phát hiện. Vì có thể hành vi phạm tội xảy ra nhưng nhiều năm sau mới phát hiện.
Những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết của hội đồng thẩm phán, trái với nghị quyết, không đúng sẽ phải xem xét lại. Tuy nhiên, trình tự xem xét lại các vụ án đã xác định không đúng thời điểm gây ra hậu quả phải theo trình tự của luật định.
“Việc xem xét một vụ án phải theo trình tự của luật định. Tòa án không thể căn cứ ý kiến tại hội trường hay của ai đó để xem xét mà phải căn cứ trình tự của pháp luật tố tụng” – theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình.
Sớm giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực y tế
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị tiếp tục giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ tại các cơ sở y tế, các bệnh viện.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua, nhất là sau thời gian dịch bệnh COVID-19, có nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, ở địa phương, nhiều cơ sở giao cho đơn vị đấu thầu nhưng cán bộ trực tiếp thực hiện là bác sĩ, không rõ cơ chế mua sắm nên quá trình làm còn lúng túng.
Thứ hai là vấn đề phân cấp, phân quyền. Như Bộ Y tế phân cấp toàn bộ cho đơn vị trong bộ thực hiện mua sắm. Trong khi đó, có địa phương chỉ mua được đến 100 triệu đồng, nếu cao hơn phải trình lên Sở Tài chính, lên tỉnh phê duyệt, thời gian lâu hơn.
Bộ trưởng mong các địa phương rà soát để thực hiện quản lý và trao quyền cho đơn vị triển khai thực hiện, tránh thủ tục phiền hà.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nêu thực trạng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhiều ca mắc liên tục, việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn do giãn cách xã hội. Vì vậy các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế, hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục.
Do đó, cử tri ngành y tế kiến nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn việc thanh toán nợ cho các đơn vị trong việc mua, mượn nợ trang thiết bị y tế, hóa chất sát khuẩn phòng, chống dịch COVID-19. Đối với riêng tỉnh Bình Thuận, ông Thông nói số nợ này là trên 91 tỷ đồng.
Ông nói thêm Quốc hội đã ban hành nghị quyết 99 về giám sát đã giao cho Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, theo báo cáo Chính phủ, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ bất cập này.
Cơ sở y tế các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong trả nợ. Chủ nợ mòn mỏi chờ, con nợ mòn mỏi chờ hướng dẫn. Đaaij biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm có hướng dẫn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, về các khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 chưa trả được là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố mà đại dịch bùng phát, không chỉ vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén…
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông có đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn nhưng theo đại biểu Lân Hiếu cho rằng, chỉ như vậy là chưa đủ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ, Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, chỉ đạo cho địa phương tự thực hiện rà soát nhưng luôn kèm theo một câu là “thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy đại biểu cho rằng, mọi việc sẽ đứng yên một chỗ.
Do đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ Y tế cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc các mặt hàng cụ thể, hay sử dụng chống dịch, các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định trước đây không có quy định về vay, mượn nhưng trong bối cảnh dịch bệnh chưa có tiền lệ, đảm bảo sinh mệnh của người dân trên hết và trước hết nên thực tế có việc tạm ứng, vay mượn để đảm bảo nhu cầu chữa bệnh, xét nghiệm.
Nghị quyết 99 của Quốc hội giao Chính phủ sớm có các biện pháp cho vấn đề này trước 31/12/2024. Song theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan đây là việc khó, bộ đang phối hợp với UBND các tỉnh triển khai.
Bộ Y tế có 2 công văn đề nghị các dịa phương báo cáo tình hình vay mượn. Tổng hợp từ 48 địa phương, 7 bộ ngành cho thấy số vay mượn khoảng 1.693 tỷ đồng, trong đó vay mượn thuốc, sinh phẩm 754 tỉ đồng, kit xét nghiệm 939 tỷ đồng.
Từ đó, Bộ phân loại các hình thức vay mượn, như có hợp đồng hay chưa, có đàm phán giá thế nào hay chưa có gì để có phương án xử lý triệt để. Hiện bộ đang giao các đơn vị xây dựng phương án.
Do chưa có quy định luật pháp thì Chính phủ sẽ báo cáo UBTVQH cho cơ chế xử lý – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đồng thời nhấn mạnh Luật khám bệnh, chữa bệnh hiện đã mở dần hình thức vay mượn, ứng trước nên đang triển khai hướng dẫn để thực hiện lâu dài./.
Hồng Thanh
08:20 09/01/2025
15:07 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh