23:35 01/06/2023 Ngày 1-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về KTXH, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận sôi nổi nhiều vấn đề mà người dân quan tâm. Trong đó, bệnh “sợ sai”; quy hoạch; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; giáo dục đào tạo… làm nóng nghị trường.
Cần giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho biết, 4 tháng đầu năm có 77.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Đại biểu cho rằng con số này cho thấy một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Đó là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và con số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. Đây là điều chưa từng thấy.
Số liệu thống kê từ năm 2020 khi Quốc hội sửa Luật doanh nghiệp đến nay, hằng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Ngoài ra, trong số bình quân 19.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng là một mức tăng đột biến nếu so sánh với mức bình quân 11.900 doanh nghiệp năm 2022, 10.000 vào năm 2021... Điều bất thường thứ ba là điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất kinh doanh...
Đại biểu cho rằng, tình trạng này cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, cần nghiên cứu có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ, tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.
Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, hệ thống pháp luật đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện (các nước phát triển khác có hàng trăm năm, hệ thống pháp luật được hoàn thiện) nên trong quá trình chuyển đổi có mâu thuẫn, chồng chéo hay xung đột, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ không tránh khỏi. Quan trọng là phải phát hiện kịp thời và kịp thời, điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, năng lực chống chịu thích ứng và ứng phó trước các biến động bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh đang còn hạn chế; hậu quả COVID - 19 để lại hết sức nặng nề và các doanh nghiệp phải gồng mình chống chịu trong thời gian qua; một số bộ phận cán bộ đang tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh đùn đẩy trong xử lý công vụ.
Về một số giải pháp thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ cơ bản đã nhận diện được những tồn tại, hạn chế, tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, tận dụng cơ hội mới để phát triển đạt được mục tiêu cao nhất.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉ đạo có biện pháp thực thi chính sách phát triển mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn để hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho người lao động để giúp hỗ trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Khắc phục điểm nghẽn quy hoạch
Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội những tháng đầu năm bộc lộ những khó khăn, thách thức, tạo áp lực lớn trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023 đã được dự báo từ khi xây dựng kế hoạch. Hiện nay, một số việc rất quan trọng nhưng còn chậm như: tiến độ lập, thẩm định quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành.
Cụ thể, có 92/111 quy hoạch chưa được phê duyệt trong khi thời hạn chót là trong năm 2023. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đôn đốc, chỉ đạo, đề nghị các cấp cần quyết liệt hơn, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm trễ trong thẩm định quy hoạch. Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị, cần bổ sung giải pháp cụ thể hơn, tập trung chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chuyên ngành.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng rất quan tâm đến quy hoạch và cho biết, hiện nay các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương đang khẩn trương triển khai việc lập quy hoạch theo cấp của mình. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này còn rất nhiều, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh chưa được phê duyệt, khiến nhiều dự án đang chậm triển khai đầu tư.
Theo đại biểu, các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật không được lập mới, lại được thực hiện điều chỉnh tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành quốc gia theo Nghị quyết 64 của Chính phủ để tiếp tục triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn để thực hiện tích hợp, điều chỉnh chưa kịp thời, gây khó khăn cho địa phương trong việc xem xét, điều chỉnh tích hợp các nội dung vào quy hoạch tỉnh.
Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, cũng như hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch để các địa phương làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật tích hợp vào các tỉnh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm phê duyệt quy hoạch nông nghiệp đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng; tập trung nguồn lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả theo chuỗi giá trị. Có cơ chế, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực, trong đó đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để sớm tháo gỡ, đặc biệt là sớm tháo gỡ thủ tục hành chính gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Có biện pháp kịp thời trong việc chi phối, quản lý bình ổn giá kịp thời trong quản lý kinh tế.
Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc biệt cho các tỉnh sản xuất nông nghiệp với lý do đa số các tỉnh làm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Chính phủ cần sớm có những chính sách đầu tư, hỗ trợ kịp thời để tạo điều kiện hơn cho những tỉnh này, tạo sự cân bằng giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước, đặc biệt là hỗ trợ nông dân về con giống, cây trồng và các hướng dẫn quy hoạch vùng cụ thể, nhằm tạo đầu ra tốt hơn cho sản phẩm của nông dân, hạn chế điệp khúc “được mùa mất giá” và “được giá mất mùa”.
Chú trọng tăng năng suất lao động
Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), với việc tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,8% là năm thứ 2 liên tiếp không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế đã xác định tốc độ tăng năng suất lao động giai đoạn 2021 - 2025 bình quân đạt trên 6,5%/ năm.
Theo đại biểu, năng suất lao động là "chìa khóa" dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế, nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa quan tâm thỏa đáng đến vấn đề này, và đề nghị, cần đánh giá cụ thể hơn nguyên nhân, đề xuất các giải pháp riêng, nếu không sẽ khó đạt chỉ tiêu cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phản ánh, trong Nghị quyết số 68/2022/QH15 về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nêu rõ, chỉ tiêu tăng năng suất lao động là cực kỳ quan trọng, giúp Việt Nam thoát "bẫy thu nhập trung bình". Bởi, chúng ta không thể tăng GDP liên tục với tốc độ cao mà chỉ dựa vào vốn và lao động giá rẻ như trước đây.
Do đó, để phát triển nguồn nhân lực - yếu tố quyết định đối với năng suất lao động, một số đại biểu đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành 3 chiến lược, gồm: phát triển nguồn nhân lực, phát triển giáo dục và phát triển đội ngũ trí thức.
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) nhận định, giáo dục đại học trong cả nước bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện quyền tự chủ, được xã hội công nhận, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập vào giáo dục đại học trên thế giới. Tự chủ giáo dục đại học một mặt giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự, nhưng mặt khác lại là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính.
Qua thực tế khảo sát tại một số trường đại học cho thấy, cũng chính từ cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn, các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.
Theo đại biểu, chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sĩ, chất lượng giảng dạy tại nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được.
Bên cạnh đó, vẫn còn chưa thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học với một số luật chuyên ngành khác trong việc điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học, làm cho các công cụ, chính sách để thực hiện các nội dung tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều trường đại học gặp khó trong hoạt động tự chủ của mình.
Điển hình như, về quản lý nhân sự cấp cơ sở giáo dục đại học cũng không được tự quyết định các vấn đề tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức mà phải thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình, quy định của Luật Viên chức và các quy định của cơ quan chủ quản. Điều này sẽ làm cho việc tuyển dụng lao động, bố trí nhân sự phù hợp, có chất lượng, gặp khó khăn…
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học từ cao xuống thấp. Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng và khai thác thị trường riêng, không có quy định chung đối với tất cả các trường đại học trong cả nước.
Đồng thời, quán triệt nguyên tắc song song với quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ là tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ đến đâu thì trách nhiệm tương xứng tới đó.
Đối với các trường đại học công lập địa phương cần phân định rõ các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển địa phương; đào tạo theo địa chỉ của các bên có nhu cầu, không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường đại học này.
Các trường đại học địa phương cần đánh giá lại thực trạng hiệu quả đào tạo trong thời gian qua; có thể không cần lấn sâu vào các chương trình đào tạo mang nặng tính lý luận, mà nên xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp. Để thực hiện được điều này cần có sự giao thoa giữa Luật Giáo dục, giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Đại biểu cũng nêu quan điểm, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu gồm chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đại biểu, các khoản chi trong khoản mục chi thường xuyên cho ngành giáo dục nên được coi như chi đầu tư phát triển để từ đó có chiến lược đầu tư phân bổ một cách hợp lý hơn và phát triển ngành giáo dục đào tạo, đặc biệt giáo dục đại học một cách đúng mục tiêu, định hướng đề ra.
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho rằng, tự chủ đại học nhưng các trường đại học đang bị bó buộc bởi các quy định nên không tự chủ được. Theo đại biểu, hiện nay, học phí đại học đang tăng lên rất cao. Theo Nghị định 81, các trường sẽ được tự quyết học phí nếu kiểm định chương trình đào tạo. Từ đó, tạo nên làn sóng đua nhau thực hiện kiểm định để tăng học phí. Trên thực tế, có nhiều trường đã tăng lên rất cao, có những trường không mở ngành học bình thường nhưng lại mở ngành chất lượng cao.
Đại biểu nêu quan điểm, “nếu là dự án BOT sẽ là đường cũ để dân đi, nếu người nào có tiền thì đi đường mới với sự đầu tư mới”. Tuy nhiên, nhiều trường có những ngành học tăng học phí từ khoảng 20, 30 triệu đồng lên 60 triệu đồng bởi chỉ có “đường BOT”; còn chất lượng cao có điểm đầu vào thấp hơn chất lượng bình thường, chỉ tăng thêm một số môn học, sau khi kiểm định xong thì tăng học phí.
Cán bộ sợ sai, làm sai phải chịu trách nhiệm
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) đồng quan điểm với nhiều ý kiến rằng, tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm, bỏ bê công việc là có thật; “bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo”. Tuy nhiên, theo đại biểu cần xem xét thật kỹ các nguyên nhân và có giải pháp xử lý phù hợp, ví như cứ phạt 3 “thẻ vàng” cộng lại bằng 1 “thẻ đỏ”. Nếu như cứ phạt “thẻ đỏ” thế này thì rất đáng ngại
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phân tích, cán bộ không làm gì cả là vi phạm pháp luật. Không thực hiện bổn phận, nghĩa vụ Nhà nước giao cho là vô trách nhiệm, là vi phạm phải xử lý.
Đại biểu chỉ ra 3 nhóm cán bộ không dám làm: thứ nhất là không biết gì để làm; thứ hai là không có lợi thì không làm; thứ ba là biết nhưng sợ không làm.
Đại biểu cho rằng, cả 3 nhóm đều không thực hiện nghĩa vụ mà Nhà nước và nhân dân trao cho. Vi phạm thì phải xử lý nhưng đáng tiếc các cấp, ngành thấy cán bộ không dám làm mà không xử lý.
Đại biểu phân tích thêm, phải xem xét tính chất, mức độ, hậu quả để xử lý, thậm chí không làm gì mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự. Bác sĩ không cứu người dẫn đến chết người thì khởi tố. Chủ tịch tỉnh không làm gì khiến kinh tế đình trệ, không phát triển, khiến doanh nghiệp nhân dân lao đao, khó khăn thì hậu quả lớn hơn cả vị bác sĩ kia. Do đó phải xử lý nghiêm các trường hợp này./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh