14:37 31/05/2022 Sáng 31-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sở hữu trí tuệ. Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên thảo luận.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh mẫn chủ trì phiên thảo luận
Quy định sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật là rất cần thiết
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế- xã hội, hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn nên việc quy định sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật là rất cần thiết. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa đảm bảo quyền hưởng thụ của người dân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) khẳng định, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng của đất nước, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng sâu sắc; là quốc thể, niềm tự hào, niềm tin và khát vọng của dân tộc; là biểu tượng và tượng đài bất diệt của lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ đi trước đã quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là kết tinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, có ý nghĩa và giá trị tinh thần đặc biệt to lớn, thúc đẩy gắn kết xã hội, giáo dục thế hệ trẻ, động viên, thôi thúc tập hợp hiệu triệu toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiện nay, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao không chỉ ở trong nước, nước ngoài mà còn diễn ra trên không gian mạng, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vấn đề về sử dụng bản quyền...
Do đó, đại biểu lo ngại, dưới góc độ bản quyền, có thể xảy ra vụ việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn sử dụng theo quy định của pháp luật đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam hoặc xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy Quốc ca Việt Nam, lợi dụng việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc tiếp cận, phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam thông qua các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có chứa Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) phát biểu
Với các lý do trên, đại biểu Nguyễn Hải Anh hoàn toàn nhất trí và đồng tình cao với việc bổ sung tại khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ nội dung Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành phương án không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một số ý kiến tán thành thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này và đề nghị quy định lộ trình thực hiện.
Trong điều kiện hiện nay, nếu loại bỏ biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, tăng thêm gánh nặng cho hệ thống Tòa án hiện đang quá tải, cũng như tạo thêm thách thức cho đương sự khi sử dụng biện pháp tố tụng dân sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng làm rõ một số nội dung của dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng không yêu cầu hạn chế việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trong luật của quốc gia thành viên mà thậm chí còn yêu cầu tăng cường các biện pháp xử lý bằng chế tài hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Sở hữu trí tuệ
Quan tâm đến nội dung này, các đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), Thái Thị An Chung (Nghệ An), Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu)... đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính là thủ tục rất đơn giản, nhanh, kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, bảo vệ được quyền của chủ sở hữu, kịp thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Việc xử lý hành chính không loại trừ quyền khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng dân sự nên vẫn bảo đảm quyền lợi của các bên khi có tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị, ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc thêm các quy định về hình thức xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả.
Gỡ vướng để các cơ sở nghiên cứu quản lý, phát triển tài sản trí tuệ
Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng, như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nước một cách tự động hoặc không bồi hoàn (Điều 86a); quy định cơ chế phân chia hợp lý giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì (Điều 133a, 135, 136a).
Đánh giá cao những nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) nêu rõ, đây là bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu quản lý, phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học. Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung về nguồn gen, tri thức bản địa, cho phép góp vốn bằng tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu
Để hoàn thiện hơn nội dung dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị, cần xem xét, bổ sung các đối tượng khác, như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản, các loại tảo, nấm, vi sinh vật, vì hiện nay chúng ta mới đề cập đến giống cây trồng.
Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị, cần xem xét lại hợp lý thời gian nghiên cứu và thời gian cấp bằng bảo hộ các quyền trên.
Mặc dù, dự thảo Luật đã điều chỉnh thời gian cấp bằng sáng chế không quá 18 tháng, nhưng điều này vẫn có thể gây khó khăn cho những đề tài có thời gian nghiên cứu từ 2 -3 năm, hoặc có những đề tài chỉ từ 1 - 2 năm. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, thì các cá nhân, tổ chức thường không thực hiện được nội dung này, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến việc bảo hộ các bản quyền công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.
Đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật cần điều chỉnh, bổ sung bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, hình thành nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh