21:12 15/06/2022 Chiều 15-6, Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Giới hạn tổng độ rộng băng tần, tránh tình trạng thâu tóm, độc quyền, sử dụng không hiệu quả gây lãng phí tài nguyên tần số.
Đa số đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; đồng thời nhấn mạnh tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng, khai thác hiệu quả, bảo vệ tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các ý kiến đều khẳng định, sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện rất cần thiết, là điều kiện để xây dựng hành lang pháp lý tốt, góp phần thực hiện xây dựng hạ tầng số phù hợp với tiến trình thực hiện cuộc cách mạng 4.0 và chuyển đổi số của quốc gia, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Cho ý kiến về giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng triển khai mạng thông tin di động mặt đất trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thành Công ( Ninh Bình) cho rằng, một trong những mục tiêu cốt lõi được nêu tại Đại hội lần thứ 13 của Đảng là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Đại biểu bày tỏ băn khoăn việc giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng liệu có làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường, gây ảnh hưởng đến phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sử dụng dịch vụ mạng thông tin di động hay không?
Đại biểu phân tích, hiện nay các quy định về tổ chức đấu giá, thi tuyển để cấp phép sử dụng tần số, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số, điều kiện chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có cơ chế quản lý, kiểm tra tình trạng sử dụng trên thực tế. Đối với các doanh nghiệp sử dụng băng tần được cấp phép chưa làm rõ nội dung cam kết triển khai mạng viễn thông, giới hạn tỷ lệ phần trăm sử dụng tần số thì được xem là tuân thủ cam kết triển khai mạng viễn thông; thời gian tối đa là bao lâu nếu doanh nghiệp không sử dụng hoặc sử dụng không hết băng tần được cấp phép chỉ được xem là không thực hiện cam kết. Đây là căn cứ quan trọng để áp dụng các chế tài như đình chỉ quyền sử dụng tần số, thu hồi giấy phép sử dụng băng tần.
Đại biểu Nguyễn Thành Công ( Ninh Bình) phát biểu
Đại biểu nêu ý kiến, quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, đảm bảo công bằng, thúc đẩy tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, kích thích tăng cường đầu tư về công nghệ, thiết bị để kinh doanh có hiệu quả, tránh tình trạng doanh nghiệp có băng tần khối băng tần nhiều sử dụng không hết, còn doanh nghiệp khác không đủ cho nhu cầu, xảy ra tình trạng tích tụ tần số, gây lãng phí tài nguyên. Do vậy luật cần bổ sung những quy định cụ thể, chi tiết và đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, trường hợp doanh nghiệp được cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua hình thức cấp phép.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cơ bản tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn, tổng độ rộng băng tần doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Điều này cũng được khẳng định qua thực tiễn, hồ sơ dự án luật đã chỉ ra nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, đại biểu còn có một số băn khoăn về phân bổ được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất. Vì thực tế tại Việt Nam, nhu cầu tần số của mỗi nhà mạng khác nhau phụ thuộc vào số lượng thị phần thuê bao. Việc quy định giới hạn có thể dẫn đến không đủ tài nguyên tần số, doanh nghiệp cần ít lại được cấp nhiều tần số, doanh nghiệp cần nhiều thì lại không có gây lãng phí tài nguyên.
Mặt khác, khi công nghệ ngày càng phát triển, quỹ băng tần ngày càng mở rộng trên các băng tầng cao, với tốc độ phát triển công nghệ nhanh như hiện nay thì băng tần càng nhiều. Cho nên, việc quy định giới hạn có thể gây khó khăn cho việc xác định được số lượng tỷ lệ băng tần có thể được cấp cho mỗi nhà mạng.
Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc yêu cầu, điều kiện xác định hạn mức sử dụng băng tần. Nguyên tắc, điều kiện để xác định chỉ được tới mức đó thôi, không được quá, doanh nghiệp căn cứ vào đó mà thực hiện. Trong báo cáo giải trình có nêu tại dự thảo luật đã có quy định nguyên tắc xác định giới hạn bảo đảm tránh tích tụ tần số nhưng cũng phân bổ bình quân tần số. Theo đại biểu như thế là chưa thỏa đáng và đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình rõ chỗ này, đồng thời làm rõ khái niệm nhóm văn tần nhất định tại điểm a nội dung này khác với băng tần được quy hoạch như thế nào.
Theo đại biểu Lã Thanh Tân, dự thảo luật đề nghị bổ sung cụm từ "tần số vô tuyến điện" vào Điều 64 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Điều này đồng nghĩa với việc bổ sung quy định cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cá nhân, tổ chức được giao quản lý và sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
Báo cáo giải trình cũng nêu rõ việc cần phải có quy định này nhưng lại phát sinh việc nếu phân cấp về sở việc phát hiện vi phạm hành chính thì các sở phải thực hiện đầu tư từ đầu hệ thống thiết bị kiểm soát tần số và 63 sở phải có đầu tư 63 hệ thống thiết bị. Việc đầu tư này hết sức tốn kém.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) phát biểu
Đại biểu Lã Thanh Tân cung cấp thêm thông tin: hiện nay Sở Thông tin và Truyền thông chỉ có vai trò phối hợp tham gia xử lý các vi phạm. Còn 8 Trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực như ở Hải Phòng có trung tâm tần số vô tuyến điện khu vực 5 với địa bàn quản lý 6 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và Nam Định thực hiện việc phát hiện vi phạm. Như vậy nếu bổ sung quy định này thì đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng, tránh việc phải đầu tư hệ thống thiết bị dàn trải, gây lãng phí.
Ngoài ra, cần lưu ý thêm Luật Xử lý vi phạm hành chính mới được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đã liệt kê một số lĩnh vực được sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính, trong đó không có lĩnh vực tần số vô tuyến điện.
Đại biểu Lã Thanh Tân nêu rõ, theo điểm c khoản 3 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành quy định rõ Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển, sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ.
Tuy nhiên nội dung Điều 18 được sửa đổi trong dự thảo luật chưa thấy đề cập người có thẩm quyền quyết định băng tần, kênh tần số được đấu giá hoặc thi tuyển mà chỉ nêu chung chung là Bộ Thông tin và Truyền thông công bố băng tần, kênh tần số quy định tại khoản 2 điều này được đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ. Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị phải quy định chặt chẽ, rõ ràng chỗ này theo hướng người quyết định phải là Thủ tướng Chính phủ, không những vì giá trị mà còn vì tính chất quan trọng của băng tần, kênh tần số.
Giải trình về vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung làm rõ nguyên tắc để xác định hạn mức sử dụng băng tần nhằm đảm bảo quy định không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp tại Điều 33 của Hiến pháp năm 2013. Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật đã có quy định nguyên tắc xác định giới hạn bảo đảm tránh tích tụ tần số để không dẫn đến độc quyền viễn thông. Điều này không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đối với ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ quy định về giới hạn băng tần là áp dụng cho một doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, Bộ trưởng nêu rõ, quy định tại dự thảo Luật chỉ áp dụng đối với từng doanh nghiệp mà không áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp. Một nhóm doanh nghiệp không thể tích tụ tần số, tần số cấp riêng cho từng doanh nghiệp được sử dụng riêng. Nếu chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong nhóm thì doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vẫn bị giới hạn về tích tụ tần số.
Sử dụng chung tần số vô tuyến điện có tiềm ẩn nguy cơ làm lộ lọt bí mật quốc phòng an ninh, bí mật quốc gia?
Quy định về sử dụng chung tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế xã hội quy định tại Điều 45 dự thảo luật là vấn đề được nhiều đại biểu tập trung cho ý kiến. Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) cho rằng, việc sử dụng cùng một tần số cho hai mục đích, vừa để kinh doanh, vừa để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh rất khó khả thi. Bởi có sự khác biệt về đặc điểm hạ tầng vận hành khai thác, đặc điểm hoạt động phục vụ quốc phòng, an ninh có tính ưu tiên bảo mật đặc biệt khác với hoạt động phát triển kinh tế xã hội có tính minh bạch, cạnh tranh cao.
Việc sử dụng kết hợp như vậy có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ lọt bí mật nghiệp vụ, bí mật quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia. Bên cạnh đó, Luật tần số vô tuyến điện năm 2009 đã phân tích rõ nội dung quy định về quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích kinh tế, mục đích quốc phòng, an ninh với tính chất bí mật và đặt mục đích đặc biệt chỉ có Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được phép và có trách nhiệm sử dụng, quản lý các tần số này.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu
Đại biểu đặt câu hỏi, quy định như dự thảo luật có đi ngược lại với mục tiêu quan trọng ưu tiên ban đầu để phân bổ tần số này hay không? Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ tính khả thi, minh bạch, phương án sử dụng về mặt kinh tế để tách bạch rõ ràng về kinh phí ngân sách dành cho quốc phòng, an ninh với kinh phí đầu tư cho hoạt động kinh doanh thương mại, cơ chế tiếp cận, kiểm tra, giám sát hoạt động doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước, cũng như doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quy định quy định của Luật Doanh nghiệp.
Do tính chất đặc thù nên các tần số được phân bổ riêng cho mục đích quốc phòng, an ninh được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sử dụng không cần cấp phép sử dụng thông qua các hình thức cấp phép trực tiếp đấu giá, thi tuyển như đối với các doanh nghiệp thông thường phục vụ cho mục đích kinh doanh. Như vậy, khi chuyển mục đích sử dụng tần số có kết hợp giữa quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế thì doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có cần phải đấu giá không? Nếu không thì liệu có không nhất quán với quy định về tiêu chí, điều kiện cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện có bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường viễn thông hay không?
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho biết, tại Điều 45 dự thảo Luật bổ sung khoản 4: “Trường hợp đặc biệt doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế phải có phương án sử dụng băng tần báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, theo nguyên tắc phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến bảo đảm quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông”.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng đây là vấn đề hệ trọng, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động đầy đủ, toàn diện và trước mắt chưa nên quy định.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, thẩm quyền cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội là thẩm quyền của Thủ tướng. Theo quy định hiện hành, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia, phê duyệt phân bổ tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, nếu mục tiêu là mạng lưỡng dụng thì chắc chắn ngay từ khâu thiết kế mạng và quy trình vận hành ban đầu phải tính toán sao cho bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh với các yêu cầu an toàn, bảo mật cao, đảm bảo an toàn thông tin cho quốc phòng, an ninh. Đồng thời vẫn có thể cung cấp dịch vụ cho phát triển kinh tế - xã hội khi cần thiết.
Vì vậy, đại biểu ủng hộ việc quy định tại khoản 4, Điều 45, trường hợp đặc biệt các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh cần sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trình Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xem xét, trình Thủ tướng quyết định.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung cụ thể thế nào là trường hợp đặc biệt; hoặc bổ sung một điều khoản giao cho Thủ tướng quy định các trường hợp đặc biệt được phép đề nghị Thủ tướng quyết định sử dụng tần số vô tuyến điện với mục đích lưỡng dụng là gì, nhằm minh bạch và phù hợp. Đồng thời, xem xét bổ sung các quy định để bảo đảm sự bình đẳng về lợi ích và nghĩa vụ trong hoạt động kinh doanh giữa các thành phần kinh tế, nhằm góp phần thúc đẩy nền kinh tế thị trường của nước ta tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm
Giải trình vấn đề liên quan đến việc sử dụng chung tần số vô tuyến điện phục vụ mục đích quốc phòng an ninh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, dự thảo Luật đã quy định rất rõ việc sử dụng tần số, phân bổ cho phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế - xã hội phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến sức cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông. Lượng tần số sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội thì phải thực hiện nghĩa vụ phí, lệ phí và tiền cấp quyền sử dụng tần số. Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng quy định như vậy mới đảm bảo các yếu tố bảo mật và cạnh tranh lành mạnh.
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang); đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) góp ý về phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện (sửa đổi, bổ sung Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện). Các đại biểu đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể hơn các tiêu chí, điều kiện cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo từng phương thức cấp phép, đặc biệt là phương thức cấp giấy phép trực tiếp.
Phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu đề nghị giải trình lý do trong 13 năm qua không thực hiện được quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện theo Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành; đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển; quy định rõ những trường hợp nào phải đấu giá, những trường hợp nào phải thi tuyển…
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh