16:42 14/06/2022 Sáng 14-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
Trước hết phải bảo đảm sự công khai
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu dẫn chứng và nhìn lại tất cả những vụ án tham nhũng như vụ việc đặt máy xét nghiệm trong bệnh viện, mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, việc mua bán tài sản công hoặc vụ mua bán Mobifone… Tất cả những vụ này đều có điểm chung thực hiện rất đúng, các quy trình rất đầy đủ. Tuy nhiên cũng có điều giống nhau nữa là không được minh bạch, không được công khai, không được thông tin để cho người dân biết.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu chúng ta công khai dân chủ để mọi người đều biết thì tất cả những vụ này đều được ngăn chặn trước. “Qua đó cho thấy, nếu thực hiện tốt dân chủ cơ sở, công khai, minh bạch để người dân biết được thông tin, nắm được mọi hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong việc sử dụng các nguồn lực công trong các quyết định có liên quan đến người dân, đến cộng đồng thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ nhận được rất nhiều ý kiến tham gia đóng góp của người dân để mang lại kết quả quyết định đó tốt hơn. Đồng thời cũng sẽ tránh được những sai phạm như thời gian vừa qua.”, đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu
Từ thực tế trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất 2 nội dung liên quan đến công khai và phương thức công khai. Về công khai, đại biểu cho biết, về nguyên lý cứ bất kể cái gì liên quan đến quản lý các nguồn lực công, liên quan đến người dân thì cần phải công khai, trừ những gì thuộc về bí mật nhà nước. Do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định cứng trong luật này vì trên thực tế, cuộc sống sẽ thay đổi rất nhiều, phát sinh nhiều vấn đề mới. “Chỉ không công khai những gì thuộc về bí mật nhà nước, thuộc về quy định cấm không được công khai, trường hợp còn lại như tất cả các quyết định có liên quan đến nguồn lực công, liên quan đến người dân đều phải thực hiện công khai”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa)bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; cho rằng đây là đạo luật rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công chức, người lao động; phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của người dân với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát.
Để tiếp tục góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị rà soát lại để quy định những vấn đề thực sự cần thiết liên quan trực tiếp đến đời xuất, đời sống sản xuất của người dân; các nội dung cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Liên quan đến vấn đề công khai dự toán ngân sách cấp xã dự thầu tại Khoản 2, Điều 9 của dự thảo Luật, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cân nhắc lại việc quy định công khai hàng quý, 6 tháng, hàng năm. Đại biểu cho rằng, quy định như thế làm mất nhiều thời gian của xã, không thực sự cần thiết. Theo đại biểu, chỉ nên quy định hàng năm công khai quyết toán ngân sách là phù hợp.
Đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu
Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, việc công khai danh sách đối tượng nhập ngũ cũng không cần thiết, bởi nhập ngũ trong quân đội và công an đã áp dụng theo Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Công an nhân dân.
Về hình thức công khai được quy định tại Khoản 1, Điều 10 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, để tránh việc công khai hình thức, đề nghị dự thảo Luật tiếp tục rà soát lại các hình thức công khai cho phù hợp với thực tiễn để người dân tiếp cận một cách dễ dàng nhất. Đại biểu nêu ví dụ, quy định hình thức công khai thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, người phát ngôn của Ủy ban nhân dân xã trên thực tế là không phù hợp và khó có thể thực hiện.
Quy định các chế tài là phù hợp để thực hiện có hiệu quả
Về cơ chế bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của Điều 8, đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) thống nhất với các nội dung.Tuy nhiên, theo đại biểu, trên thực tế nhiều hoạt động vẫn là hình thức hoặc là có tình trạng lợi dụng các quy định về dân chủ để nhằm mục đích phá hoại hay ngăn cản, hay xâm phạm các quyền dân chủ của các chủ thể. Vì vậy, đại biểu cho rằng việc quy định các chế tài theo hình thức chế tài hành chính, chế tài dân sự và chế tài hình sự là phù hợp để thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, đại biểu đề nghị cần được quy định trong luật. Vì, thứ nhất đây là những quy định phù hợp với Công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị năm 1966 và Công ước về các quyền kinh tế xã hội và văn hóa năm 1966 với nền tảng hướng tới là bảo vệ và đảm bảo các quyền về lao động, quyền con người tốt hơn.
Theo đại biểu, trong thực tế pháp luật về lao động cũng quy định về nguyên tắc tại các Điều 63, 64, 92, 98, v.v. của Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, đã xuất hiện rất nhiều các tranh chấp lao động tập thể. Thực tế, những đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tốt việc đối thoại công khai thì ít xảy ra các tranh chấp lao động tập thể. Những đơn vị tổ chức công khai được các nội dung liên quan đến việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và công bố về thang bảng lương, các định mức vào lao động và tiền lương và tiền thưởng đặc biệt trong dịp lễ Tết, v.v. giảm thiểu rất nhiều tranh chấp lao động.
Đại biểu Tống Văn Băng (Hải Phòng) phát biểu
Đại biểu Tống Văn Băng cho biết, có một số đại biểu còn băn khoăn về ảnh hưởng đến quan hệ lao động có thể sẽ gây xáo trộn. Tuy nhiên, trong thực tế quy chế dân chủ trong doanh nghiệp như việc đối thoại công khai người lao động được thực hiện nghiêm túc hơn ở các khối doanh nghiệp FDI chứ không phải ở trong các các khối khác.
Mặt khác, nội dung này cũng được quy định chủ yếu ở giới hạn quyền của người lao động trong doanh nghiệp. Do đó, theo quan điểm của đại biểu là không ảnh hưởng đến quan hệ lao động mà thúc đẩy quyền lao động, quyền con người trong doanh nghiệp hơn nữa. Để hạn chế hơn nữa những cách hiểu và cách áp dụng quy chế dân chủ trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là khối ngoài nhà nước thì đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thiết kế một điều luật quy định về áp dụng luật này với các luật khác liên quan để đảm bảo các nội dung đến việc dẫn chiếu cũng như áp dụng trong thực tế tốt hơn.
Xem xét về phạm vi áp dụng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh)cho rằng, dự thảo Luật cần tập trung vào khái niệm dân chủ ở khía cạnh quan hệ giữa chính quyền và người dân. Nghị quyết Đảng nêu rõ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng, để giải quyết tình trạng mất dân chủ trong quan hệ giữa các cơ quan nắm giữ quyền lực nhà nước và nhân dân. Đại biểu cho rằng nếu phạm vi áp dụng của luật này mở ra quá rộng, liên quan đến những loại quan hệ đã được điều chỉnh bằng Hiến pháp và các luật khác thì sẽ có nguy cơ làm xáo trộn quan hệ xã hội đã và đang được điều chỉnh và vận hành ổn định bởi các đạo luật khác.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) phát biểu
Đại biểu nêu ví dụ, quan hệ giữa người dân với nhau thì đã có Hiến pháp và Bộ luật dân sự điều chỉnh rất đầy đủ. Trong quan hệ dân sự, có những nội dung không thể giải quyết bằng nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Khi người dân tham gia quan hệ lao động, là người lao động, đã có Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn quy định… Người sử dụng lao động và người lao động bình đẳng với nhau bằng hợp đồng lao động, nếu có vi phạm về tranh chấp thì có công đoàn, trọng tài lao động và Tòa án giải quyết…
Theo đại biểu, trong những luật hiện hành đã xử lý nội dung về quan hệ dân chủ ở trong đó, ví dụ như giữa giám đốc và công nhân, giữa hợp tác xã và xã viên, giữa Hội đồng quản trị và các cổ đông… nên việc mở rộng phạm vi điều chỉnh là không phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị thay thế cách phổ biến thông tin tới cộng đồng qua loa truyền thanh để tránh gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi)cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó có chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát dân thụ hưởng và nêu rõ quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ.
Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nghiên cứu bổ sung một điều Luật sau 1 năm về nhân dân giám sát tại Chương II để thể chế hóa cơ chế dân thụ hưởng vào dự thảo Luật. Các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội,… đối với nhân dân địa phương.
Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân. Đồng thời phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng.
Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng. Xem xét quy định về tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.
Cần quan tâm hơn đến việc thực hiện dân chủ cơ sở tại doanh nghiệp
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu rà soát, xây dựng các quy định để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, tránh chồng chéo, trùng lặp với hệ thống pháp luật về lao động.
Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận), việc mở rộng phạm vi là doanh nghiệp chỉ nên áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước là đơn vị sử dụng nguồn lực Nhà nước. Việc mở rộng đối tượng điều chỉnh là các loại hình doanh nghiệp khác, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động là quá rộng và khó thực hiện được trong thực tế.
Đại biểu Chamaléa Thị Thủy (Ninh Thuận) phát biểu
Bởi, bản chất mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong doanh nghiệp được xác lập trên tinh thần tự nguyện, tự thỏa thuận theo nội dung và hình thức phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, thể hiện cụ thể hóa trong hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nếu như có phát sinh các mâu thuẫn, xung đột thì cơ chế giải quyết theo quy định pháp luật có liên quan như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Công đoàn và các văn bản quy định chi tiết đến nay cơ bản được đáp ứng và chưa có vướng mắc gì. Vì vậy, quy định về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp như dự thảo Luật là chồng chéo, trùng lặp và có khả năng gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khu vực ngoài Nhà nước trong quá trình thực hiện, đồng thời cũng không đúng bản chất việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) đề nghị phải xem xét, bảo đảm tính thống nhất với các đạo luật đã ban hành và đang có hiệu lực, cụ thể như quy định doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, gọi chung là doanh nghiệp, là chưa thống nhất với các luật khác.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) phát biểu
Theo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Cụ thể, có 2 loại ý kiến: thứ nhất đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước; thứ hai đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.
Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến thứ nhất, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) nêu thực tế, thời gian qua việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước, chưa được quan tâm, nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn tại khu vực ngoài nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức Hội nghị người lao động còn thấp, đạt khoảng 64%; doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn gần như không tổ chức Hội nghị người lao động theo quy định. Việc tổ chức Hội nghị người lao động ở một số doanh nghiệp vẫn còn hình thức, chưa bảo đảm các nội dung theo quy định nhất là việc công khai tài chính các loại quỹ.
Đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu
Đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, việc thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức hơn nữa, cần thiết phải nghiên cứu rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn và có các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở ở doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh trùng lặp, chồng chéo giữa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với hệ thống pháp luật về lao động.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh