16:17 16/06/2022 Sáng 16-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 Luật, 7 nghị quyết với đa số đại biểu Quốc hội tán thành.
Quốc hội thống nhất cao thông qua các Luật và Nghị quyết
Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2023
Sáng 16-6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Trước khi biểu quyết thông qua, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo ông Bùi Văn Cường, trước đó, ngày 31/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đóng góp ý kiến về một số điều, khoản cụ thể.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Biểu quyết thông qua Luật Sở hữu trí tuệ
Về 2 vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, ông Bùi Văn Cường cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả như đã thể hiện trong dự thảo Luật.
Đồng thời tán thành không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Chính phủ đã có văn bản thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý về các vấn đề này. Do đó, kính trình Quốc hội cho thông qua nội dung này như thể hiện trong dự thảo luật.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rõ các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm
Luật Sở hữu trí tuệ được hoàn thiện sẽ khuyến khích, tạo động lực cho sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của nhiều cá nhân vào hoạt động cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội, cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này. Quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022. Quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2024.
Thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023, trừ một số trường hợp cụ thể được quy định riêng. Luật được thông qua có 7 chương với 157 điều, quy định về tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Luật này không áp dụng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tiền gửi và các loại bảo hiểm khác do Nhà nước thực hiện không mang tính kinh doanh.
Đối tượng áp dụng gồm: Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô.
Các loại hình bảo hiểm theo quy định của Luật bao gồm: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm phi nhân thọ.
Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm như: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Thực hiện các hành vi gian lận. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Quốc hội thông qua Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Về quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Luật quy định: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau: Ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, xây dựng chiến lược, đề án và chính sách phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Thực hiện thống kê, dự báo về thị trường bảo hiểm; giám sát doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm thông qua hoạt động nghiệp vụ, tình hình tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và việc chấp hành pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; giám sát hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm thông qua doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam. Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm; kiểm tra hoạt động của văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Đường Vành đai 3 TP.HCM có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng
Chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM nhằm mục tiêu kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Dự án đầu tư khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Về nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 642,7 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82 ha, đất dân cư khoảng 64,1 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2 ha và đất khác khoảng 147,2 ha.
Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.
Thông qua chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.
Việc triển khai, thực hiện dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt như về nguồn vốn đầu tư sẽ điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải về các địa phương để thực hiện dự án, trong đó TP.HCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng, và Long An là 1.397 tỷ đồng.
Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định rõ việc triển khai, thực hiện Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về: Nguồn vốn đầu tư; Tổ chức thực hiện dự án;… Đồng thời, giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc, kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng Dự án; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện Dự án…
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ, Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết này; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Bảo đảm các mục tiêu phát triển của Vùng Thủ đô
Chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua. Dự án dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần; quy mô, hình thức đầu tư của từng dự án thành phần chi tiết.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch.
Thông qua chủ trương đầu tư đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 85.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng; nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng; vốn do nhà đầu tư thu xếp là 29.447 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án thành phần 3 (dự án PPP) loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Quốc hội giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện dự án.
Hơn 84.000 tỷ đồng cho 3 dự án cao tốc phía Nam
Quốc hội đã thông qua các nghị quyết chủ trương đầu tư 3 dự án cao tốc phía nam giai đoạn 1, gồm: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu.
Tuyến đường Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188,2 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ là 44.691 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 30.758 tỷ đồng, ngân sách giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 13.933 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách T.Ư là 26.935 tỷ đồng, trong đó, trong đó: 14.248 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, 1.166 tỷ đồng nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải, 3.800 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển trong gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và 7.721 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021.
Nguồn ngân sách địa phương 3.823,5 tỷ đồng, trong đó: tỉnh An Giang là 1.000 tỷ đồng, TP.Cần Thơ là 1.000 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang là 823,5 tỷ đồng và tỉnh Sóc Trăng 1.000 tỷ đồng.
Thông qua chủ trương đầu tư 3 tuyến đường cao tốc phía nam
Tuyến đường Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ là 21.935 tỷ đồng.
Trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 15.096 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 6.839 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách T.Ư là 13.831 tỷ đồng, trong đó: 6.539 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, 572 tỷ đồng nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải, 2.320 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển thuộc gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và 4.400 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021.
Nguồn ngân sách địa phương là 1.265 tỷ đồng, trong đó: tỉnh Đắk Lắk là 916,5 tỷ đồng và tỉnh Khánh Hòa là 348,5 tỷ đồng.
Tuyến đường Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km, có tổng mức đầu tư sơ bộ là 17.837 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 14.270 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 3.567 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, ngân sách T.Ư là 11.000 tỷ đồng trong đó: 5.360 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách T.Ư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, 465 tỷ đồng nguồn vốn từ rà soát, sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải, 3.500 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển thuộc gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế và 1.675 tỷ đồng nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2021.
Nguồn ngân sách địa phương là 3.270 tỷ đồng, trong đó: tỉnh Đồng Nai là 2.600 tỷ đồng và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 670 tỷ đồng.
Cả 3 dự án cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2025 - 2027.
Quốc hội đồng ý cho các dự án áp dụng nhiều chính sách đặc biệt. Cụ thể, các dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư, gói thầu xây lắp; được giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các đoạn đi qua địa bàn... đã được quy định tại Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế của Quốc hội.
Quốc hội đồng ý cho các dự án áp dụng nhiều chính sách đặc biệt
Ngoài ra, các dự án còn được áp dụng các chính sách đặc thù khác như cho phép Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan T.Ư, các địa phương liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư dự án hoàn trả vào ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp đầu tư dự án.
Quốc hội cũng cho phép phân chia các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các địa phương thuộc phạm vi của dự án.
Trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định (theo quy định hiện hành, việc điều chỉnh dự án trọng điểm quốc gia phải do Quốc hội quyết định).
Nghị quyết cũng quy định, các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm nguồn vốn và tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn của địa phương tăng/giảm so với chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, địa phương đó có trách nhiệm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương theo tỷ lệ vốn góp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm bảo đảm tiến độ, chất lượng của dự án thành phần được giao.
Từ 1/9, phạm nhân được ra ngoài trại giam học nghề, lao động được trả công
Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đã được Quốc hội thông qua sáng 16-6.
Nghị quyết quy định việc thực hiện thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam thuộc Bộ Công an giam, trong đó trại giam được áp dụng thí điểm hợp tác với tổ chức trong nước để tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Theo đó, trại giam chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, trực tiếp quản lý, giám sát khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo và tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân như trong trại giam. Tổ chức hợp tác với trại giam chịu trách nhiệm đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề, bàn giao cho trại giam quản lý và phối hợp với trại giam thực hiện tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Nghị quyết thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đã được Quốc hội thông qua
Kế hoạch hợp tác giữa trại giam với tổ chức trong nước do Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an phê duyệt.
Nghị quyết quy định số lượng trại giam được áp dụng thí điểm theo Nghị quyết này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Danh sách trại giam được áp dụng thí điểm do Bộ Công an quyết định căn cứ vào nguyên tắc, tiêu chí do Chính phủ quy định.
Nghị quyết nêu rõ, việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện giúp phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Phạm nhân tham gia hoạt động lao động, hướng nghiệp, học nghề ngoài trại giam phải trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, được trả một phần công lao động và thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Thu nhập của tổ chức hợp tác với trại giam từ kết quả lao động, hướng nghiệp, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Ngành, nghề tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam là ngành, nghề sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định, không đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam những phạm nhân thuộc một trong các trường hợp: Phạm nhân phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Phạm nhân đã bị kết án từ 2 lần trở lên, phạm nhân tái phạm nguy hiểm. Phạm nhân là người tổ chức trong vụ án đồng phạm về tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phạm nhân có thời gian chấp hành án phạt tù còn lại trên 7 năm, phạm nhân là người nước ngoài, phạm nhân đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Phạm nhân dưới 18 tuổi, phạm nhân từ đủ 60 tuổi trở lên, phạm nhân đang xếp loại chấp hành án phạt tù loại “kém” hoặc đã có hành vi trốn khỏi cơ sở giam giữ hoặc trốn khỏi cơ sở giáo dục bắt buộc hay thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự.
Để đảm bảo tính khả thi, Nghị quyết nêu rõ, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với trại giam trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Chính thức thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
Sáng 16-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa. Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, Nghị quyết quy định, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.
Về quản lý đất đai, Nghị quyết quy định HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Chính thức thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa
Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng trong phạm vi mục tiêu, quy mô, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, địa điểm thực hiện dự án tổng thể.
Quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng là căn cứ để cấp có thẩm quyền quyết định bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm để thực hiện. Đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất.
Về phát triển Khu kinh tế Vân Phong, nghị quyết cũng quy định danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong như: đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đầu tư công nghiệp năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt, dịch vụ logistics…
Về phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa, trên cơ sở ý kiến chấp thuận của Bộ Quốc phòng, nghị quyết quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản trên biển và cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho nhà đầu tư trong nước trong khu vực biển ngoài 06 hải lý, khu vực biển nằm đồng thời trong và ngoài 6 hải lý.
Miễn tiền sử dụng khu vực biển trong 15 năm đối với diện tích khu vực biển được giao để thực hiện dự án nuôi trồng thuỷ sản trên biển của tổ chức, cá nhân là nhà đầu tư trong nước có hoạt động nuôi trồng thuỷ sản trên biển từ 3 hải lý đến 6 hải lý.
Ngoài ra, nghị quyết cũng cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa để bổ sung nguồn lực phục vụ việc phát triển nghề cá, đầu tư cho các hạng mục, công trình hạ tầng cảng cá, cơ sở chế biến, dịch vụ hậu cần nghề cá và các công trình thiết yếu khác...
Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho Tỉnh trực tiếp quản lý. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh