Quốc hội thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết

22:25 20/06/2023

Ngày 20-6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15 tiếp tục chương trình xây dựng pháp luật.
Quốc hội bấm nút thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết

   Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

          

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tổ cùng đoàn Cà Mau, Thừa Thiên- Huế, Lai Châu

          Thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng cùng đoàn Cà Mau, Thừa Thiên- Huế, Lai Châu tập trung đóng góp ý kiến về sự  cần thiết phải ban hành luật; phạm vi điều chỉnh; tính khả thi của dự án luật; nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; các điều kiện bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách…

           

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng phát biểu thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

          Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng, đại biểu Quốc hội Hải Phòng nêu rõ: hiện nay có 3 lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, bao gồm công an xã bán chuyên trách; bảo vệ dân phố; dân phòng. Trong đó, lực lượng công an xã bán chuyên trách đang thực hiện theo Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và Luật Công an nhân dân 2018. Lực lượng bảo vệ dân phố hoạt động theo Nghị định 38 của Chính phủ. Lực lượng dân phòng hoạt động theo Luật PCCC.  

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an Hải Phòng phát biểu thảo luận tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

          Do đó, việc xây dựng Luật bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là nhằm bảo đảm sự hoạt động đồng bộ, thống nhất, thực chất là sắp xếp lại các lực lượng, kiện toàn, tinh gọn đầu mối, gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả, tạo cơ sở pháp lý  để các lực lượng hoạt động, bảo đảm chế độ chính sách.

        Theo Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, rất cần thiết xây dựng Luật này bởi trên thực tế, cụ thể là tại Hải Phòng, việc đấu tranh với các đối tượng chây ỳ, chống đối, cực đoan phải rất linh hoạt. Trong nhiều trường hợp, lực lượng chính quy xuất hiện không hiệu quả bằng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở. Đồng thời có Luật sẽ tránh được các trường hợp hoạt động tự phát hình thành tổ chức tự quản trật tự, khiến một số đối tượng lợi dụng, lại làm mất an ninh trật tự, ví dụ như ở các chợ đầu mối.

       Lấy ví dụ về vụ cướp tiệm vàng Kim Thành ở tỉnh Hải Dương ngày 7-6, do làm tốt công tác nắm tình hình, nắm địa bàn, nhờ đồng chí công an bán chuyên trách ở địa phương nên chỉ sau vài giờ đã truy tìm ra thủ phạm, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương cho rằng, vai trò của Luật bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở rất quan trọng và cần thiết, là sự hỗ trợ đắc lực cùng lực lượng chính quy bảo đảm trật tự an ninh ở địa phương. Do đó, Thiếu tướng Vũ Thanh Chương mong muốn dự luật sớm được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) phát biểu

           Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo luật nhưng đề nghị phải nâng tầm hơn, có tính bao quát, toàn diện hơn. Đại biểu Nguyễn Chu Hồi phân tích, trong dự thảo luật thiếu hẳn một lực lượng rất quan trọng là nhân dân, bởi nhân dân là tai mắt; huy động sức dân là cần thiết. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm 1 chương: “Huy động sức dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở”.

                               

Quốc hội thông qua nhiều dự án luật và nghị quyết

          Thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến  về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra; đề nghị thể hiện rõ ràng hơn các nguyên tắc quản lý cho từng hoạt động cụ thể (từ quản lý tài nguyên; quản lý hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; hoạt động bảo vệ tài nguyên nước; hoạt động hạn chế tác hại do nước gây ra...) và tối ưu hóa trong khai thác, sử dụng nước; xác định chức năng nguồn nước, phân vùng chức năng nguồn nước để bảo vệ tài nguyên nước; quy định về điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy định liên quan đến cơ chế tài chính nhằm làm rõ giá trị kinh tế của tài nguyên nước trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm  theo nguyên tắc kinh tế thị trường./.

                                                                                                                                                  Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông