17:08 08/06/2022 Ngày 8-6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở 3 nhóm vấn đề: Nông nghiệp- PTNT; Tài chính; Ngân hàng. Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Các đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các ngành liên quan cùng tham gia trả lời, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên chất vấn
5 giải pháp phát triển nông nghiệp
Phát biểu giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, thực tiễn hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, ngành nông nghiệp đã có nhiều đột phá để phát triển và có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Kế thừa thành tựu quan trọng đó, trong 5 tháng đầu năm nay, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, ngành nông nghiệp tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Các lĩnh vực đều có tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, trong đó nổi bật nhất là xuất khẩu nông sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì được vị trí, thương hiệu trên thị trường quốc tế như: xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, tăng 25,7%; xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,47 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD, tăng 46,3%; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%. “Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Phó Thủ tướng thừa nhận, ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là: sản phẩm rất đa dạng, phong phú, như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản…, nhưng việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, do sản xuất còn manh mún, tự phát.
Là một nước nông nghiệp nhưng chúng ta chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, như giống cây trồng vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp ... đã ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn thấp, chỉ bằng 50-60% của các nước tiên tiến trong khu vực.
Qua số liệu thống kê, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%. Năm 2021, nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu gần 10 tỷ USD, trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương; phân bón nhập khẩu khoảng 42% nhu cầu, năm 2021 nhập khẩu khoảng 4,54 triệu tấn, giá trị 1,45 tỷ USD; giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu.
Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản của ta, nhất là rau quả, vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng “được mùa mất giá”, ùn ứ nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế - xã hội.
Về một số giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, trước hết, các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương cần tập trung cao và thực hiện thật tốt các Nghị quyết mà Hội nghị Trung ương 5 khóa 13 đã thông qua: về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - hợp tác xã; về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai. “Đây là những chủ trương, định hướng lớn để khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo động lực mới cho phát triển ngành nông nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, định hướng lớn trong Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và tình hình thực tiễn, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.
Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để các sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc… với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các cửa khẩu như giai đoạn vừa qua.
Thứ ba, có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho nông dân.
Thứ tư, rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.
Thứ năm, tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đất đai; hình thành, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết của Quốc hội.
Nhiệm vụ thời gian tới còn rất nặng nề. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng nêu rõ: "Chính phủ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững".
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Nông nghiệp nông dân, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề chiến lược, là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Chủ tịch Quốc hội kết luận phần chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều ngày 7-6 và sáng 8- 6 thu hút được sự quan tâm của nhân dân và cử tri cả nước, sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội. Đã có 53 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó 34 đại biểu đã thực hiện chất vấn, có 4 ý kiến đăng ký tranh luận, còn 19 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn đủ thời gian để trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung chủ đề đặt ra có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm cao.
Các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề chất vấn ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi, vừa có tính cơ bản, chiến lược lâu dài, mang tính thời sự, cấp bách mà Nhân dân và cử tri, nhất là nông dân đang rất quan tâm. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cho thấy nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, nhìn chung đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm bảo đảm quy định về thời gian, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.
Làm rõ các vấn đề liên quan tới tài chính, ngân sách
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về các nội dung: Tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần. Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới. Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đặt câu hỏi chất vấn
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nhận định về tính bền vững của việc tăng thu ngân sách nhà nước? Liệu việc tăng thu ngân sách nhà nước phần lớn là do khai thác tài nguyên khoáng sản, dầu thô và đất đai có đúng không? Đại biểu Lã Thanh Tân cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình thu ngân sách nhà nước của Tổng Cục Hải quan năm 2021 và những tháng đầu năm 2022? Bộ Tài chính đã có những giải pháp gì để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu nhưng vẫn bảo đảm được số thu ngân sách cho dự toán được giao? Vấn đề thứ hai là Bộ trưởng đã nói về việc một số công chức ngành thuế, hải quan, chứng khoán bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua. Xin Bộ trưởng cho biết ngành Tài chính đã có giải pháp gì để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của công chức trong thi hành công vụ?
Trả lời chất vấn của đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, tăng thu ngân sách từ dầu thô và đất chỉ chiếm khoảng 13,9% do đó, thực tế tăng thu ngân sách chủ yếu do nội lực của nền kinh tế và từ sản xuất kinh doanh. Về thu ngân sách hải quan vượt 19,56% so với kế hoạch được giao do thời gian qua Tổng cục Hải quan đã thực hiện hải quan một cửa ASEAN và ứng dụng công nghệ thông tin để thông quan, đã tạo điều kiện xuất nhập khẩu tốt. Vì vậy, năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mốc lịch sử, cao nhất từ trước đến nay. Về xử lý cán bộ, công chức vi phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết đã tăng cường giám sát và kiểm tra từ dư luận xã hội, phản ánh của các cấp, các ngành, từ việc tự kiểm tra để phát hiện sai phạm…
Lành mạnh hóa thị trường chứng khoán
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về công tác quản lý thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, Bộ đã có giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi vấn đề phát sinh cũng như quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu. Đối với trái phiếu riêng lẻ, Bộ sẽ thiết lập sàn riêng để theo dõi. Cùng với đó là giải pháp hoàn thiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Và, sắp tới sẽ đề nghị sửa đổi, hoàn thiện Luật Chứng khoán, quy định rõ điều kiện và mục đích phát hành.
Đặt vấn đề về lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ trách nhiệm và giải pháp điều hành thị trường này.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) đặt câu hỏi chất vấn
Nhấn mạnh vừa qua Bộ Tài chính đã nỗ lực hết sức mình để ngăn chặn, xử lý sai phạm, qua đó góp phần lành mạnh, minh bạch hóa thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cho biết, từ tháng 4 - 9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành 5 thông cáo báo chí về rủi ro đối với thị trường trái phiếu riêng lẻ và Bộ cũng thông tin với báo chí, đài truyền hình Việt Nam về vấn đề này để cảnh báo cho nhà đầu tư chứng khoán.
“Bộ Tài chính cũng có Công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán, các cơ quan có liên quan tiến hành thanh tra phát hiện sai phạm và xử lý. Sau đó tiến hành thanh tra các công ty chứng khoán độc lập. Chúng tôi đã phát hiện nhiều sai phạm, chuyển sang cơ quan điều tra 34 vụ và tiến hành xử lý phạt hành chính 568 vụ, xử phạt hành chính hơn 29 tỷ đồng. Đây cũng là bước làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán".
Khẳng định quyết tâm này, song Bộ trưởng cũng nhận thấy "có trách nhiệm của cán bộ ngành tài chính"; và đã thực hiện cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, kiểm điểm nhiều lãnh đạo khác, vì có liên quan đến trách nhiệm ban hành quy chế không đúng với Thông tư của Bộ Tài chính, Nghị định của Chính phủ, hay tình trạng nghẽn mạng công nghệ thông tin làm ảnh hưởng đến nhà đầu tư, thiếu trách nhiệm trong thanh tra, kiểm tra… Những sai phạm này đều được xử lý nghiêm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên chất vấn
Qua chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng lưu ý thêm, cần rà soát xem chính sách, pháp luật có gì bất cập, sơ hở không? Nghị định 153 ban hành về lĩnh vực này như thế nào, hướng hoàn thiện thế nào? Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ra sao? Mặc dù, cơ quan nào cũng nói không có động thái siết thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nhưng thực tế 4 -5 tháng đầu năm 2022 hầu như không có phát hành.
Vấn đề liên quan đến nợ đến hạn của một số trái chủ, khả năng đến hạn phải trả của năm 2022 rất lớn, thì thanh khoản của lĩnh vực này như thế nào? Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm, báo cáo thêm với Quốc hội. Trách nhiệm kiểm tra giám sát như thế nào? Đáng lưu ý có đại biểu nêu là vụ Tân Hoàng Minh xử lý như vậy, nhưng vẫn còn tình trạng các công ty đi mời chào nhà đầu tư tư nhân để bán trái phiếu doanh nghiệp- Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Tiếp tục bình ổn giá xăng dầu
Liên quan đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và đang ở mức cao kỷ lục, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ quan điểm của Bộ Tài chính về các ý kiến đề nghị cần tiếp tục có các biện pháp giảm các khoản thuế xăng dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng dầu hiện tăng cao nhưng so với các nước xung quanh Việt Nam, vẫn thấp hơn Lào (khoảng 10.000 đồng/lít), Thái Lan (3.000-4.000 đồng/lít). Nhưng ông nói thêm, việc giảm thuế xăng dầu hay không thì thuộc thẩm quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Bộ Tài chính sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ, trình Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giảm thêm thuế xăng dầu", Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin.
Tuy nhiên, Tư lệnh ngành Tài chính cũng lưu ý, ngoài biện pháp này, cần các giải pháp đồng bộ, nhất là siết buôn lậu xăng dầu, đảm bảo nguồn cung (trong nước, nhập khẩu), nếu giảm thuế để hạ giá xăng có thể dẫn tới tình trạng thẩm lậu xăng dầu khi giá trong nước thấp hơn các nước trong khu vực như: Lào, Campuchia, Thái Lan…
Tăng cường kiểm soát lạm phát
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn về các nội dung: tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu về kiểm soát lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay áp lực lạm phát trên thế giới rất cao. Ở trong nước, 5 tháng qua, lạm phát tăng 2,25% chủ yếu là do tác động của yếu tố giá mà chưa tính đến những tác động của các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, các gói tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hiệu quả và theo dõi sát những diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến của các gói hỗ trợ để đưa ra những giải pháp điều hành phù hợp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, bên cạnh phối hợp giữa các chính sách vĩ mô thì việc kiểm soát giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý như giá xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục v.v là rất quan trọng.
Quang cảnh phiên chất vấn ngày 8-6
Trả lời câu hỏi về nâng cao hiệu quả tín dụng, xử lý nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước cũng luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải thực hiện nghiêm các quy định, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro để chủ động trong trường hợp nợ xấu. Thời gian qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, hệ thống ngân hàng cũng đã thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ và cho phép giữ nguyên khoản nhóm nợ cho các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục được vay. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chủ động có trích lập dự phòng trong 3 năm.
Trả lời câu hỏi về tài chính vi mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay có 4 quỹ tài chính vi mô, có phòng giao dịch ở trên 24 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên các quỹ tài chính vi mô hiện khó khăn, khó huy động được nguồn lực để cho vay. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã tổng hợp để đánh giá, rà soát để trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung xây dựng các văn bản sửa đổi.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn
Trả lời câu hỏi liên quan đến quản lý tài khoản ngân hàng trước thực trạng lừa đảo đối những người có tiền trong tài khoản thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã ban hành đầy đủ, chi tiết ấy. Cùng với sự phát triển của công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số. Theo đó, trong tương lai cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử và xác thực qua điện tử. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, trên thực tế đối với các cá nhân khi mở tài khoản thì đều phải xác thực định danh của mình. Mở tài khoản điện tử cũng phải chứng minh nhân dân và căn cước.
Tuy nhiên trong thời gian vừa qua cũng có những hiện tượng lừa đảo, lừa đảo ở trên mạng để lấy những thông tin của chủ tài khoản và trên cơ sở vào những hoạt động của Internet Banking để lấy cắp thông tin và lấy trộm tiền của tài khoản….Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, về vấn đề này Ngân hàng Nhà nước cần phải phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng để xác minh, để có những thông tin và đặc biệt là có giải pháp cảnh báo đối với người dân về những hiện tượng này để người dân có tiền trong tài khoản lưu ý, cảnh giác.
Liên quan đến việc đòi nợ của các công ty tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, trên cơ sở phản ánh của dư luận, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy được cần phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật, trong đó có Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các công ty tài chính. Trả lời câu hỏi của đại biểu về tín dụng bất động sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đối với tín dụng bất động sản là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.
Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt câu hỏi
Trả lời câu hỏi các đại biểu quan tâm về hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề. Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Đối với vấn đề tín dụng, lãi suất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều hành lãi suất, giảm lãi suất để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là nhiệm vụ được Ngân hàng Nhà nước quan tâm. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo hệ thống, có các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2022, điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài, khi lạm phát tăng trên toàn cầu. Ở các nước, lãi suất tăng lên rất nhiều, trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Trong những tháng qua, tín dụng tăng ở mức khá cao, tuy áp lực lớn nhưng Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản điều tiết, ổn định được mặt bằng lãi suất so với cùng kỳ.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nghị quyết 43/2022-QH15 đưa ra quan điểm và mục tiêu là cần giảm mức lãi suất, thực hiện phục hồi kinh tế, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, trong điều hành lãi suất, Ngân hàng Nhà nước điều hành trên cơ sở tổng thể, phối hợp các công cụ điều hành để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí trong hoạt động, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều hạn chế trong điều kiện tài chính, khả năng quản trị… nên độ xếp hạng tín nhiệm không cao, gặp khó khăn trong vay vốn tại các ngân hàng, dễ phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp có độ tín nhiệm cao. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân.
Đối với vấn đề tiếp cận tín dụng, có nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Nhà nước ta đã đưa ra các giải pháp chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ đã ra các nghị định, có các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, trong thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó tạo điều kiện rộng mở hơn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh