15:28 16/10/2024 UBND thành phố vừa ban hành Quyết định số 22/2024/QĐ-UBND, ngày 4/10/2024 về việc ban hành Quy định thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn Hải Phòng. Quy định này quy định chi tiêt việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này trên địa bàn Hải Phòng.
Theo quy định này, một số từ ngữ được hiểu như sau: Chất thải rắn y tế là chất thải rắn phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế bao gồm chất thải rắn y tế nguy hại, thông thường.
Chất thải rắn y tế nguy hại bao gồm chất thải rắn lây nhiễm và chất thải rắn nguy hại không lây nhiễm được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 4 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế (Thông tư 20).
Chất thải rắn y tế thông thường là nhóm các chất thải được quy định tại tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 20/2021/TT-BYT, bao gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn y tế thông thường khác.
Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế là nhóm chất thải được quy định tại Phụ lục số 01 Thông tư 20.
Chất thải rắn sinh hoạt là nhóm chất thải được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 4 Thông tư 20.
Chất thải rắn y tế thông thường khác là nhóm các chất thải được quy định tại tại các điểm b, c, d, đ, e, g, h khoản 4 Điều 4 Thông tư 20.
Nguyên tắc chung về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế được quy định tại Điều 4 quy định này như sau: Chất thải rắn y tế phải được thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chất thải rắn y tế nguy hại phải được thu gom riêng biệt với chất thải rắn y tế thông thường trước khi đưa vào khu vực lưu giữ tại cơ sở phát sinh.
Trường hợp chất thải rắn y tế thông thường lẫn vào chất thải rắn y tế lây nhiễm thì hỗn hợp chất thải đó phải quản lý như chất thải rắn y tế lây nhiễm. Không được tái chế chất thải y tế nguy hại để sản xuất các đồ dùng, bao bì sử dụng trong lĩnh vực thực phẩm. Tần suất vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại từ trạm y tế cấp xã, các phòng khám đa khoa, chuyên khoa về Trung tâm y tế cấp huyện có tần suất phù hợp để đảm bảo không được vượt thời gian lưu giữ theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Thông tư 20.
Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện theo các Điều 7, 8, 10 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 60/2023/QĐ-UBND ngày 25/12/2023 của UBND thành phố ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng (Điều 5).
Công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải rắn y tế thông thường khác và chất thải rắn y tế nguy hại được quy định cụ thể tại Điều 6 quy đinh này như sau: Việc thu gom, lưu giữ chất thải rắn y tế phát sinh trong khuôn viên cơ sở y tế được thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 Thông tư 20. Trạm y tế cấp xã tự thực hiện thu gom, vận chuyển thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải rắn y tế thông thường khác và chất thải rắn y tế nguy hại về trung tâm y tế cấp huyện.
Đối với các cơ sở y tế khác ngoài khoản 2 Điều này, việc vận chuyển chất thải được thực hiện như sau: Cơ sở y tế ký hợp đồng với cơ sở có chức năng phù hợp đề vận chuyển chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế và chất thải rắn y tế thông thường khác đến nơi xử lý. Việc vận chuyển phải tuân thủ khoản 5 Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Thông tư 02).
Cơ sở y tế ký hợp đồng với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền cấp phép để vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại đến nơi xử lý. Việc vận chuyển phải tuân thủ khoản 4 Điều 69 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, khoản 3 Điều 42 Thông tư 02.
Trường hợp không ký được hợp đồng với cơ sở có chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều này, phòng khám đa khoa, chuyên khoa được tự vận chuyển chất thải rắn y tế về trung tâm y tế cấp huyện. Sử dụng biên bản bàn giao hoặc sổ giao nhận mỗi khi thực hiện chuyển giao chất thải theo quy định.
Tại quy định này cũng quy định rõ 7 yêu cầu đối với việc vận chuyển chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải rắn y tế thông thường khác và chất thải rắn y tế nguy hại về trung tâm y tế cấp huyện; quy định về xử lý chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải rắn y tế thông thường khác và chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh do dịch bệnh nguy hiểm.
Về tổ chức thực hiện, tại Điều 10 quy định này UBND thành phố đã phân công rõ trách nhiệm cho từng sở, cơ quan, đơn vị liên quan và UBND cấp huyện, cấp xã.
Trong đó, Sở TN&MT chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện quy định này. Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND cấp huyện và các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường, việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn y tế theo thẩm quyền.
Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Quy định này; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn về quản lý chất thải y tế cho các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo các cơ sở y tế xây dựng quy trình về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế trong Kế hoạch quản lý chất thải y tế của đơn vị; cân đối, bố trí đảm bảo nhân lực, kinh phí thực hiện quản lý chất thải rắn y tế.
Chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, KH&ĐT, UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan báo cáo UBND thành phố xem xét, bố trí kinh phí để đầu tư, cải tạo, nâng cấp, thay thế các công trình, trang thiết bị phục vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế tại đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường...
Sở TT&TT, các cơ quan báo chí thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở TN&MT, Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thông tin, tuyên truyền các nội dung của Quy định này trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng phóng sự, ghi hình, đưa tin về các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố.
UBND cấp huyện phối hợp với Sở Y tế, Sở TN&MT, chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện Quy định này. Tổ chức truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý chất thải y tế cho các cơ sở y tế và các đối tượng liên quan trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải rắn y tế đối với các cơ sở trên địa bàn quản lý theo thẩm quyền. Bố trí kinh phí cho công tác quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn.
UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phố biến các quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải rắn y tế của các cơ sở trên địa bàn theo thẩm quyền.
Các cơ sở y tế có trách nhiệm quản lý chất thải rắn y tế theo quy định này và các quy định khác liên quan. Xây dựng, thực hiện các nội dung về thu gom, vận chuyển, chất thải rắn y tế trong Kế hoạch quản lý chất thải y tế hàng năm của đơn vị; đảm bảo nhân lực, kinh phí thực hiện. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho nhân viên, người lao động và các đối tượng có liên quan các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế. Trung tâm y tế cấp huyện chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các trạm y tế cấp xã và các phòng khám đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn để thực hiện tiếp nhận, lưu giữ, xử lý chất thải rắn y tế…
Cơ sở thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế có các quyền và trách nhiệm: Đủ điều kiện tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế theo quy định.Được quyền từ chối tiếp nhận chất thải rắn y tế và thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã, huyện, Sở Y tế trong trường hợp các cơ sở y tế chuyển giao chất thải rắn y tế không đúng theo hợp đồng đã ký kết.Phối hợp với cơ quan nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát, cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế…
Quy định này không quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế. Việc quản lý chất thải phóng xạ phát sinh từ hoạt động y tế thực hiện theo quy định của Bộ KH&CN về quản lý chất thải phóng xạ và nguồn phóng xạ đã qua sử dụng.
Những nội dung không quy định tại Quy định này được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2024. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Bình Huệ
14:00 21/12/2024
13:59 21/12/2024
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết