08:31 25/07/2020 Đến Cát Bà vào mùa hè, du khách sẽ được thưởng thức một món ăn đặc biệt, góp phần làm nên thương hiệu của đảo Ngọc, đó là rau nhót. Loại rau này có từ bao giờ cũng chẳng ai rõ. Chỉ biết rằng không ai trồng, cũng chẳng có ai chăm mà rau cứ mọc tốt tươi. Thế nên người dân trên đảo mới gọi đó là “lộc trời cho”…
Một lần đến thị trấn Cát Hải, chúng tôi đi ngang qua một khu chợ và tò mò dừng lại khi thấy nhiều người dân đang túm tụm quanh một hàng rau xanh trông rất lạ mắt. Loại rau này, mọi người mua theo cân chứ không phải theo bó. Chỉ một loáng, rổ rau đầy có ngọn đã vơi đi quá nửa. Lân la hỏi chuyện, mới biết người bán hàng tên là Lâm, còn loại rau này có tên là rau nhót.
“Rau nhót chứ không phải rau ngót các anh nhé. Một số nơi còn gọi nó là rau còng còng. Vào giai đoạn cuối xuân đầu hạ hay khi trời có mưa nhiều, rau nhót lớn nhanh lắm, tươi mơn mởn. Rau nhót có nhiều nét giống với cây hoa mười giờ, chỉ mọc trên đất đồng muối, ven các đầm nước lợ và hồ tôm ở Cát Bà…” - người đẹp của đảo Ngọc nhấn nhá cho biết thêm.
Vẫn chưa hết tò mò, theo chỉ dẫn của Lâm, chúng tôi lần ra khu vực bãi cát mới san lấp gần chân cáp treo Cát Hải - Phù Long để được tận mắt thấy rau nhót. Lúc này, mặt trời chuyển màu đỏ như hòn lửa, lặn dần phía cuối chân trời. Đây cũng là lúc nhiều người dân đổ ra bãi hái rau nhót để tránh cái nắng gay gắt của mùa hè.
Hỏi chuyện một người dân, chúng tôi được chỉ tận tay cây rau nhót mọc lẫn trong đám cỏ xanh rì. Thì ra rau mọc thành từng đám, rễ bám chặt vào đất hút chất dinh dưỡng, “ăn” sương và “thở” bằng khí trời. Vì sinh trưởng và phát triển hoàn toàn trong môi trường tự nhiên, không có phân hóa học, không thuốc trừ sâu nên rau có vị rất đặc biệt và được mọi người xem là một loại rau sạch.
Được biết, rau nhót sau khi được hái về, người dân còn phải mất khá nhiều công. Trước hết phải nhặt sạch, ngâm trong nước chừng một, hai giờ cho giảm bớt vị mặn tự nhiên rồi lại rửa tiếp, luộc chín, vắt hết nước và dùng đũa đánh rời ra từng ngọn. Tuy sơ chế vất vả nhưng bù lại, rau nhót có thể chế được thành rất nhiều món ăn.
Nếu trộn nộm thì chỉ cần vắt cho ráo nước, trộn cùng chút rau thơm, lá chanh, đường, ớt và lạc vừng rang. Nộm rau nhót khi ăn sẽ giòn giòn giống tảo biển, lại có vị thanh mát, vị chua cay mặn ngọt hài hòa; phảng phất mùi thơm của lá chanh, rau thơm; ngậy bùi của lạc rang…
Nếu đem xào thì rau nhót đặc biệt hợp với tỏi, hàu và tôm. Còn đơn giản nhất là luộc lên ăn thì chấm rau với tương là đủ. Ăn rau nhót, dù là người mới thưởng thức lần đầu cũng khó lòng quên được cái cảm giác mằn mặn, giòn giòn rất hấp dẫn loại rau này mang lại.
Với những người từng gắn với những cánh đồng muối, đầm tôm đầm cá ở Cát Bà, Đồ Sơn thì ăn rau nhót còn là một cách tìm về với kí ức tuổi thơ. Với người dân phố thị, rau nhót là một cách thưởng thức một thứ quà quê vừa sạch, vừa đậm tình đậm nghĩa. Chị Mai Phương, ở quận Lê Chân, luuôn nhớ như in món rau dân dã ấy sau mỗi lần trở lại Cát Hải.
“Gặp lại rau nhót như gặp lại ấu thơ. Bây giờ về quê, tôi vẫn dặn mẹ hái rau nhót về ăn, sau đó mang biếu bạn bè cùng thưởng thức. Rau nhót giờ thuộc loại hàng hiếm vì không còn mọc nhiều như trước, hơn nữa việc hái rau khá kỳ công, mất thời gian nên nguồn cung ít dần. Chỉ tiếc là rau nhót chưa được nhiều người biết đến. Nếu quảng bá tốt, đây có thể là một đặc sản hút khách du lịch dừng chân lâu hơn khi đến với đảo Ngọc Cát Bà” - chị Phương chia sẻ.
Trí Nguyễn
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết