15:22 28/12/2022 Sáng 28-12, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng khảo sát, giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại Sở Giáo dục Đào tạo. Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Theo lãnh đạo Sở GDĐT, thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT). Việc đổi mới chương trình, SGK GDPT đã được sự quan tâm của tất cả các cấp ủy Đảng, ngành, địa phương; về cơ bản đã tạo được những chuyển biến tích cực; cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục ngày được quan tâm đầu tư; môi trường học tập của con em được cải thiện; trình độ cán bộ quản lý giáo dục, năng lực giáo viên và chất lượng giáo dục trên địa bàn ngày càng nâng cao. Từ đó, tạo được niềm tin trong nhân dân cũng như cha mẹ học sinh đối với ngành giáo dục và cả hệ thống chính trị.
Tuy nhiên, việc thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa và quy định số tiết theo năm học tuy có tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên sáng tạo trong quá trình dạy học nhưng cũng là thách thức đối với các cán bộ quản lý, giáo viên trong khi một số giáo viên còn ngại đổi mới, tiếp cận và thực hiện phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực chưa hiệu quả; chưa mạnh dạn trong việc xây dựng kế hoạch dạy học linh hoạt, có sự điểu chỉnh phù hợp với đối tượng học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đối với một số môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật…, cơ cấu giáo viên chưa đủ để đáp ứng giảng dạy theo yêu cầu do giáo viên phải thực hiện giảng dạy các lớp 8, 9 theo chương trình GDPT 2006.
Từ đó, lãnh đạo Sở GDĐT đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; có cơ chế, chính sách phù hợp cho đội ngũ giáo viên.
Đồng thời đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất (phòng học, phòng bộ môn, thư viện, nhà đa năng, công trình phụ trợ, ...), mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu; các chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên khu vực khó khăn; có phương án bổ sung nguồn tuyển giáo viên, bổ sung giáo viên còn thiếu so với định mức từng cấp học; phương án giao đủ nhân viên theo quy định đối với các đơn vị giáo dục.
Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ có hướng dẫn cụ thể về cơ cấu, số lượng giáo viên dạy Tin học và Công nghệ để đáp ứng việc triển khai dạy học môn Tin học và Công nghệ; tham mưu Chính phủ xem xét tăng chỉ tiêu biên chế cho ngành GDĐT, xây dựng vị trí việc làm cho giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT, giáo viên thực hiện hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệm nhằm đảm bảo số lượng giáo viên, thuận lợi trong công tác triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT.
Đồng chí Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tiếp thu các ý kiến đóng góp của Sở GDĐT; yêu cầu tiếp tục hoàn thiện báo cáo, chỉ rõ các bất cập, hạn chế; có các đề xuất hướng giải quyết cụ thể… Trên cơ sở đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tổng hợp, báo cáo Quốc hội và chuyển các ngành chức năng xem xét, giải quyết./.
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh