14:38 25/02/2020 Trước tình hình Cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra trên đàn vịt của hộ ông Đinh Văn Tứ, ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy khiến gần 4 nghìn con vịt bị chết, tiêu hủy theo quy định, để tăng cường công tác phòng chống dịch Cúm gia cầm trên địa bàn thành phố, Sở NN&PTNT vừa phát đi công văn đề nghị Ban chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh động vật các huyện, quận; các ban, ngành có liên quan; các đơn vị trực thuộc Sở khẩn trương chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống, khống chế, ngăn chặn dịch lây lan.
Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các huyện, quận chỉ đạo các phòng, ban chức năng, Ban chỉ đạo xã, phường, thị trấn: Tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung tại Công điện khẩn số 01/CĐ-CT ngày 7-2-2020 của UBND TP về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Cúm gia cầm; giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo. Hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chăm sóc, nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm, khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi; Tăng cường công tác giám sát dịch tới tận các hộ chăn nuôi, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao; phát hiện và báo cáo kịp thời trường hợp gia cầm có dấu hiệu nghi mắc bệnh Cúm gia cầm về Chi cục Chăn nuôi & Thú y để có các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan;Tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh Cúm gia cầm theo kế hoạch UBND TP giao; triển khai thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi theo Thông báo số 11/TB-SNN ngày 7-2-2020 của Sở....
Riêng đối với địa phương đang có dịch, cần thành lập chốt kiểm dịch tạm thời, bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ kiểm soát chặt chẽ, không cho vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra - vào vùng có dịch. Thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, nơi chôn hủy gia cầm mắc bệnh 1 lần/ngày liên tục trong tuần đầu tiên, 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo trong vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, 1 lần/tuần trong vòng 1 tháng tại vùng giám sát. Thông báo cho các hộ, các thôn, xã xung quanh về tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm. Yêu cầu các hộ nuôi nhốt quản lý chặt chẽ đàn gia cầm, không thả rông, tạm ngừng nuôi mới gia cầm; thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, khử trùng tiêu độc phòng chống dịch theo quy định. Tăng cường giám sát bệnh Cúm gia cầm trên người, đặc biệt tại hộ có gia cầm ốm, chết, tiêu hủy do dịch; phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh báo cáo cơ quan Y tế theo quy định...
Sở giao Chi cục Chăn nuôi & Thú y kết hợp các ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đặc biệt các vùng có nguy cơ cao; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phát hiện, xử lý ổ dịch không để dịch lây lan rộng. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra - vào thành phố tại Trạm kiểm dịch động vật cố định Cầu Đá Bạc - Thủy Nguyên; thường trực 24/24 giờ, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, nhập lậu, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi & Thú y địa phương nơi xuất phát. Bố trí cán bộ, vật tư phục vụ công tác lấy mẫu chẩn đoán bệnh Cúm gia cầm. Tiếp tục lấy mẫu giám sát sự lưu hành vi rút cúm gia cầm, triển khai các biện pháp chống dịch kịp thời khi phát hiện mẫu dương tính vi rút cúm gia cầm.
Các đơn vị trực thuộc Sở căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện nghiêm các nội dung phòng, chống dịch bệnh động vật nêu trên...
KC
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh