17:29 26/05/2020 Chiều 26-5, trong khuôn khổ ngày làm việc thứ 6, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, thảo luận về Dự án Luật đầu tư (sửa đổi), Đại biểu Mai Hồng Hải – Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty Xi măng Vicem Hải Phòng (ĐBQH Hải Phòng) cho rằng, không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Ông Hải dẫn chứng, trong hoạt động dân sự, kinh doanh thì sẽ phát sinh nợ nần, thậm chí rủi ro nợ quá hạn, khó đòi, không đòi được là bình thường, vấn đề là cách thức xử lý như thế nào.
Đại biểu Mai Hồng Hải (HP) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 26-5
Đại biểu Mai Hồng Hải cho rằng, bên cạnh dịch vụ đòi nợ, pháp luật còn quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác như: trọng tài, xét xử tại tòa, hòa giải đối thoại tại tòa án, lập dự phòng mua bán nợ, xóa nợ… nhưng trên thực tế, thủ tục trọng tài, tòa án mất nhiều thời gian mà hiệu quả không cao (chỉ thu được khoảng 36% số nợ cần thu, tổng số thu nợ thực tế rất thấp); đối với doanh nghiệp thì việc trích lập dự phòng xử lý nợ theo Thông tư số 228 của Bộ Tài chính còn nhiều bất cập, khó xử lý, nhiều trường hợp dẫn đến phức tạp, không khả thi…
Ông Hải cho biết, việc không xử lý được nợ không chỉ ảnh hưởng đến quyền tài sản của chủ nợ mà đôi khi mang hệ lụy pháp lý rất phức tạp, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp giải thể hay phá sản. Do vậy, thực tế có nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn phải tìm đến dịch vụ đòi nợ, vì tính tiện dụng và hiệu quả. Trên thực tế, Chính phủ đã quy định dịch vụ đòi nợ rất sớm và rất chặt chẽ tại Nghị định số 104/2007/NĐ-CP. Nếu hoạt động đúng theo Nghị định này sẽ không có hệ lụy phức tạp xảy ra dẫn đến phải đặt ra vấn đề cấm. Cũng thực tế hoạt động kinh doanh đòi nợ bị lạm dụng, biến tướng, ảnh hưởng đến an ninh, TTATXH, thậm chí mang màu sắc “xã hội đen”…
Vì thế, cho rằng không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, song Đại biểu Mai Hồng Hải đề nghị Ban soạn thảo dự luật rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định, qua đó phát huy hiệu lực của các biện pháp xử lý nợ khác và tăng cường hiệu lực quản lý đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ bằng việc sửa đổi Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Đặc biệt, theo đại biểu Mai Hồng Hải, hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải phù hợp với quy định của pháp luật về trách nhiệm của con nợ là vô hạn hay hữu hạn, về trình tự giải quyết nợ khi con nợ giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, chết, mất tích… Nghĩa là theo trình tự giải quyết nợ mà đến thứ tự khoản nợ đó không còn tài sản để trả theo luật về phá sản, giải thể, thừa kế thì không được thuê đòi nợ nữa, đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đại biểu Mai Hồng Hải cũng đồng tình với việc đổi tên dịch vụ kinh doanh đòi nợ thành ngành nghề kinh doanh “thu hồi nợ”.
THẾ KHOA
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh