11:05 31/07/2021 Sáng 31-7, đồng chí Nguyễn Văn Tùng- Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch Covid-19. Đồng chí Trần Lưu Quang- Bí thư Thành Ủy, dự và chỉ đạo hội nghị, cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan. Tại điểm cầu quận, huyện có các đồng chí Bí thư quận ủy, huyện ủy; Chủ tịch UBND các quận, huyện, các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban liên quan.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Hưng Hùng, Chánh Văn phòng UBND thành phố báo cáo nhanh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.
Tính đến 12 giờ ngày 30-7-2021, có 208 người đi về từ vùng dịch, 7 người đi khỏi địa bàn về vùng dịch. Tổng số 11.467 phương tiện và 15.236 người vào thành phố qua các chốt kiểm soát; 155 phương tiện và 218 người phải quay đầu (giảm so với ngày 29-7); có 15.236 người thực hiện khai báo y tế, trong đó có 139 người có yếu tố dịch tễ.
Tính từ ngày 21-7 đến ngày 30-7, toàn thành phố xử phạt 1.536 trường hợp, với số tiền 1.497,705 triệu đồng, tính riêng trong ngày 30-7, toàn thành phố xử phạt 172 trường hợp với số tiền 316,85 triệu đồng.
Theo báo cáo của Sở y tế, tình hình dịch Covid-19 hiện nay diễn biến rất phức tạp, Tính từ 19h ngày 30/7 đến 6h ngày 31/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.060 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.503), Bình Dương (868), Đồng Nai (222), Tiền Giang (123), Bà Rịa - Vũng Tàu (76), Cần Thơ (55), Vĩnh Long (48), Bình Thuận (38), Đồng Tháp (31), Phú Yên (28), Kiên Giang (16), Đắk Lắk (11), Sơn La (10), Bình Định (9), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Hà Tĩnh (2), Hậu Giang (2), Kon Tum (1) trong đó có 973 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng ngày 31/7, Việt Nam có 141.122 ca mắc trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 138.887 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 137.317 ca, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tại Hà Nội: số ca mắc trong những ngày qua tăng nhanh, tình hình dịch diễn biến phức tạp, riêng ngày 30/7 có 144 ca mắc.
Tại Hải Dương, đợt dịch thứ 4 đã có 68 ca mắc; ngày 29/7 có 10 ca, ngày 30/7 có 01 ca. TP Hải Dương ban hành quyết định áp dụng bổ sung biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Tại Hải Phòng, tính trong thời gian từ ngày 27/4/2021 đến ngày 30/07/2021 (Giai đoạn 4 của dịch tại Việt Nam), Hải Phòng đã lấy 537.007 mẫu xét nghiệm. Trong ngày 30/7 lấy, tiếp nhận mới 12.796 mẫu sàng lọc. Xét nghiệm diện rộng trong ngày 30/07/2021 lấy 8.569 mẫu.
Tính đến 17 giờ ngày 30-7 các địa phương đã rà soát, quản lý được 3.087 người về Hải Phòng từ TP.Hồ Chí Minh kể từ 12 giờ ngày 7-7-2021. Số liệu ngày 30-7 ra soát được 1.671 người từ Hà Nội về (tăng 51 người so với ngày 29-7).
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương báo cáo về việc triển khai công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung công tác kiểm soát các phương tiện ra vào địa bàn; Rà soát người đi từ vùng dịch về và việc tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp không chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phạm Thu Xanh-Tổ trưởng Tổ Phản ứng nhanh phòng chống dịch Covid-19 thành phố cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca mắc mới tăng và số ca tử vong tăng. Tại Hà Nội, dịch bệnh ghi nhận ca mắc ở 18 quận, huyện.
Đồng chí đề xuất thành phố cần có biện pháp kiểm soát chặt từ bên ngoài và bên trong. Trong đó, chú trọng các chốt cửa ngõ thành phố, như chốt cầu Nghìn, ga Dụ Nghĩa, chốt ở Quảng Ninh sang. Thực hiện phân luồng kiểm soát chặt xe container và các phương tiện khác ra, vào thành phố.
Đồng thời, cần sớm phát hiện mầm bệnh ở cộng đồng như tăng cường “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”; lập danh sách các trường hợp nguy cơ để xét nghiệm chủ động. Thiết lập đường dây nóng ở các địa phương, thành lập tổ tuần tra ở khu dân cư; sắp xếp lại các chợ dân sinh, chợ cóc; yêu cầu các phòng khám bệnh cam kết bảo đảm quy định phòng, chống dịch...
Sau khi nghe báo cáo của các sở, ngành, địa phương và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy, phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố ghi nhận trong những ngày qua các địa phương, chốt kiểm soát hoạt động tích cực, hiệu quả cao trong kiểm soát người, phương tiện ra vào thành phố, giữ được 14 ngày Hải Phòng không có ca mắc mới trong cộng đồng. Lực lượng Công an thành phố và các quận, huyện rà soát, phát hiện các tụ điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trên diện rộng và quản lý các phương tiện vận tải.
Tuy nhiên, trong 5 ngày triển khai, hiệu quả hoạt động của gần 2.500 tổ kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn dân cư chưa thực sự tốt, chỉ phát hiện được 45 người đưa đi cách ly y tế, thấp hơn nhiều so với số người ngoại tỉnh về Hải Phòng; việc xử phạt vi phạm hành chính với các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch chưa nhiều; ý thức của một bộ phận dân cư chưa cao. Đồng chí chỉ đạo 2.500 tổ kiểm soát dịch bệnh ở các thôn, tổ dân phố chuyển từ hỗ trợ kinh phí sang hoạt động tự nguyện.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, Chủ tịch UBNĐ thành phố đề nghị tăng cường lực lượng cho các chốt kiểm soát dịch bệnh bệnh liên ngành của thành phố; các chốt phụ giáp ranh giữa các địa phương và chốt tại các bãi xe; các địa phương rà soát, thành lập thêm các chốt kiểm soát ở các chợ đầu mối của thành phố; gia cố thêm các chốt kiểm soát tại các nơi giao nhận hàng như nhà xe, bến cảng. Chủ tịch UBND thành phố giao trách nhiệm cho các địa phương kiểm soát người từ vùng dịch về Hải Phòng. Nếu thời gian tới, phát hiện các trường hợp mắc Covid-19 từ các vùng dịch về các địa phương, không khai báo y tế, các địa phương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, thậm chí xử lý kỷ luật.
Về các biện pháp phòng, chống dịch tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu vẫn làm chắc việc kiểm soát người ra vào thành phố và trong khu công nghiệp; xét nghiệm diện rộng với các trường hợp nguy cơ cao; quản lý lái xe và thực hiện gói hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tránh tụ tập đông người; phát động toàn dân những người ở vùng dịch về khẩn trương ra khai báo y tế; thống nhất thành phố sẽ bố trí một số số điện thoại đường dây nóng của thành phố và các quận, huyện, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.
Trong thời gian qua, thành phố chỉ đạo thí điểm 3 doanh nghiệp thực hiện 2 gồm mô hình “3 tại chỗ” và mô hình làm việc ở một nơi; ăn, nghỉ ở nơi riêng. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các ngành, các địa phương có doanh nghiệp được lựa chọn thí điểm cần tăng cường phối hợp chuẩn bị, rút kinh nghiệm triển khai ngay nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra.
Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo Sở Y tế tập trung mua sắm các trang thiết bị phục vụ khi dịch bệnh bùng phát, nhất là trang bị cho cơ sở 2 của Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp để điều trị người bệnh nặng cũng như các trang thiết bị cho toàn hệ thống các bệnh viện để đáp ứng điều trị người bệnh nhẹ.
Văn phòng UBND thành phố tổng hợp khả năng đáp ứng của các cơ sở lưu trú như khách sạn, các trường học, chuẩn bị sẵn bộ khung đáp ứng phục vụ cách ly các trường hợp F1 và các công nhân, người lao động ở doanh nghiệp đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra với khoảng 20.000 chỗ ở. Thành phố sẽ thành lập khoảng 4-5 tổ nắm tình hình và xử phạt lưu động ở tất cả các quận, huyện.
Vũ Duyên
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh