19:17 27/04/2023 Chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 3 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng khẳng định: Hải Phòng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng nhưng so với tiến độ kế hoạch năm thì chưa đạt yêu cầu. Đây là vấn đề cần được nhận diện, phân tích rõ nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục trong thời gian tới với quyết tâm cao, tạo đà hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm và cả năm 2023.
Nhiều chỉ tiêu chưa đạt như kỳ vọng
Đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 3 tháng đầu năm, tăng trưởng GRDP của Hải Phòng đạt 9,65%, cao hơn mức tăng 9,51% của quý 1-2022; xếp thứ ba cả nước và thứ nhất Vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là kết quả đáng mừng nhưng so với mức tăng trưởng quý 1 của năm 2021 trở về trước thì lại thấp hơn khá nhiều (quý 1 của năm 2021 tăng 13,22%; năm 2020 tăng 14,9%; năm 2019 tăng 15,05%). Như vậy, so với kế hoạch năm 2023 (tăng 12,7-13%) và đặc biệt là so với yêu cầu tăng tốc, bứt phá giai đoạn 2020-2025 theo nghị quyết 45 của Bộ Chính trị; nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 thì vẫn còn khoảng cách khá xa.
Cũng như vậy, một chỉ tiêu quan trọng là chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy quý 1 tăng 13,12%, cao hơn mức 9,76% của năm 2022 nhưng lại cách khá xa so với mức tăng của những năm trước đó (tăng từ 18-24%) và yêu cầu năm 2023 cũng đề ra phải tăng từ 15% trở lên.
Đáng chú ý là số thu ngân sách giảm so với cùng kỳ năm 2022 cả về thuế xuất nhập khẩu và thuế nội địa. Cụ thể, tổng thu ngân sách đạt 23.977,9 tỷ đồng, bằng 20,59% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 90,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa đạt 8.187,7 tỷ đồng, bằng 19,27% dự toán HĐND thành phố giao và bằng 86,03% so với cùng kỳ năm trước; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 14.504,6 tỷ đồng, bằng 20,75% dự toán HĐND thành phố và bằng 91,56% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, thành phố đặt chỉ tiêu thu hơn 13.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhưng hết quý 1 cũng mới chỉ thu được hơn 800 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long, cũng rất đáng lưu tâm khi lần đầu tiên sau nhiều năm, sản lượng hàng hóa qua Cảng giảm 0,83% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt hơn 33,3 triệu tấn. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.137,24 tỷ đồng, tăng 10,62% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 18,49% kế hoạch, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển sôi động, bứt phá của Hải Phòng.Thật đáng suy nghĩ khi trong hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch, chưa có chỉ tiêu nào vượt mức 25%, một tỷ lệ cần thiết của từng quý để tạo điều kiện hoàn thành kế hoạch cả năm.
Như vậy, có thể thấy, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của Hải Phòng trong quý 1- 2023 chưa thực sự bứt tốc, ảnh hưởng đáng kể tới mục tiêu giữ nhịp độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao Mặc dù lãnh đạo các ngành, các địa phương đã phản ánh rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên nhưng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn có sức ỳ, lực cản không nhỏ trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu thống kê cụ thể tiến độ hoàn thành công việc UBND thành phố giao các ngành, địa phương và thấy rõ, một số đơn vị còn để tồn đọng quá nhiều, thời gian giải quyết, xử lý kéo dài; còn có tình trạng đùn đẩy nhiệm vụ; tính chủ động, sáng tạo chưa cao; sự phối hợp chưa chặt chẽ. Vì thế, UBND thành phố phải nhắc nhở, phê bình lãnh đạo một số sở, ngành, quận, huyện.
Tạo khí thế, động lực mới thực hiện nhiệm vụ
Những con số trên tuy chưa vui, chưa đạt như kỳ vọng nhưng nhìn tổng thể, Hải Phòng vẫn là địa phương có mức tăng trưởng cao của cả nước. Trong bức tranh chung, có một số điểm sáng như chỉ số IIP nằm trong top tăng trưởng cao của cả nước, trong khi nhiều trọng điểm công nghiệp nằm ở mức thấp. Giải ngân vốn đầu tư công quý 1 năm nay có nhiều tín hiệu đáng mừng khi đạt 2769 tỷ đồng, bằng 10% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và 12% kế hoạch HĐND thành phố giao, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2022.
Đây được coi là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách và nếu tiếp tục giữ được đà này sẽ góp phần quan trọng đưa thành phố phát triển nhanh hơn. Du lịch Hải Phòng đang có những dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng rõ nét, quý 1 đón hơn gần 1,4 triệu lượt khách, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2022, đặc biệt khách quốc tế tăng gấp hơn 5 lần.
Cũng thật đáng mừng khi ngay trong những tháng đầu năm, thành phố đã triển khai nhiều dự án lớn, trọng điểm, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển như khởi công Trung tâm Chính trị- Hành chính bắc sông Cấm; khởi công khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên; dự án nút giao thông khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5; đường Đỗ Mười kéo dài; cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352... Tuyến đường 363- kênh Hòa Bình của quận Dương Kinh, huyện Kiến Thụy đã được thông xe kỹ thuật...
Đặc biệt, ngay trong những ngày cuối cùng của quý 1, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tin rất vui, là niềm mong mỏi, chờ đợi nhiều năm nay của Hải Phòng đã trở thành hiện thực. Điều chỉnh Quy hoạch chung được thông qua, Hải Phòng có thêm nhiều cơ hội, nhiều điều kiện thuận lợi, tháo gỡ được các nút thắt, lực cản để tăng tốc phát triển trong thời gian tới.
Mặc dù vậy, Hải Phòng cũng cần nhìn thẳng vào thực trạng phát triển KTXH quý 1, rà soát lại các chỉ tiêu và có giải pháp khắc phục ngay trong quý 2. Trước mắt, thành phố đang đứng trước một khối lượng công việc khổng lồ, cần có sự đồng tâm, hiệp lực, nỗ lực cố gắng hết mình mới có thể hoàn thành đúng tiến độ. Đó là tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các dự án trọng điểm đã được xác định trong năm 2023; hoàn thiện các thủ tục để khởi công các dự án trong quý 2- 2023 như sân Golf Sakura; KCN Tiên Thanh; KCN và phi thuế quan Xuân Cầu; hoàn thành GPMB KCN An Dương trước 30-6.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp để khởi công dịp 30-4, 13-5 và xây dựng hạ tầng kết nối với cụm công nghiệp mới được thành lập: Dũng Tiến - Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo); Quang Phục (huyện Tiên Lãng); An Thọ (huyện An Lão).
Cùng với đó, tập trung thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại chung cư cũ: Tổng kho 3 Lạc Viên, Khu nhà ở xã hội trên địa bàn quận Lê Chân, Khu chung cư Đồ Sơn; khởi công khu nhà ở xã hội phường Tràng Cát, khu nhà ở xã hội phường Đông Hải 2 trong quý 2; đẩy nhanh xây dựng khu nhà ở công nhân Công ty TNHH Pegatron Việt Nam… Bên cạnh đó, rà soát tổng thể các dự án, công trình có vướng mắc, kéo dài, các dự án, công trình có sai phạm đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, đề xuất phương hướng tháo gỡ, xử lý dứt điểm.
Trước yêu cầu nhiệm vụ khá nặng nề, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các cấp, các ngành nâng cao ý thức trách nhiệm, nỗ lực đề ra các giải pháp, tăng tốc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới. Cụ thể, tập trung cao cho công tác GPMB, đặc biệt là GPMB các khu, cụm công nghiệp để bảo đảm điều kiện khởi công; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số theo kế hoạch. Đồng thời, tăng cường hoàn thiện hồ sơ đấu giá đất, đấu giá tài sản công, tăng thu ngân sách…
Các địa phương khẩn trương thực hiện các dự án xây dựng công viên cây xanh; xây dựng xã NTMKM theo kế hoạch đã phê duyệt. Về an ninh trật tự, Chủ tịch lưu ý quận Hồng Bàng, Công an thành phố và các ngành liên quan tiếp tục nắm chắc tình hình, giải quyết ngay các vấn đề liên quan đến ANTT do cháy chợ Tam Bạc và trái phiếu doanh nghiệp liên quan tới SCB, bảo đảm ổn định tình hình, không để xảy ra khiếu kiện đông người.
Chủ tịch UBND thành phố mong muốn các ngành, các cấp phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, chủ động, tạo khí thế, động lực mới, bảo đảm hoàn thành kế hoạch quý 2 và 6 tháng đầu năm ở mức cao nhất./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh