Tạo sân chơi lành mạnh trong kinh doanh vận tải

18:13 04/08/2014

 

 

Lực lượng CSGT kiểm tra xe ô tô vận tải khách trên tuyến
Lực lượng CSGT kiểm tra xe ô tô vận tải khách trên tuyến

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì biên soạn, tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành TW và địa phương hoàn thiện Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 91/2009/CP-NĐ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Nghị định số 93/2012/NĐ-CP ngày 8-11-2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2009/NĐ-CP theo hướng siết chặt quản lý hoạt động vận tải, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong hoạt động vận tải ô tô đường bộ (VTOTOĐB).

Lỗ hổng từ… cơ chế

Trao đổi với phóng viên báo ANHP bên lề hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014 của Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam khẳng định: Sau 30 năm đổi mới, lĩnh vực VTOTOĐB đã phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm. VTOTOĐB chiếm từ 75-90% nhu cầu đi lại của người dân, đã thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa của nền kinh tế và chiếm vị trí đứng đầu so với các phương thức vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không. Đặc biệt, lĩnh vực VTOTOĐB là một ngành được xã hội hóa tương đối triệt để. Hiện nay, hoạt động trong lĩnh vực này không có doanh nghiệp (DN) nhà nước, hoàn toàn dựa vào sức dân.

Tuy nhiên, hoạt động lĩnh vực VTOTOĐB cũng đã lộ ra những vấn đề nan giải. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chỉ trong lĩnh vực vận tải khách bằng ô tô, cả nước hiện có khoảng hơn 3.500 DN, HTX tham gia hoạt động vận tải khách, với khoảng hơn 450 nghìn đầu xe chở khách các loại đang hoạt động trên cả  hơn 1.500 tuyến vận tải khách liên tỉnh cố định và nội bộ tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc TW.  Song chiếm tới 80% dịch vụ vận tải khách thuộc sở hữu cá nhân; quy mô manh mún, nhỏ lẻ; thiếu đầu tư bài bản, chủ yếu kinh doanh theo kiểu “chộp giật”, bỏ qua việc xây dựng uy tín, thương hiệu vì mục đích cần nhanh hoàn vốn đầu tư mua phương tiện. Còn với vận tải hàng hóa đường bộ bằng ô tô là vấn nạn chở quá khổ quá tải phá hoại hạ tầng giao thông, là nguyên nhân chính gây ra những vụ TNGT thảm khốc...

Nguyên nhân của sự tồn tại này xuất phát từ chính việc giải quyết hậu quả của thời kỳ bao cấp, xoá bỏ sự độc quyền của các cty xe khách nhà nước. Chủ trương mở rộng dịch vụ vận tải ô tô khách cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã thu hút sự đầu tư mạnh mẽ của các tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, nhà nước đã buông lỏng công tác quản lý, dẫn đến các đơn vị vận tải cũng thả nổi việc quản lý phương tiện, lái xe. Có sự “dễ dãi” này là do cá nhân chỉ cần tham gia HTX, cty cổ phần (bản chất là mượn tư cách pháp nhân) là có thể ung dung một mình một xe chạy trên tuyến đường từ vài trăm cho đến hàng nghìn km mà không chịu sự kiểm tra, giám sát của DN cho “mượn” thương hiệu.

Đương nhiên, mặt trái của sự “cởi mở” trong việc quy định các điều kiện kinh doanh VTOTOĐB là sự phát triển tự phát, manh mún, tùy tiện với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, “siêu nhỏ” đã tạo nên sự cạnh tranh “vô tổ chức”, thiếu lành mạnh và “đẻ” ra những hệ lụy khôn lường trong công tác đảm bảo ATGT, tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông, rất khó kiểm soát và ngăn chặn nếu không có sự thay đổi từ trong cơ chế quản lý.

Siết chặt theo hướng nào?

Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) năm 2008 đã quy định: “Hoạt động vận tải đường bộ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện”. Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện, quy định này chưa được đưa vào áp dụng trong thực tiễn. Cụ thể, các nghị định quy định về loại hình kinh doanh VTOTOĐB chưa đưa ra được những quy định chặt chẽ, mang tính đặc thù của ngành nghề nên đã dẫn đến việc các DN, hộ kinh doanh lợi dụng.

Xe khách vi phạm đầu đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định tại bến xe Tam Bạc
Xe khách vi phạm đầu đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định tại bến xe Tam Bạc

Những sự “bất ổn” từ nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh VTOTOĐB so với Luật GTĐB trở thành “sơ hở” để hoạt động lộn xộn, tạo ra sự bất ổn trong lĩnh vực này. Thực tế này đã trở thành nhu cầu cấp thiết phải sửa đổi Nghị định 91, 93 để duy trì sự ổn định, tạo đà phát triển cho lĩnh vực VTOTOĐB phù hợp với quy định của pháp luật, góp phần quan trọng đảm bảo TTATGT.

Ông Mai Xuân Phương, Phó giám đốc Sở GTVT phân tích: Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 91, 93 là nhằm siết chặt quản lý hoạt động vận tải, nâng cao điều kiện hoạt động kinh doanh vận tải theo đúng với các quy phạm pháp luật và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho các DN phát triển theo hướng lành mạnh. Vì vậy, việc siết chặt, nâng cao điều kiện hoạt động vận tải không phải là đẩy DN lâm vào khó khăn. Việc làm này nhằm nâng cao vị thế của các cơ quan quản lý nhà nước từ TW đến địa phương; và nâng tầm các đơn vị vận tải phải lên một bước phát triển mới như phải có bộ máy quản lý điều hành để họ quản lý được lái xe, phương tiện của mình; khắc phục được tình trạng “không quản được thì cấm” như tiền lệ trước đây.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết: Với kỳ vọng, nghị định mới thay thế Nghị định 91, 93 sẽ là tiền đề các doanh nghiệp quy mô nhỏ tụ lại, tạo thành những DN có quy mô lớn, có khả năng tài chính, khả năng điều hành sản xuất kinh doanh vận tải bằng ô tô. Còn các DN có quy mô nhỏ hoạt động trong lĩnh vực vận tải ô tô đường bộ, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có nhưng cơ chế quan tâm hợp lý, nhằm tạo điều điện cho họ phát triển.

Các DN vận tải Hải Phòng mong muốn dự thảo nghị định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ bằng xe ô tô sẽ sớm hoàn chỉnh, góp phần tái cơ cấu thị trường vận tải, đảm bảo tăng cường công tác quản lý nhà nước nhưng vẫn đảm bảo cho DN được tự chủ, năng động trong sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để nhân dân được sử dụng dịch vụ vận tải tốt hơn với chi phí vận tải hợp lý hơn và đặc biệt góp phần trong công tác đảm bảo TTATGT.

Đoàn Lanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông