14:47 22/11/2023 Sáng 22-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính.
Nhiều vụ việc xử lý còn chậm
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.
Theo báo cáo, trong năm 2023, số lượt công dân đến các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tăng 1.615 vụ việc và tăng 102 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Riêng tại địa điểm tiếp công dân của Quốc hội ở Hà Nội số lượt công dân tăng 752 lượt người với 877 vụ việc và 48 lượt đoàn đông người so với năm 2022. Số lượng đơn thư của công dân gửi đến các cơ quan của Quốc hội cũng tăng 1.384 đơn so với năm 2022.
Qua nghiên cứu, nội dung đơn thư của công dân gửi đến trong lĩnh vực hành chính chủ yếu có liên quan đến các lĩnh vực: về quản lý đất đai, xây dựng; về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; về công nhận và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về tranh chấp đất đai; về đòi lại đất cũ; về quản lý và vận hành nhà chung cư; về việc đầu tư, xây dựng và hoạt động của khu xử lý rác thải, chăn nuôi tập trung gây ô nhiễm môi trường...
Nội dung đơn thư thuộc lĩnh vực giải quyết của các cơ quan tư pháp chủ yếu là đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…
Theo Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, việc thực hiện công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đã được các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH thực hiện ngày càng bài bản, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết; nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm đã củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH với cử tri và Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc chủ động tổ chức, thực hiện tiếp công dân của Đoàn ĐBQH, ĐBQH ở một số địa phương còn hạn chế, còn phụ thuộc vào kế hoạch tiếp công dân định kỳ của địa phương và phân công của Đoàn ĐBQH.
Chất lượng phân loại, xử lý đơn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng chuyển đơn đến cơ quan không đúng thẩm quyền giải quyết. Việc thực hiện chế độ báo cáo công tác dân nguyện của một số Đoàn ĐBQH chưa bảo đảm thời gian theo quy định.
Qua giám sát, việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc thực hiện kiến nghị về hoàn thiện thể chế còn chậm, chưa rõ lộ trình thực hiện, như: quy định của pháp luật về giải quyết đơn kiến nghị, phản ánh; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương còn thiếu tính chủ động, chưa kịp thời lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương.
Việc thông báo kết quả tiếp nhận, thụ lý và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo cho cơ quan của Quốc hội, ĐBQH chuyển đến chưa kịp thời; chất lượng văn bản trả lời, thông tin kết quả giải quyết còn thiếu tính thuyết phục; một số vụ việc chưa xác minh, làm rõ vào nội dung công dân tiếp khiếu, tiếp tố dẫn đến công dân tiếp tục bức xúc; một số vụ việc cụ thể đã có kiến nghị nhưng chậm được thực hiện, việc giải quyết còn để kéo dài, không nêu rõ lộ trình giải quyết…
Việc chấp hành quy định tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND cấp huyện, một số Bộ ngành chưa đảm bảo theo quy định của Luật Tiếp công dân, việc ủy quyền cho cấp phó còn khá phổ biến. Việc thực hiện đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đối với vụ việc cụ thể chậm được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện, hoặc cung cấp không đầy đủ theo yêu cầu mặc dù đã nhiều lần đôn đốc…
Ban Dân nguyện đề nghị, đối với 75 vụ việc chưa được xem xét, trả lời của cơ quan Tòa án; 43 vụ việc chưa được xem xét, trả lời của cơ quan Viện kiểm sát , đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát theo thẩm quyền quan tâm giải quyết để kịp thời thông tin, trả lời cho cơ quan chuyển đơn và công dân.
Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt được kết quả tích cực, giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật với 81,7% số vụ việc khiếu nại, 86,3% số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. Công tác chỉ đạo, điều hành, sự phối hợp giữa các cơ quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, ý kiến thẩm tra và ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, năm 2023 số đơn thư tăng mạnh, nhất là số đơn thư tiếp nhận của các bộ ngành tăng cao, tỷ lệ đơn đủ điều kiện xử lý càng lên cao lại càng giảm, việc chuyển đơn và xử lý đơn còn nhiều bất cập...
Theo báo cáo của các địa phương đã tiến hành kiểm tra, rà soát, phân loại và giải quyết được 856/1.003 vụ việc, đạt 85,3%; còn lại 147 vụ việc đang tiếp tục giải quyết. Đến nay, qua theo dõi trụ sở tiếp công dân trung ương, tình trạng các đoàn khiếu kiện đông người lên trụ sở các cơ quan Trung ương để khiếu nại, tố cáo các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài đã giảm, cơ bản được kiểm soát.
Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường và phát huy trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài còn lại.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc trực tiếp tiếp công dân của Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp 91%); đối với cấp tỉnh có chuyển biến tích cực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã trực tiếp tiếp 79%, cao hơn 2% so với năm 2022 (77%) và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021 (56%); tuy nhiên, đối với cấp Bộ thì chỉ đạt 60% theo quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của Bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc
Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều tán thành cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023 đã phản ánh rõ nét về những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của từng việc đối với từng đối tượng; các số liệu phản ánh được nêu khá cụ thể.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương khẳng định, thông qua việc thực hiện công tác dân nguyện, nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm trong xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi chính sách, pháp luật trên thực tiễn đã được phản ánh kịp thời, xem xét, giải quyết. Đặc biệt, nhiều vụ việc phức tạp, đông người đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và thể hiện được vai trò, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội với cử tri và nhân dân.
Tuy nhiên, theo đại biểu, để giải quyết các hạn chế, khó khăn được nêu thì tại Báo cáo mới dừng ở kiến nghị và đề xuất. Trong báo cáo thẩm tra về nội dung này đánh giá một số hạn chế, bất cập và nguyên nhân là những vấn đề tồn tại từ nhiều năm đã được nêu trong báo cáo của Chính phủ ở các năm trước, được Ủy ban Pháp luật chỉ ra trong các báo cáo thẩm tra hàng năm song đến nay vẫn chưa được khắc phục triệt để. Về vấn đề này, Ủy ban Pháp luật cũng đã đưa ra minh chứng rất cụ thể. Đại biểu mong muốn Quốc hội ban hành nghị quyết quy định giao nhiệm vụ cụ thể để sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế đã được chỉ rõ nhưng bị kéo dài, chậm giải quyết để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Theo đại biểu Lê Văn Thìn (Phú Yên), có những vướng mắc kéo dài rất nhiều năm. Đại biểu chỉ rõ nguyên nhân của những vướng mắc này là do các cơ quan quản lý Nhà nước là chủ yếu, hoặc tại địa phương trước đây thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ các quy định pháp luật, hoặc do pháp luật thay đổi qua các thời kỳ mà không áp dụng được các điều khoản chuyển tiếp. Và hiện các vụ việc này hầu như không giải quyết được, nếu áp dụng pháp luật hiện hành cũng không giải quyết được.
Do đó, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê lại các vướng mắc, bất cập, phân loại các thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương, vướng mắc nào chưa rõ, cần sự hỗ trợ của các bộ ngành thì giao cho các bộ ngành và Tổ Công tác của Chính phủ nghiên cứu có những hướng dẫn để giải quyết dứt điểm. Đại biểu cho rằng, đây chỉ là giải pháp áp dụng trong một thời gian nhất định, tránh trường hợp lạm dụng ở các bộ ngành phải thực hiện thay phần việc của mình.
Một số lãnh đạo chưa quyết liệt, thiếu sâu sát trong xử lý đơn thư
Phát biểu ý kiến, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023. Trong đó, một số thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, thiếu sâu sát để có biện pháp hữu hiệu trong việc giải quyết vụ việc đông người, phức tạp kéo dài. Còn tình trạng người đứng đầu ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ. Một số nơi chưa tổ chức thực hiện có hiệu quả quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực pháp luật…
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành trong khối nội chính, các địa phương tiếp tục xác định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, chủ động nắm chắc tình hình, tập trung xử lý và kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ khi mới phát sinh, không để xảy ra điểm nóng, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu đề nghị tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, có kế hoạch tổ chức tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền mới phát sinh.
Đồng thời đề nghị cần xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo không thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ người tố cáo, dẫn đến người tố cáo bị trả thù, trù dập, cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp.
Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nêu, thực trạng cho thấy việc tiếp công dân, xử lý đơn thư của đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương còn một phần mang tính chất hành chính, dừng lại ở việc chuyển đơn; đối với một số đơn thư hợp lệ thì bao gồm các bước nhận đơn, đọc đơn, chuyển đơn, nhận trả lời đơn là chủ yếu.
Do vậy, theo đại biểu đoàn Đắk Nông, các địa phương cần có quy định thống nhất về phần mềm như đơn, thư khiếu nại, tố cáo riêng với hệ thống quản lý văn bản và điều hành, để dễ tra cứu, theo dõi các vụ việc.
Đối với Trung ương, cần mở hệ thống phần mềm tập hợp, tổng hợp các vụ việc phức tạp, nổi cộm đã chấm dứt thụ lý để giảm tải lượng đơn của Đoàn đại biểu Quốc hội. Đồng thời, đẩy nhanh việc rà soát, lập danh sách vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài ở một số địa phương, hướng tới việc chủ động lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra, rà soát để giải quyết dứt điểm tại địa phương./.
Hồng Thanh
08:20 09/01/2025
15:07 08/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh