21:36 10/03/2018 Cùng với các địa phương trên cả nước, Quảng Ninh triển khai học tập, lên kế hoạch xây dựng Đề án xây dựng thành phố thông minh và đã triển khai một số dự án thành phần. Theo kế hoạch năm 2018, Quảng Ninh tập trung xây dựng kiến trúc thành phố thông minh và xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh...
TP Hạ Long đang là địa phương tiên phong của tỉnh xây dựng thành phố thông minh. Ảnh: CTV
Đẩy nhanh tiến độ
Theo "Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020” được tỉnh phê duyệt đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch thông minh của Việt Nam; đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một thành phố thông minh (TPTM) hiện đại đứng trong top đầu các TPTM của khu vực ASEAN. Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Quảng Ninh đang tập trung nguồn lực xây dựng đô thị thông minh với trọng tâm là chính quyền điện tử và chú trọng các tiêu chí về y tế, giáo dục, giao thông, môi trường.
Việc xây dựng mô hình thành phố thông minh được triển khai giai đoạn 1 tại thành phố Hạ Long, tập trung ở các lĩnh vực: chính quyền điện tử, giáo dục, y tế, du lịch, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, an ninh an toàn, xây dựng vườn ươm khởi nghiệp.
Nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở các lĩnh vực cũng được tập trung xây dựng, như: sẽ hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 2017-2020; hoàn thành cơ sở hạ tầng đám mây TPTM phục vụ nhu cầu toàn tỉnh; xây dựng CSDL tổng hợp, CSDL lớn (big data) để cung cấp thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành các cấp; triển khai hệ thống trung tâm điều hành (IOC) cho các ngành các cấp; triển khai đồng bộ các ứng dụng thông minh (môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, ...) trên phạm vi toàn tỉnh để hướng đến phục vụ người dân tốt hơn, quản lý điều hành đô thị thông minh.
Cấu trúc của một thành phố thông minh được tượng hình với ba đối tượng chính: chính quyền điện tử được xây dựng với nền móng về kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu nhằm tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động. Các cư dân thông minh sẽ được tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng cường các tiện ích phục vụ cho người dân. Một môi trường minh bạch, thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động, thông qua đó tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp so với các khu vực khác và thu hút đầu tư cho thành phố.
Ðồng thời, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn dữ liệu mở để phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp nhằm xây dựng ngày càng nhiều các dịch vụ tiện ích cùng chung tay với chính quyền củng cố, phát huy và xây dựng đô thị thông minh ngày càng bền vững.
Cũng theo đề án được duyệt, giai đoạn 2017-2020 gồm 28 nhiệm vụ, dự án. Trong đó, năm 2017 đầu tư 12 dự án và 1 nhiệm vụ; năm 2018 đầu tư 7 dự án; năm 2019 đầu tư 6 dự án...
Những mốc thời gian cận kề đòi hỏi đẩy nhanh tốc độ thực hiện. Mới đây, đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định nhiệm vụ xây dựng kiến trúc thành phố thông minh và kiến trúc chính quyền điện tử hoàn thành trong quý 2-2018.
Tìm kiếm đối tác
Ngày 7-3, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp cùng với các sở, ngành, địa phương nghe Tập đoàn VNPT giới thiệu các giải pháp xây dựng đô thị thông minh. Cùng dự có đồng chí Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Tại cuộc họp, Tập đoàn VNPT cho hay, hiện tại trên cả nước có 15 tỉnh, thành phố ký hợp tác với VNPT về xây dựng đô thị thông minh. Cũng theo tập đoàn này, xây dựng đô thị thông minh dựa trên việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao chất lượng sống, khả năng làm việc và đảm bảo phát triển bền vững.
Một số lĩnh vực trọng tâm của đô thị thông minh ở Việt Nam, bao gồm: chính quyền số, y tế, giáo dục, an toàn an ninh, quy hoạch đô thị, giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường. Các bước triển khai đô thị thông minh bao gồm: xây dựng đề án, triển khai các giải pháp ưu tiên và mở rộng, cải tiến...
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, thời gian qua, cùng với các địa phương trong cả nước, Quảng Ninh cũng xây dựng Đề án xây dựng thành phố thông minh và hiện đã triển khai một số dự án thành phần. Hiện nay tỉnh đang đánh giá, định vị lại những phần việc trong Đề án xây dựng thành phố thông minh mà TP Hạ Long là địa phương đầu tiên được triển khai.
Trong xây dựng thành phố thông minh, Quảng Ninh đang ưu tiên triển khai y tế thông minh, giáo dục thông minh và giao thông thông minh, đồng thời kiểm soát môi trường thông qua các trạm quan trắc môi trường tự động.
Đồng chí mong muốn Tập đoàn VNPT đánh giá, tiếp cận một cách độc lập về Đề án của tỉnh Quảng Ninh theo cách nhìn của VNPT, qua đó giúp tỉnh có cái nhìn thật khái quát về cách làm cũng như kết quả đạt được và những vấn đề cần được tập trung trong thời gian tới. Đồng chí gợi ý, Tập đoàn VNPT có thể nghiên cứu, tham gia triển khai các dự án thành phần trong Đề án xây dựng thành phố thông minh trên địa bàn tỉnh; chủ động nghiên cứu những dự án có thể triển khai trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai thành công Đề án xây dựng thành phố thông minh...
NHẬT LAM
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh