09:28 03/11/2022 Thời gian qua, sự phát triển mạnh mẽ của internet đã tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế, xã hội, chính trị. Bên cạnh mặt tích cực thì sự ra đời và phát triển của mạng xã hội cũng đem lại không ít hạn chế, thách thức. Một trong những thách thức đó là việc sử dụng chưa lành mạnh, tích cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Facebook vẫn là mạng xã hội được nhiều người Việt dùng nhất hiện nay, với khoảng 90 triệu tài khoản người dùng, đưa Việt Nam đứng top 7 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông đảo nhất trên thế giới. Về Fanpage có khoảng hơn 10 triệu quản trị viên Fanpage tại thị trường Việt Nam là một con số khổng lồ.
Bên cạnh các lợi ích về mặt kết nối bạn bè, kinh doanh hay giải trí…, thì ở góc độ nâng cao nhận thức và năng lực cá nhân, đặc biệt là vấn đề tư tưởng của người dùng, mạng xã hội có những tác dụng tích cực đáng kể. Đó là:
Thứ nhất, mở rộng một số quyền tự do cá nhân. Người sử dụng có thể bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về rất nhiều vấn đề trong xã hội, đặc biệt là với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, về các vấn đề trong xã hội, cả khen ngợi, phê bình lẫn phản biện, góp ý, đề xuất. Mạng xã hội còn giúp người dùng phát huy một số năng lực cá nhân, thông qua việc giới thiệu một số hoạt động, kỹ năng, sở trường… của mình, nhờ đó có thể xây dựng được hình ảnh tích cực với người khác hơn.
Thứ hai, cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế. Một số mạng xã hội có tính năng like (thích) trang, người đọc sẽ nhận được ngay những thông tin cập nhật của trang mạng mình yêu thích hoặc quan tâm về các lĩnh vực, nhờ đó có thể nhanh chóng cập nhật xu thế mới nhất của lĩnh vực hoặc vấn đề mình yêu thích. Đồng thời, qua việc thực hiện chức năng chia sẻ (share) thông tin, hình ảnh của những người trong danh sách bạn bè (friendlist) của mình, người đọc có thể tiếp cận được những thông tin, kiến thức bổ ích mà có khi bản thân không tự tìm kiếm được.
Thứ ba, cải thiện và nâng cao một số kỹ năng sống. Hiện mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các trang dạy các kỹ năng như ngoại ngữ, nấu ăn, giao tiếp, tâm lý, thể dục thể thao… để người sử dụng có thể xem tham khảo, tự học và có thể học bất kỳ ở đâu, bất kỳ lúc nào mà không cần đến lớp hay phải tốn học phí. Hoặc khi cần, nhiều người có thể nhờ bạn bè hỗ trợ thông tin, kỹ năng, cách xử lý các tình huống cụ thể. Chính nhờ tham gia mạng xã hội, chúng ta có thể học được nhiều kỹ năng cơ bản và cần thiết trong cuộc sống.
Những lợi ích đó đối với cán bộ, đảng viên là rất tích cực không chỉ cho cá nhân từng người mà còn cho cơ quan, tổ chức.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng có có nhiều tác hại không nhỏ:
Thứ nhất, tiếp cận những thông tin sai sự thật. Bên cạnh nhiều thông tin hay, bổ ích, đúng sự thật thì nạn tin giả (fake news) cũng rất nhiều. Vì nhiều lý do, thông tin giả được tạo ra một cách có chủ đích hoặc vô ý, được đưa đến những người đọc cả tin và chính họ góp phần phát tán thông tin đó lan rộng mạnh hơn, xa hơn, có thể gây ra những nguy hại cho nhiều người. Trong một số trường hợp, người tiếp nhận loại thông tin này nếu không thẩm định rõ ràng, không thận trọng, có thể bị ảnh hưởng dẫn đến hoang mang, dao động về nhận thức, tư tưởng.
Thứ hai, bị dẫn dắt, bị lôi kéo, bị lừa đảo, bị lợi dụng. Khi vướng vào một trend nào đó không tích cực, người dùng có thể bị dẫn dắt để có suy nghĩ và hành động sai trái, lệch chuẩn. Hoặc khi bị cảm xúc chi phối từ những luận điệu, thông tin không đúng, người ta cũng có thể có thái độ sai lệch về một vấn đề nào đó.
Ở mạng xã hội, tâm lý đám đông lắm khi thúc đẩy người bị “lạc vào” và không thoát ra được, dẫn đến có suy nghĩ và hành động theo đám đông kia mà không phải trường hợp cũng đúng đắn, tích cực. Mặt khác,người dùng mạng xã hội còn có thể bị chiếm tài khoản hoặc bị mạo danh để thực hiện hành vi lừa đảo ngay với chính mình hay người thân, bạn bè của mình. Hoặc việc đưa thông tin, hình ảnh cá nhân, gia đình lên mạng xã hội một cách thường xuyên cũng có thể bị kẻ xấu lợi dụng thực hiện các ý đồ nào đó sai trái, kể cả về chính trị.
Thứ ba, dễ dẫn đến việc say sưa các giá trị ảo. Một số người dễ sa vào xu hướng “câu view”, “câu like” (luôn muốn có nhiều người xem, nhiều người bày tỏ thái độ yêu thích…) và bất chấp mọi phương cách để tạo ra các thông tin, hình ảnh càng được nhiều view, nhiều like càng tốt, kể cả chấp nhận những hành động sai trái. Đôi khi, chỉ vì “những lời nói có cánh” trên mạng xã hội mà có người dường như ra rời đời sống thực, bỏ qua các giá trị thực tế (kiến thức, kỹ năng, các mối quan hệ thân tình, các giá trị mang tính chuẩn mực…).
Thứ tư, thúc đẩy xu hướng bạo lực, chỉ trích. Không ít người dùng mạng xã hội hiện nay thích công kích người khác hoặc cổ vũ sự công kích của người khác đối với cá nhân, tổ chức, thậm chí cả với Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, một số người luôn có xu hướng thiếu trung thực trong đánh giá, nhận xét, lại hay làm người phán xét, luôn tự nhận mình là đúng đắn, còn ý kiến của người khác là sai trái…, dẫn đến trạng thái công kích nhau.
Thực tế đó cho thấy, sử dụng mạng xã hội không phải là hoàn toàn vô bổ, cũng như không phải hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng. Là cán bộ, đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn.
Thứ nhất, không nên cả tin với những gì đọc được trên mạng xã hội. Mạng xã hội có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám” và không phải điều gì trên mạng xã hội cũng đáng tin. Có rất nhiều điều chỉ là sự gán ghép vô tội vạ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là có ác ý của ai đó, về một cá nhân nào đó. Hoặc có những điều bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý chính trị rõ ràng hay đơn giản chỉ là một trò đùa của một người nào đó.
Còn rất nhiều thông tin khác liên quan đến các vị lãnh tụ của Đảng, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, về tình hình biển Đông, về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc… cũng thường có những thông tin sai lệch hoặc những gán ghép có ý đồ xấu, nếu người đọc không tỉnh táo, không thận trọng mà tin theo thì có khi rất tai hại, không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác.
Thứ hai, không chia sẻ, trích dẫn khi không chắc chắn về độ chính xác.Mạng xã hội cho phép người dùng về cơ bản là tự do đăng tải, trích dẫn, chia sẻ rất nhiều loại thông tin, hình ảnh, tư liệu. Gần đây, một số dịch vụ mạng xã hội có tính năng “lọc”, là một hình thức kiểm duyệt, như Facebook sẽ hạn chế cho đăng những hình ảnh, video clip có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục hay có tính chất bạo lực. Thế nhưng, với các nội dung khác, các mạng xã hội gần như không kiểm duyệt và trên thực tế cũng không thể kiểm duyệt. Do đó, người sử dụng cần phải thận trọng với tất cả các thông tin, hình ảnh mà mình chia sẻ, trích dẫn, để tránh đưa những thông tin không chính xác hoặc vốn là thông tin có dụng ý xấu của ai đó.
Thứ ba, nên nghĩ về hậu quả đối với bất kỳ hành vi nào.Một số người sử dụng mạng xã hội cho rằng “mình thích thì mình đăng thôi”, nhưng không phải trường hợp nào cũng có lợi hoặc đơn giản là vô hại. Đôi lúc, có người chọn phương án là “để đây và không nói gì”, chẳng hạn đưa đường dẫn (link) của ai đó cho rằng một lãnh đạo Việt Nam bị đầu độc, về một người Việt Nam vi phạm trong nước trốn ra nước ngoài và bị bắt cóc đưa về nước xét xử…, hàm ý rằng “người ta nói vậy, chứ tôi không nói”.
Thế nhưng, nếu người đưa thông tin đó là cán bộ, đảng viên thì thực sự bản thân muốn nói điều gì, muốn thể hiện quan điểm như thế nào qua việc chia sẻ này, chứ không thể nói đó là “đưa chơi chứ không có ý gì”. Bởi với những thông tin chưa được kiểm chứng, không xác định được đúng sai, mà dẫu có xác định được đúng sai, nhưng với trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên với tổ chức đảng, với chế độ, việc đưa thông tin như vậy là không phù hợp, rất bất lợi về nhiều mặt. Do đó, mỗi status, mỗi bài viết được đăng công khai thì đều cần nghĩ đến hậu quả và tác động của nó.
Thứ tư, cần những quy tắc khi sử dụng mạng xã hội.Dù với một số người sử dụng mạng xã hội chỉ là “chơi thôi”, nhưng trên thực tế để cuộc chơi đó đúng pháp luật và các quy định khác, không vi phạm thuần phong mỹ tục và thể hiện được tinh thần văn hóa, văn minh trong không gian mạng, rất cần những quy tắc nhất định.
Cuối năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” với những tiêu chí: Tôn trọng - Trách nhiệm - Lành mạnh - An toàn.
Theo đó, đối với người sử dụng mạng xã hội, tiêu chí Tôn trọng là phải tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng bản thân mình; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền tự do và riêng tư cá nhân. Tiêu chí Trách nhiệm là công khai sự xuất hiện của mình trên mạng xã hội bằng cách sử dụng đúng thông tin cá nhân, tổ chức; có trách nhiệm phát hiện, thông báo và phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý, ngăn chặn và đấu tranh loại bỏ các nội dung thông tin xấu, độc, các tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực.
Tiêu chí lành mạnh là ứng xử, tương tác trên mạng xã hội phải tôn trọng các giá trị đạo đức, giá trị văn hóa, giá trị tinh thần, phong tục - tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; luôn hành xử mang tính xây dựng, hướng về cái tốt, suy xét cẩn trọng đối với các tương tác trên mạng xã hội; bảo đảm những gì đăng tải là sự thật.
Không đăng tải, chia sẻ những thông tin xấu, độc. Tiêu chí An toàn là không được tương tác trên mạng xã hội nội dung thông tin bí mật của Nhà nước, thông tin liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự xã hội mà chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép, xác nhận; thông tin cá nhân và mật khẩu phải được bảo mật, không được chia sẻ cho cá nhân tổ chức khác…
Xét cho cùng, những quy tắc trên có thể áp dụng cho tất cả những người sử dụng mạng xã hội mà cán bộ, đảng viên phải hết sức chú ý nêu gương.
Thứ năm, bản thân tự lập các quy tắc.Trong khi mỗi người có thể áp dụng các quy tắc ứng xử khi sử dụng mạng xã hội theo nghề nghiệp và tổ chức mà mình tham gia, bản thân các cán bộ, đảng viên có thể tự lập các quy tắc phù hợp cho bản thân mình. Các quy tắc này nên đồng thời hướng đến trách nhiệm của công dân đồng thời là trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên phải tuân thủ các điều lệ, nội quy của tổ chức và cơ quan mà mình là thành viên.
Một số lưu ý trong việc xây dựng các quy tắc của bản thân trong quá trình sử dụng mạng xã hội gồm:
Một là, điều mình nêu có lợi hay có hại cho ai. Bất kỳ điều gì mình đăng tải hay chia sẻ trên mạng xã hội phải luôn hướng tới có lợi hay có hại cho ai không, bằng một tinh thần, thái độ hết sức trung thực và khách quan. Điều lý tưởng sẽ là có lợi cho bản thân và cho nhiều người khác, điều ít nhất cũng phải bảo đảm là không có ai cho ai, kể cả những điều mà mình cho là vô thưởng vô phạt. Nếu có chi tiết hay yếu tố nào có thể gây hại cho ai đó thì cân nhắc có đăng tải hay không. Do đó, các thông tin có thể gây bất lợi cho cơ quan, tổ chức (kể cả điều đó đã được thông tin công khai) thì cũng nên thận trọng khi đăng tải lại.
Hai là, điều mình nêu có đúng không. Bất kỳ thông tin nào muốn đăng tải sau khi xác định yếu tố có lợi hay không thì bản thân phải kiểm chứng để bảo đảm rằng đó là thông tin chính xác. Do đó, không nên tùy tiện, dễ dãi trong việc chia sẻ, dẫn lại các thông tin từ các trang khác mà chưa phối kiểm hoặc từ những nguồn có thể bị mạo danh. Cần lưu ý rằng, với các kỹ thuật hiện tại, việc ngụy tạo các thông tin, hình ảnh hoặc tạo ra các nguồn giống như thật là khá dễ dàng, nên không vội tin ngay bất cứ điều gì mình đọc được.
Ba là, bảo đảm tính bảo mật. Điều này thể hiện rõ trách nhiệm của một cán bộ, đảng viên khi đăng tải các thông tin, hình ảnh có thể làm lộ, lọt các thông tin, tài liệu của cơ quan. Bên cạnh việc tuân thủ các quy định về bảo mật (như không đưa công khai các tài liệu có dấu “mật” các loại, các tài liệu lưu hành nội bộ), bản thân cán bộ, đảng viên phải luôn chú ý đến các thông tin tài liệu liên quan đến công việc cụ thể, đến cơ quan…, nhất là các thông tin đó có thể gây ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Bốn là, thúc đẩy những điều tích cực. Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải là luôn thúc đẩy người sử dụng mạng xã hội và môi trường không gian mạng ngày càng lành mạnh hơn, tích cực hơn. Trong điều kiện cụ thể của mình, “mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia mạng xã hội phải giữ vai trò là lực lượng nòng cốt đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực và xem đây là giải pháp thường xuyên, lâu dài”. Nếu chưa tác động đủ để người đọc, người xem có hành động tích cực thì cũng nên tạo cho họ có nhận thức, tình cảm tốt đẹp.
Quy tắc của các tổ chức, đoàn thể.
Trên thực tế, mỗi người luôn đồng thời đóng nhiều vai trò khác nhau nên ở từng vai trò đó sẽ phải thực hiện các quy tắc ứng với từng vai trò của mình. Do đó, các tổ chức, đoàn thể rất cần thiết có quy tắc về sử dụng mạng xã hội dành riêng cho các thành viên của mình. Quy tắc này nên hướng đến một số nội dung sau:
Thứ nhất, bảo đảm tuân thủ quy tắc, điều lệ, nội quy của đoàn thể, tổ chức. Thí dụ, là đảng viên thì không được nói, viết trái với chủ trương, đường lối của Đảng; nếu cần đề đạt các ý kiến, hiến kế thì phải theo các hình thức và phương pháp phù hợp; không nêu những điều bất lợi cho Đảng; phải luôn thể hiện tính đảng, mà “Tính đảng là gì? Một là: Phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Hai là: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”. Hay một công chức không thể sử dụng thời gian làm việc để sử dụng mạng xã hội hoặc đăng tải các thông tin không phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của mình…
Thứ hai, đề cao tính tiên phong, gương mẫu. Cán bộ, đảng viên, đoàn thể, hội viên… là những người cần thể hiện tính gương mẫu trong thực hiện các chức trách nhiệm, nhiệm vụ, đồng thời trong vai trò là công dân. Mỗi status của cán bộ, đảng viên nên và phải mang một nội dung, thông điệp gì đó tích cực, có tác động tốt đến người đọc.
Thứ ba, thể hiện đầy đủ tính kỷ luật nghiêm minh. Quy tắc bên cạnh nêu yêu cầu, trách nhiệm, những điều nên làm và những điều không nên (không được) làm đối với cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên… thì phải nêu rõ các biện pháp xử lý kỷ luật (hình thức chế tài) đối với các vi phạm. Việc nêu nội dung kỷ luật cũng là một hình thức nhắc nhở, cảnh báo đối với hoạt động sử dụng mạng xã hội của cán bộ, đảng viên, đoàn viên…
Tóm lại, khi ứng xử với mạng xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên nên nhìn rõ mặt tích cực và tiêu cực của nó và khi tham gia mạng xã hội cần quan tâm phát huy mặt tích cực và hạn chế mức thấp nhất các yếu tố tiêu cực.
Gần đây, đã có nhiều người nêu lên cụm từ “sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm”, “sử dụng mạng xã hội thông minh”, đây thực sự nên là một phương châm của mỗi cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải sử dụng mạng xã hội sao cho an toàn, tránh bị lợi dụng hoặc vô ý làm “tay sai” cho các thế lực xấu bằng sự thiếu hiểu biết của mình, cũng như luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về không gian mạng.
Bên cạnh đó, nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên là phải sử dụng mạng xã hội để làm lan tỏa những điều tích cực, không vô tình hay cố ý phát tán các thông tin xấu độc, đồng thời phải mạnh dạn phê bình, phản bác, đấu tranh với các thông tin sai trái, các quan điểm sai lầm, các luận điệu xuyên tạc…
Hơn bao giờ hết, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tỉnh táo, sáng suốt trong việc thực hiện chức trách của mình với non sông đất nước; phải trở thành nhân tố nòng cốt trong xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân; phải trí tuệ, bản lĩnh, khôn khéo, linh hoạt, tự tin, bền chí, kiên cường trong đấu tranh trên mạng xã hội. Mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình khi tham gia mạng xã hội, nhằm tạo ra một hợp lực đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin sai lệch, xấu xa của thế lực phản động...
Đó là cách ứng xử phù hợp của cán bộ, đảng viên đối với mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Phạm Thanh Đông
Phòng DVKHTC
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chi nhánh Hải Phòng
23:13 03/01/2025
14:35 01/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh