Tháng Bẩy âm lịch – khúc dạo buồn của thương mại, dịch vụ

08:02 01/09/2021

Dù đã qua Rằm tháng Bảy (AL), theo lệ tục thì cũng đã hết “Vu Lan” và “xá tội vong nhân”, kể cả trận mưa lịch sử ngày 26-8 xem như báo hiệu rõ nét sự chuyển mùa, nhưng đối với thị trường hàng hóa “tháng cô hồn” vẫn tạo áp lực lớn. Phần lớn do những quan niệm duy tâm truyền thống, dẫn đến không khí mua sắm bị hạn chế, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh covid-19 vốn đã rất ảm đạm, trở thành nỗi buồn “kép” cho cả ngành thương mại, dịch vụ.

Vật liệu xây dựng cũng tiêu thụ chậm do yếu tố tháng Ngâu

          Ngày công cao, thợ xây vẫn đói

Ngồi co trong căn lều bạt dựng tạm, đồ đạc kê trên nền gạch xếp thô ẩm lép nhép do trận lụt ngày 26-8 vừa qua gây ra, ông K. ở ngõ Nam Pháp (quận Ngô Quyền) cho biết, nhà ông khởi công được gần hai tháng, lên lịch đổ mái tầng hai thì gặp đợt mưa đầu tháng phải hoãn. Vì là tháng Bảy không chọn được ngày nào tốt nữa nên ông K. đành đợi qua tháng Ngâu, định cho thợ trát bả hoàn thiện tầng một, nhưng gặp trận mưa lớn cũng không làm được.

Ông K. cho biết thêm, không chỉ chủ nhà khổ mà chủ thầu và thợ cũng khổ, ký hợp đồng làm khoán, chỉ nhỡ gẫy một ngày “hoàng đạo” mà cả chuỗi thời gian phải ngồi chơi xơi nước. “Dù là khoán, nhưng nhà ở liên quan đến cả cơ nghiệp và sự sống chết của gia chủ, không duy tâm không được, nên anh em thợ họ cũng phải thông cảm…” – ông K. ngậm ngùi nói.

Còn ông H.- thợ xây nhà cho ông K thì tâm sự: “Mấy anh em đến đây đã thuê nhà trọ ở, nhận việc nơi khác hay quay về quê đều cơ nhỡ, hoàn cảnh này dân thợ cũng quen rồi, mang tiếng làm cả tháng nhưng chẳng được mấy ngày công, công cao mà không đủ tiền ăn...”.

Cùng tâm trạng, chủ thầu công trình nhà ông K. có tên là B. chia sẻ, là chủ thầu xây dựng nhỏ, mấy năm nay ông B. chủ yếu trông vào các công trình dân sinh. Không kể do thời tiết, mà tâm lý chung tháng Ngâu rất ít nhà động thổ hay cất nóc, ngay cả những công trình đã thi công từ trước, đối với công trình nhà ông K. cũng vậy, đợt này ông B. cũng phải cho thợ nghỉ dài ngày.

Đặc thù nghề này là thế, nếu gặp mưa thì cả việc xây, trát, sơn tường hay lắp đặt hệ thống điện nước đều khó, còn những việc liên quan đến tâm linh phải phụ thuộc vào chủ nhà.

Khổ nữa, ông B. còn vướng vào mảng kinh doanh nhà ở, có mấy công trình tự xây tự bán ở quận Ngô Quyền. Cuối tháng trước, có một đôi vợ chồng lo cưới vợ cho con, gặp dịch Covid-19 phải hoãn cưới nhưng vẫn mua nhà cho dâu – rể ở trước, họ mặc cả giá mua 1 căn 1,6 tỷ đồng, lo đủ tiền đặt cọc thì bước sang tháng Ngâu, bà vợ nhất định không dám giao tiền. Ông B. cười buồn: “Họ hẹn đầu tháng Tám (AL) mới quay lại, nhưng đêm dài lắm mộng, biết đâu được…”.

Các gian hàng điện máy vắn khách đến mua sắm

Hàng điện máy, gia dụng… “đắp chiếu”

Không biết tự bao giờ, tháng Bảy (AL) được dân gian gọi là tháng Ngâu hay “tháng cô hồn”, bị cho là thường xẩy ra những điều không may mắn. Từ tập tục đó mà thị trường hàng hóa cũng phải lệ thuộc theo, khi nhiều người kiêng mua sắm các đồ đắt tiền vào thời điểm này.

Một khách hàng tên là D. ở khu tập thể Cầu Tre cho biết, năm trước đúng tháng Ngâu chồng chị đi sắm bếp gas vì thấy giá rẻ, nhưng chỉ dùng vài ngày thì bị rò gas bùng lửa tí nữa thì thiêu trụi cả nhà, rồi sau đó đến lượt nồi cơm điện cũng hỏng…? Khổ thế, rủi ro có thể là ngẫu nhiên, nhưng gặp điều gì tổn hại người ta cũng đổ cho tháng Ngâu như vậy đấy.

Thời điểm nay, trước hết nhìn vào thị trường xe máy, khảo sát cho thấy, dù nhiều nhà phân phối tung ra các chiêu nhằm kích cầu tiêu thụ, nhưng mức độ tiêu thụ vẫn rất chậm. Theo ông Nguyễn Văn L., chủ một doanh nghiệp kinh doanh xe máy có cửa hàng trên đường Tô Hiệu, vì xe máy là phương tiện giao thông nên người mua càng cẩn thận, “Ai chẳng cầu mong được an toàn, tránh những rủi ro trên đường…”, ông L. nói.

Tại cửa hàng của ông L., tình từ đầu tháng Ngâu số lượng xe bán ra chỉ bằng 1/3 so với cùng thời điểm của tháng trước. Ông L. chia sẻ thêm, tại thời điểm này mọi năm, dù kiêng kị nhưng lượng người đến mua xe vẫn đông hơn năm nay, trong đó bán chạy nhất là xe động cơ dưới 50CC và xe điện cho đối tượng chuẩn bị vào năm học mới.

Nhưng năm nay phàn vì dịch bệnh Covid-19 chưa rõ lịch nhập trường, lại thêm tập tục tháng Ngâu, ngay cả phân khúc này cũng không được như kỳ vọng. Lẽ đương nhiên, tiêu thụ chậm, giá giảm cũng đồng nghĩa với việc các đại lý chính hãng phải chấp nhận giảm hoa hồng được hưởng, thậm chí có mẫu chấp nhận bán bằng hoặc thấp hơn giá đề xuất của nhà sản xuất.

Ở góc độ khác, đó là thị trường hàng điện máy, do tính chất công nghệ, với giá trị kinh tế không nhỏ, thời gian sử dụng lâu, nên thiết bị điện máy là một trong những nhóm hàng “khó” kinh doanh nhất.

 Bởi vậy khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, phân khúc sản phẩm này đã chìm sâu trong ảm đạm, bị coi là nhóm giảm phát mạnh nhất trên thị trường thời gian qua. Mức độ cạnh tranh cũng vì thế mà khốc liệt hơn, hiển hiện rõ nhất là những chương trình khuyến mại, trong tháng “cô hồn”.

Tại khu vực đường Lê Hồng Phong, nơi tập trung khá nhiều siêu thị điện máy, siêu thị nào cũng đưa ra những chương trình khuyến mại rầm rộ. Trong đó nhiều mặt hàng từ xoong chảo, nồi cơm điện đến ti-vi, máy giặt, điều hòa được quảng bá giảm giá tới 50%.

Bên cạnh các sản phẩm giá trị lớn, khách hàng có thể mua những vật dụng đang có giá rất rẻ như chuột máy tính không dây 70 nghìn đồng/bộ, bộ nhớ ngoài USB Kingston 16GB chỉ 150 nghìn đồng/bộ…

Mặc dù vậy, theo một nhân viên bán hàng thì nhóm hàng chủ công của siêu thị mà nhân viên này đang phục vụ vẫn đặt hy vọng tiêu thụ mạnh vào Ti-vi, điều hòa, tủ lạnh, máy tính, điện thoại di động…

Một phần vì sau đợt mưa cục bộ, thời tiết còn nắng nóng kéo dài nên nhu cầu mua sắm hàng thời vụ vẫn cao, một phần đây là thời điểm chuẩn bị năm học mới, nhóm hàng máy tính cũng là sự quan tâm của đông đảo sinh viên.

Tại thời điểm này, các siêu thị bán đồ gia dụng vẫn tiếp tục mở các đợt khuyến mại mạnh mẽ, nhằm tìm kiếm “phao” cứu sinh để khỏi bị chìm. Nhưng cũng không ít các nhà kinh doanh điện máy vẫn đang tìm cách phá vỡ lệ tục cũ, mở hướng “mưa rơi – vẫn chơi” dù trình tháng Ngâu vẫn còn gần nửa chặng.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông