14:42 07/05/2020 Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đặt dấu chấm hết cho sự đô hộ của người Pháp suốt gần 100 năm tại Việt Nam. Nhưng với vị thế chiến lược, Hải Phòng được chọn làm nơi tập kết 300 ngày theo hiệp định Geneve, trở thành địa phương giải phóng muộn nhất miền Bắc. Đây là quãng thời gian khá dài để người Pháp có điều kiện triệt thoái nguồn lực của thành phố, với việc di dời hoặc phá hủy các cơ sở kinh tế.
Hải Phòng khẳng định vị thế trung tâm kinh tế vùng duyên hải Bắc Bộ
Từ buổi đầu tiếp quản
Buộc phải rút khỏi thành phố Hải Phòng, người Pháp cố ý phá hoại thành phố Cảng, chúng muốn di chuyển hoặc phá huỷ hết tài sản máy móc, thiết bị tài liệu quan trọng với mưu đồ để lại một thành phố “chết”. Chúng hối hả vận chuyển máy móc, nguyên liệu vào Nam, triệt tiêu mọi cơ sở vật chất kỹ thuật không để lọt vào tay cộng sản.
Khi lực lượng cách mạng vào tiếp quản Hải Phòng ngày 13-5-1955, những nhà máy điển hình như cơ khí “Ca-rông”, “Com-ben”, “Sắc-rích”… chỉ còn lại đống đổ nát. Chưa kể một phần không nhỏ đội ngũ thợ lành nghề, doanh nhân giỏi đã di tản sang phía bên kia vĩ tuyến 17.
Nhưng với những nỗ lực diệu kỳ, các cơ sở kinh tế thành phố đã nhanh chóng được phục hồi. Hệ thống cảng biển với nền tảng “6 kho” hoạt động trở lại, nhà máy xi măng tiếp tục nhả khói với sản phẩm mang thương hiệu “rồng xanh” nổi tiếng. Điển hình trong giai đoạn đầu của công cuộc tái thiết, chỉ 5 tháng sau ngày giải phóng, nhà máy cơ khí Duyên Hải đã được thành lập, trên nền tổ hợp cơ khí “Rô-be” cũ, mở đường cho sự nghiệp mới.
Nằm trong sự vận động của kế hoạch 3 năm (1958-1960) do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động, các cơ sở kinh tế Hải Phòng đã đóng góp chủ đạo, giúp tỷ trọng công nghiệp trong nền kinh tế miền Bắc tăng từ 16,9% lên 40%. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất tiến hành cải tạo kinh tế, đưa miền Bắc tiến lên CNXH, cơ khí Duyên Hải đã trở thành lá cờ đầu của phong trào thi đua trong ngành công nghiệp.
Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, dù bị tàn phá nặng nề cũng như mất mát to lớn cả người và của cho cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhưng Hải Phòng đã nhanh chóng bước vào công cuộc tái thiết. Bước ra từ cuộc thử thách lớn, Hải Phòng đã tìm ra hướng phát triển mới, là một trong những địa phương luôn đi đầu cả nước về tinh thần quả cảm vượt khó và sáng tạo.
Từ cuộc kháng chiến chống Pháp với “Cát Bi rực lửa”, trong kháng chiến chống Mỹ phá tan âm mưu phong tỏa, đứng vững với chiến trận “Điện Biên Phủ” trên không, cho đến chiến lược đi trước đón đầu trong thời kỳ “khoán mới”… Đảng bộ và nhân dân thành phố đã phát huy cao độ truyền thống cách mạng vẻ vang, giành được nhiều thành tựu quan trọng. Thực tiễn này của Hải Phòng đã “Góp phần vào quá trình hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng”, như khẳng định của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Dây chuyền sản xuất tại Tổ hợp công nghiệ Vinfast (Hải Phòng)
Bứt phá quá trình thực hiện cơ chế mở
Nhìn lại 30 năm đổi mới, đặc biệt là 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị, điểm nhấn quan trọng đã được Hải Phòng vận dụng sáng tạo vào thực tiễn.
Tổng kết 15 năm triển khai thực hiện NQ32, Bộ Chính trị thống nhất đánh giá: Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, phát triển mạnh mẽ hơn, nhanh và bền vững hơn. Trong đó kinh tế Hải Phòng tăng trưởng khá cao, bình quân gấp 1,68 lần; quy mô kinh tế gấp 4,27 lần; giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người gấp 1,54 lần… bình quân cả nước.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế của Hải Phòng chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, khẳng định là thành phố cảng, đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.
Có thể nói, Thành phố đã hướng tới những mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
Với những bài học kinh nghiệm đúc rút từ thực tiễn trong những năm qua, cùng với cơ chế đặc thù vừa được Trung ương áp dụng, Hải Phòng càng củng cố thêm niềm tin để tiếp tục trên lộ trình vươn ra biển lớn. Đây chính là quan điểm chủ động, là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Hải Phòng có một hành trang khá xôm tụ đạt được từ giai đoạn vừa kết thúc. Về tầm nhìn, thành phố đã đề ra những nhiệm vụ cốt lõi cho từng lĩnh vực cụ thể.
Trên nền tảng ấy, thành phố đang hướng tới những mục tiêu mang tính bền vững trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Đánh giá về kết quả này, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nêu rõ, thành phố đã giải quyết được một khối lượng công việc rất lớn mang tính toàn diện, củng cố vững chắc trên lộ trình phát triển.
Đó là kết quả đúng đắn của các biện pháp quản lý, chỉ đạo mang nhiều tư duy và hành động đổi mới. Các nút nghẽn cản trở sự phát triển đang từng bước được tháo gỡ, tiềm năng của thành phố dần được khơi dậy, một Hải Phòng năng động, sáng tạo, cởi mở, thân thiện đang dần được khẳng định.
Điều quan trọng là chúng ta đã nhận diện đúng thực trạng, tự tin với thành tựu, đánh giá đúng tiềm năng và thách thức, phát huy nội lực và tranh thủ sự hỗ trợ từ ngoại lực để đi lên và vươn xa.
Lê Minh Thắng
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh