08:24 06/06/2023 Ngày 5-6, Quốc hội thảo luận tổ về các dự án: Luật Nhà ở (sửa đổi).Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng thảo luận tại tổ 4 cùng đoàn Cà Mau, Lai Châu, Thừa Thiên- Huế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu dự thảo luận tổ.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi các Luật. Đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tham gia hoàn thiện dự án Luật.
Cần thống nhất cơ chế quản lý nhà nước về tài nguyên nước
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về việc làm sao đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước trong khi đến hơn 60% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài?
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc nghiên cứu quy định về việc sử dụng nước tiết kiệm là rất quan trọng, nên cần coi nước ngầm, nước mặn, nước ngọt, nước lợ, thậm chí nước thải cũng được coi là tài nguyên. Do vậy, trong định nghĩa về tài nguyên nước cần được tiếp thu toàn diện để giải quyết vấn đề đặt ra của kinh tế tuần hoàn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý "nước mặt", vấn đề này hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Từ bài học của thành phố Hà Nội, sử dụng 100% nước sạch được sản xuất từ nước mặt, trong khi không có hệ thống quan trắc để giám sát an toàn nguồn nước, nên khi gặp sự cố ô nhiễm nguồn nước mặt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh, an toàn nguồn nước.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này cần điều chỉnh bổ sung quy định quản lý nước mặt. Cùng với đó là việc hoàn thiện bổ sung thêm quy định về vấn đề tưới tiết kiệm, bởi tại Việt Nam kỹ thuật tưới tiêu còn rất lãng phí nước.
Nhấn mạnh về vấn đề quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đặc biệt là vấn đề hợp tác quốc tế quản lý tài nguyên nước như tiểu vùng sông Mê-kông, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: hiện quy định của pháp luật giao quản lý lĩnh vực tài nguyên nước đang quá phân tán, gây phức tạp trong quản lý.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Trong dự án Luật này nên quy định cho rành mạch chức năng nhiệm vụ cho quản lý nhà nước. Chính phủ quản lý chung, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước và trực tiếp quản lý một số lĩnh vực khác, nên quy định rõ trách nhiệm của các bộ theo hướng tập trung hơn, tránh gây phức tạp trong quản lý và cần thiết xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành quản lý lưu vực sông...”.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng) tham gia 3 ý về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Theo đại biểu, vấn đề tài nguyên nước liên quan ở nhiều văn bản Luật khác nhau, do đó Ban soạn thảo cần rà soát kỹ, tránh việc một nội dung quy định ở nhiều văn bản pháp luật, khác nhau, dễ dẫn tới mâu thuẫn, xung đột, không để xảy ra tình trạng sau khi Luật ban hành lại phải sửa đổi. Chương 3 của dự thảo Luật quy định về thẩm quyền xử lý, nhưng chưa quy định phân rõ thẩm quyền của từng cấp, dễ vướng mắc trong quá trình triển khai. Ngoài ra, dự thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn về hành vi vi phạm trong bảo vệ, quản lý tài nguyên nước.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành quản lý lưu vực sông. Đại biểu đề xuất quy hoạch quản lý lưu vực sông theo vùng và cần thiết thành lập một Ủy ban điều phối lưu vực sông theo cơ chế phối hợp liên ngành. Nên quy định nguyên tắc trong Luật, đây là vấn đề rất quan trọng nhằm đảm bảo nn ninh nguồn nước, gắn đảm bảo an ninh quốc gia khu vực biên giới.
Quan tâm về nhà ở cho người lao động
Thảo luận về Luật Nhà ở, đại biểu Lã Thanh Tân, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Hải Phòng nêu tại khoản 3, Điều 5 dự thảo quy định về hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hoặc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng nhà ở không theo quy hoạch xây dựng, chương trình kế hoạch phát triển nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Đại biểu đề nghị cần bổ sung các quy hoạch khác như quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất..., để bảo đảm đồng bộ với các quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng.
Về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội được quy định tại Điều 75 dự thảo Luật, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung đối tượng là người lao động làm việc cho doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp; giữ nguyên ưu đãi cho doanh nghiệp tự lo chỗ ở cho người lao động ngoài khu công nghiệp, ngoài hình thức thuê nhà, mua nhà hoặc đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định tại Điều 59 Luật Nhà ở năm 2014; kiến nghị chính sách xây nhà ở cho nhân viên đối với người lao động trong các doanh nghiệp dịch vụ.
Ngoài ra, về Điều 196 dự thảo Luật quy định chuyển tiếp áp dụng sau khi Luật Nhà ở mới được ban hành, có hiệu lực, đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị bổ sung thêm 1 khoản. Cụ thể “ đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị đã lựa chọn chủ đầu tư thuộc diện phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, đồng thời trong quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết chưa bố trí quỹ đất 20% dành để xây dựng nhà ở xã hội mà sau thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì cho phép chủ đầu tư không phải bố trí quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội”. Quy định này nhằm bảo đảm nguyên tắc tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp quy định của Luật Đầu tư, theo đó trong trường hợp quy định chính sách, pháp luật mới có quy định ưu đãi hơn thì được áp dụng quy định đó.
Đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hải Phòng) đề nghị Điều 73 của dự thảo Luật cần quy định bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ nhà ở xã hội là trường hợp di dân ra các đảo theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Như tại đảo Bạch Long Vĩ, sau 30 năm thành lập, nhưng người dân trên đảo chưa có nhiều chính sách hỗ trợ khi xây dựng nhà ở.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đề nghị sửa đổi một số từ ngữ trong dự thảo để bảo đảm ngắn gọn, chính xác, cách hiểu thống nhất.
Đại biểu Tống Văn Băng đề xuất dự thảo Luật nên xem xét, đánh giá, mở rộng phạm vi, các trường hợp được thuê nhà ở công vụ. Vì hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ và nếu không thuộc trường hợp thuê nhà ở công vụ sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong thực tế.
Từ thực tế, dự thảo Luật nên có quy định, có cơ chế hỗ trợ về nhà ở đối với lao động di cư; tháo gỡ vướng mắc về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với trường hợp nhà ở chung cư mi ni tự phát; có chính sách khuyến khích để huy động nguồn lực xã hội, của người dân tham gia xây dựng, phát triển nhà ở dành cho công nhân, người lao động chung quanh các khu, cụm công nghiệp; quy định cụ thể hơn, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân...
Hồng Thanh
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh