Thầy cô thay đổi vì một trường học hạnh phúc

    16:24 30/10/2021

    Mô hình Trường học hạnh phúc được lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc), được triển khai thí điểm vào tháng 4.2018 ở một số trường học tại thành phố Huế và hiện đang được nhân rộng trên địa bàn cả nước. Năm học 2021-2022, ngành Giáo dục Hải Phòng cũng như cả nước đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 phát triển toàn diện học sinh theo hướng 5 phẩm chất, 10 năng lực. Vậy một trường học hạnh phúc phải chăng không chỉ là các thầy cô giáo, các em học sinh đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc mỗi khi đến trường mà còn xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh lan tỏa đến các phụ huynh và toàn xã hội. Ngày nay, các trường trên địa bàn thành phố, các thầy cô giáo đã và đang nỗ lực mỗi ngày để thay đổi từ phương pháp giảng dạy, đến thái độ ứng xử thân thiện,hòa nhã với phụ huynh, gần gũi với học sinh nhưng vẫn trong khuôn khổ kỷ cương trường lớp, từ đó kiến tạo lên ngôi trường hạnh phúc.

    Bà Nguyễn Quỳnh Phương, Trưởng khoa tâm lý Trường Đại học Hải Phòng nói: Hạnh phúc luôn ở xung quanh mỗi chúng ta, nhưng trường học hạnh phúc thì khác. Đó là: trong mỗi giờ sinh hoạt lớp, thầy cô nên thay đổi lấy khen làm chính, phê bình là phụ, học sinh hứng thú, không nhàm chán hay là có tâm lý thấy lo lắng mỗi khi đến tiết sinh hoạt. Nhiều thầy cô có thể dễ dàng thực hiện tốt một tiết dạy chuyên môn của mình nhưng lại cảm thấy thật khó để hoàn thành tốt một tiết sinh hoạt chủ nhiệm lớp. Hay tiết sinh hoạt quá nhàm chán, đơn điệu vì tuần nào cũng lặp đi lặp lại những lời trách phạt học sinh đặc biệt, khiến giờ sinh hoạt lớp trở nên căng thẳng, áp lực cả với thầy cô và học sinh. Như chúng ta đều biết học sinh THCS thích thể hiện bản thân, thích khám phá, một số học sinh nhận thức còn yếu dẫn đến nhiều hành vi mất kiểm soát, phát ngôn những lời lẽ, hành vi lệch chuẩn đạo đức, ích kỷ, vi phạm nội quy trường lớp…Lại thêm áp lực kiến thức, áp lực của gia đình khiến các em càng thêm căng thẳng, mệt mỏi và trở nên phản ứng ngược, tự ti, mặc cảm, mất niềm tin vào năng lực bản thân, suy giảm tinh thần dẫn đến hành vi chống đối trong lớp. Về phía gia đình, nhiều bậc cha mẹ quá bận rộn với cuộc sống nên chưa quan tâm đúng mức tới tâm tư tình cảm con em mình, hay phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con em mình, đòi hỏi con quá cao cũng dẫn đến tâm lý các em cũng có chán nản, không muốn học, không muốn  cố gắng. Sự tác động của môi trường sống hiện nay cũng là nguyên nhân dẫn đến học sinh mắc lỗi, nhất là sự bùng nổ CNTT nhất là mạng xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ tới các em bởi các trò chơi mang tính bạo lực làm cho nạn bạo lực học đường ra tăng. Bản thân thầy cô cũng chịu sự áp lực từ chuyên môn, học sinh và thậm chí cả phía phụ huynh học sinh cũng rơi vào trạng thái căng thẳng thiếu cảm giác hạnh phúc thật sự.

    Chuyên gia tâm lý Nguyễn Quỳnh Phương tư vấn về cách thay đổi trường học hạnh phúc tại Trường THCS Lê Lợi

    Theo bà Quỳnh Phương thì thầy cô cùng học sinh cần thay đổi, thay đổi từ trong suy nghĩ đến hành động, để mỗi giờ sinh hoạt lớp là một cuộc diễn đàn để các em được nói những điều mình muốn nói, nghe những điều mình muốn nghe, làm những điều mình muốn làm. Thầy cô Chủ nhiệm chỉ đứng trên vai trò định hướng, học sinh làm chủ các giờ sinh hoạt lớp và các thầy cô làm nhà cố vẫn cho các em được nghe, hiểu, và thầy cô tạo môi trường cho các em bộc lộ khả năng bản thân. Thầy cô giáo cũng có thể khai thác các ứng dụng CNTT hiện nay để kết nối với phụ huynh học sinh giúp các em có thêm nhiều trải nghiệm ngay trong lớp học của mình, qua đó các em sẽ yêu quý thầy cô, thích thú với các giờ sinh hoạt lớp, tạo nên năng lượng tích cực cho việc dạy và học.

    Thầy giáo Nguyễn Minh Quý, Trường THPT Trần Nguyên Hãn chia sẻ: khái niệm về trường học hạnh phúc không phải là mới, mà trường học hạnh phúc được Trường THPT Trần Nguyên Hãn xây dựng từ năm 2017. Nhiều quan điểm đặt trường học hạnh phúc là an toàn, là cơ sở vật chất tiện nghi, nhưng với Trường THPT Trần Nguyên Hãn khái niệm “trường học hanh phúc” thiên về tinh thần, nơi đó thầy cô và học sinh được nói lên suy nghĩ của mình về ngôi trường mình đang học, đang làm việc, được tham gia các chương trình hoạt động của nhà trường. Việc mà thầy cô và học sinh được tham gia vào các hoạt động của nhà trường cũng nhằm để khẳng định giá trị bản thân mình; và trường học hạnh phúc là trường học mà thầy cô và học sinh có quyền hạn nhất định, hiểu biết sâu sắc về đạo đức và pháp luật.

    Thầy giáo Nguyễn Minh Quý luôn gần gũi,thân thiện, lắng nghe mọi ý kiến của học sinh và cán bộ giáo viên, người lao động nhà trường để xây dựng Trường THPT Trần Nguyên Hãn là trường học hạnh phúc

    Cũng theo thầy Minh Quý, Trường học hạnh phúc trước hết phải là không gian của yêu thương. Và tình yêu thương đó được thể hiện bằng những quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao dung.  Trường học hạnh phúc là nơi mà các thầy cô và học trò mỗi sớm mai đến trường đều cảm thấy an yên như bước chân về với ngôi nhà của mình, được chở che, bảo vệ, được cảm thấy an toàn cả về thể xác và tinh thần. Từ đó, nhà trường xây dựng các chương trình hành động thiết thực, đặc biệt chú trọng trang bị những kỹ năng thiết yếu cho học trò. Cùng với các hoạt động học tập, các em được trang bị thêm những kĩ năng quan trọng như kĩ năng tự vệ , kĩ năng về phòng chống cháy nổ, kĩ năng tự chăm sóc bản thân, kĩ năng chống xâm hại tình dục,kĩ năng phòng chống ma túy và tệ nạn xã hội… Đặc biệt, những chuyến học tập trải nghiệm ngoài không gian lớp học, trường học do nhà trường tổ chức đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với các em học sinh như là: Trải nghiệm học tập tại trung tâm giáo dục- lao động xã hội Gia Minh. Qua đây đã giúp các em không chỉ có kiến thức để phân biệt các loại ma túy, mà còn tác động đến nhận thức, cảm xúc của các em một cách sâu sắc khi bản thân các em chứng kiến cảnh tượng các học viên của trại cai nghiện vật vã đau đớn cắt cơn; hay là 100%  học sinh của nhà trường được tham gia khóa  học bơi lội và phòng chống đuối nước. Bên cạnh các chương trình trải nghiệm học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn còn được tham gia các hoạt động nhà trường khác như: Hội thi “Vũ điệu Trần Nguyên Hãn”; Chương trình “Lời em muốn nói” - thi sáng tác chủ đề “Mẹ - Niềm tự hào của chúng con”… Nhà trường  cũng kịp thời biểu dương những hành động đẹp, việc làm tốt của cán bộ giáo viên, công nhân viên, người lao động cùng học sinh nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy cho mỗi thầy cô và các em đều thay đổi và hướng đến những điều tốt đẹp nhất đó là xây dựng giá trị đạo đức con người. Bằng tâm huyết, sự nỗ lực không mệt mỏi, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Trần Nguyên Hãn đã và đang từng ngày khẳng định thương hiệu - ngôi trường hạnh phúc là ngôi trường không có hình phạt.

     học sinh Trường THPT Trần Nguyên Hãn quận Lê Chân trên đường đến trường đã giúp đỡ người dân gặp rủi ro về ATGT, một hành động đẹp được hun đúc từ môi trường giáo dục tốt, trường học hạnh phúc đã và đang được các em lan toả ra cộng đồng xã hội

    Ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố nói: Trường học hạnh phúc là nơi ngập tràn sự yêu thương, chia sẻ, an toàn và tôn trọng. Để có trường học hạnh phúc thì vai trò của Hiệu trưởng đặc biệt quan trọng. Người Hiệu trưởng điều hành ngôi trường với những thầy cô giáo luôn cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ từ đó được lan tỏa đến các em học sinh. Muốn học sinh thành công thì thầy cô phải thành công. Muốn học sinh hạnh phúc thì thầy cô phải hạnh phúc. Vậy, để có trường học hạnh phúc thì ngay từ bây giờ bản thân mỗi thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục phải thay đổi, từ nhận thức đến hành động, thay đổi từ những điều nhỏ nhất. Vì thế, nhiệm vụ của các thầy cô bây giờ, không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở mà đó còn là làm thế nào để trường học trở thành một nơi thú vị để các em học tập và khám phá chính bản thân mình. Đó là một mục tiêu mà tất cả những người làm công tác giáo dục đều hướng đến vì tương lai của học sinh. Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tăng cường chỉ đạo, tập huấn để cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động hiểu đủ, đúng về trách nhiệm của mình trong xây dựng trường học hạnh phúc. Mỗi nhà trường cần xây dựng, triển khai bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường để nâng cao năng lực ứng xử văn hóa trong nhà trường. Đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy, phương thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa giúp các em có cơ hội phát triển, khẳng định năng lực, giá trị bản thân. Ở đây cần chấp nhận sự khác biệt về tâm lý, thể chất, hoàn cảnh, nhưng không được phân biệt đối xử. Ngoài ra, các biện pháp giáo dục kỷ luật học trò phải tích cực, bao dung, có sự phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh cũng như các đơn vị liên quan. Mỗi trường sẽ tự xây dựng cho mình mục tiêu, sứ mệnh phù hợp với người dạy, người học và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, tất cả các cơ sở giáo dục phải làm bật lên được mục tiêu “làm cho các cá nhân, tập thể trong đó yêu trường, yêu lớp, cùng tiến bộ trên cơ sở những giá trị tốt đẹp”.  

    Tất cả vì mục tiêu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ có tri thức, trí tuệ, nhân cách là trách nhiệm của thế hệ đi trước, của cả cộng đồng, trong đó đội ngũ thầy cô giáo giữ vai trò quan trọng. Mục tiêu của giáo dục là lấy người học làm trung tâm, giúp họ phát triển toàn diện năng lực phẩm chất để ngày càng hoàn thiện nhân cách, trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là quyết tâm lớn của ngành Giáo dục thành phố nói riêng, cả nước nói chung nhằm đáp ứng những yêu cầu xã hội đặt ra hiện nay.

    Thiên An

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông