20:42 24/10/2023 Với mục tiêu chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng để phục vụ khách hàng tốt hơn nữa, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng (Điện lực Hải Phòng) đã và đang triển khai từng bước thống nhất lịch ghi chỉ số tiêu thụ điện năng của khách hàng vào ngày cuối cùng của tháng. Việc triển khai này sẽ được thực hiện có lộ trình theo từng nhóm khách hàng, từng khu vực và hạ tầng kỹ thuật, cũng như phù hợp với thực tế khai thác công tơ điện tử có đo xa cho khách hàng.
Theo thông báo số 2355/TB-PCHP của Điện lực Hải Phòng, từ tháng 9/2023 đến hết tháng 12/2023, công ty tiến hành thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ mua bán điện về những ngày cuối của tháng đối với các khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt và mục đích sinh hoạt hiện đang sử dụng điện tại trạm biến áp công cộng của bên bán điện (không có trạm riêng). Trong năm 2023 chỉ dịch chuyển 1 lần, số ngày dịch chuyển tối đa không quá 10 ngày so với lịch ghi chỉ số trước đó; đến năm 2025 sẽ tiếp tục dịch chuyển về ngày cuối cùng của tháng.
Trên cơ sở thống nhất giữa các công ty điện lực với khách hàng, việc triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số được thực hiện nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả, minh bạch, dễ hiểu trong công tác quản lý hoạt động đo đếm điện năng, ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện cho cả bên bán điện và bên mua điện.
Tính đến hết ngày17-10-2023, các đơn vị triển khai ký hợp đồng ghi chỉ số công tơ tới 452.220/525.427 khách hàng, đạt 86%. Các đơn vị triển khai thay đổi lịch ghi chỉ số công tơ của 111 trạm biến áp/1.996 Trạm biến áp ( chiếm 5,57%), tương ứng 32.299 khách hàng (6,15%). Đến nay, tiến độ thực hiện có 12 đơn vị thực hiện tỉ lệ cao từ 80-100%; 3 đơn vị Điện lực có tỉ lệ thấp nhất từ 75% đến 80%.
Điện lực Hải Phòng cho biết, trong quá trình triển khai, các điện lực trực thuộc công ty sẽ gửi thông tin về việc thay đổi lịch ghi chỉ số cũng như hướng dẫn đến từng đối tượng khách hàng cách tính toán tiền điện trong tháng có thay đổi ngày ghi chỉ số để khách hàng hiểu và cùng theo dõi, giám sát thực hiện. Đồng thời, các đơn vị ngành Điện sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách, định hướng để khách hàng thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng ngành Điện không ngừng cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa hoạt động cung cấp điện và các dịch vụ chăm sóc khách hàng trên cơ sở tuân thủ, thượng tôn pháp luật, các quy định của Nhà nước. Ngành Điện cũng cam kết theo dõi, kịp thời xử lý, giải đáp các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng trong thời gian không quá 24 giờ.
Ông Nguyễn Xuân Chở, người dân xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo chia sẻ, Chúng tôi đã nắm bắt được chủ trương của ngành điện, Công ty Điện lực Hải Phòng qua các phương tiện thông tin, truyền thông và được nhân viên Điện lực Vĩnh Bảo hướng dẫn trực tiếp tại nhà, và tại các điểm thu tiền điện. Việc dịch chuyển ghi ngày ghi chỉ số công tơ dần về cuối tháng giúp chúng tôi giám sát được điện năng tiêu thụ trong 1 tháng của gia đình, chủ động việc thanh toán tiền điện với Điện lực. Chúng tôi hoàn toàn hài lòng với chủ trương của ngành điện.
Theo Điện lực Hải Phòng, việc thay đổi lịch ghi chỉ số hỗ trợ khách hàng thuận tiện giám sát điện năng tiêu thụ hằng tháng, giúp ngành điện thực hiện hạch toán doanh thu tiền điện phát sinh đúng, đủ theo từng tháng; tuân thủ, đáp ứng đúng theo yêu cầu, quy định nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước, thể hiện đầy đủ doanh thu trong năm tài chính phù hợp với chi phí phát sinh trong năm kế toán. Kế hoạch thay đổi lịch ghi chỉ số được thực hiện có lộ trình theo từng nhóm khách hàng, từng khu vực và hạ tầng kỹ thuật, cũng như phù hợp với thực tế lắp đặt công tơ điện tử có đo xa cho các khách hàng. Việc điều chỉnh thời gian ghi chỉ số nằm trong lộ trình triển khai từng bước thống nhất lịch ghi chỉ số tiêu thụ điện năng (GCS) của khách hàng sử dụng điện vào những ngày cuối tháng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông Nguyễn Cao Thường, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng cho biết, Hiện nay Hải Phòng có khoảng gần 526 nghìn khách hàng thuộc diện thay đổi lịch GCS. Để triển khai việc thay đổi lịch ghi chỉ số theo đúng lộ trình, Điện lực Hải Phòng đã có văn bản báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các sở, ngành liên quan để tham gia chỉ đạo. Các đơn vị Điện lực trực thuộc Điện lực Hải Phòng làm việc và cùng thống nhất với khách hàng để ký kết Phụ lục sửa đổi bổ sung hợp đồng về thay đổi lịch GCS trước khi thực hiện, theo hình thức ký trực tiếp bản giấy hoặc ký bản điện tử xác nhận mã OTP, tuỳ theo điều kiện của khách hàng. Bên cạnh đó, công ty tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung thực hiện thay đổi lịch ghi chỉ số của khách hàng vào ngày cuối cùng của tháng bằng nhiều hình thức, bảo đảm 100% số khách hàng trong diện thay đổi lịch ghi chỉ số đều nhận được thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Cao Thường, trong tháng thay đổi lịch GCS, số ngày sử dụng điện của khách hàng sẽ tăng, nên sản lượng điện và mức giá thể hiện trên hoá đơn tiền điện cũng tăng. Cụ thể, do thay đổi ngày GCS công tơ điện về những ngày cuối tháng và số ngày dùng điện của khách hàng để tính hóa đơn trong tháng thực hiện dịch chuyển sẽ tăng từ 30 ngày lên 40 ngày so với trước. Đồng thời, lượng điện năng ghi nhận để tính hóa đơn tiền điện trong tháng dịch chuyển sẽ nhiều hơn so với hóa đơn tiền điện của những tháng trước. Các tháng tiếp theo đó sẽ trở lại bình thường.
Trước băn khoăn của người tiêu dùng về lượng điện tiêu thụ của khách hàng trong thời gian tăng thêm sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, Phó giám đốc Điện lực Hải Phòng khẳng định, lượng điện tiêu thụ trong 10 ngày tăng thêm cũng vẫn được tính theo bậc thang tương ứng với số ngày tăng thêm và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng điện.
Như vậy, việc chuyển đổi ngày ghi chỉ số công tơ mua bán điện về ngày cuối tháng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng sử dụng điện, cụ thể: Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, giúp khách hàng dễ nhớ, dễ giám sát, dễ kiểm tra chỉ số tiêu thụ điện theo đúng số ngày trong tháng (từ ngày 1 đến ngày cuối tháng) tương tự như hóa đơn các dịch vụ, các tiện ích khác. Thống nhất cách hiểu giữa tháng sử dụng điện trên hóa đơn tiền điện với tháng thực tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả, minh bạch, dễ hiểu trong công tác quản lý đo đếm điện năng, ghi chỉ số và lập hoá đơn tiền điện cho cả bên Bán điện và bên Mua điện, qua đó sẽ tăng năng suất lao động so với trước đây. Qua đó đáp ứng lộ trình hiện đại hóa hệ thống đo đếm, chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng góp phần nâng cao công tác quản trị trong ngành điện.
VŨ DUYÊN
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh