Thổi hồn vào gỗ

17:58 02/08/2014

 

 

: Tượng truyền thần cụ ông, cụ bà
: Tượng truyền thần cụ ông, cụ bà (theo Zing.vn)

Bằng sự tỉ mỉ, khéo léo, tài hoa…, những nghệ nhân làng Bảo Hà, xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo, có thể “thổi hồn” vào từng pho tượng gỗ, khiến những bức tượng được truyền thần sống động như đang hiện hữu, như có linh hồn…

Độc đáo nghề tạc tượng truyền thần

Làng nghề Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) có từ thế kỉ 16. Trải qua hơn 500 năm tồn tại và phát triển, đến nay các sản phẩm là hàng thủ công mỹ nghệ, tượng, đồ thờ cúng nơi đền, chùa, miếu, mạo… đã tạo được tiếng vang lớn trên khắp cả nước, không những gây ấn tượng bởi chất lượng tốt mà còn có tính thẩm mỹ cao. Bằng đôi tay khéo léo của mình, các nghệ nhân làng Bảo Hà yêu mến và gắn bó với công việc gia truyền, song họ còn biết sáng tạo để phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của nhiều đối tượng khách hàng.

Đặc biệt, nếu như trước đây các xưởng chỉ đục khắc tượng Phật thì ngày nay họ còn nhận truyền thần từ ảnh làm tượng người. Nhiều gia đình muốn làm tượng tổ tiên hay các cụ ông, cụ bà có thể đến đây đặt hàng. Quả thực, tượng truyền thần - một mảng sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân đất Bảo Hà khiến không ít người ngưỡng mộ, tán thưởng, bởi nghệ nhân thể hiện được khí chất, tính cách của những con người bình thường trên khối gỗ tưởng như vô tri…

Một bức tượng truyền thần đang vào khuôn
Một bức tượng truyền thần đang vào khuôn

Ghé thăm xưởng tạc tượng Hoàng Sầm của gia đình ông Hoàng Văn Thọ, sinh năm 1957, chúng tôi được biết ông theo nghề đã được gần 40 năm. Dưới cái nắng gay gắt của buổi ban trưa, gương mặt ông Thọ nhễ nhại những giọt mồ hôi nhưng xem ra ông chẳng hề quan tâm đến chúng. Đôi mắt ông rực sáng mải quan sát những chiếc đục rồi chốc chốc lại mài một cách thận trọng - bởi hơn ai hết ông hiểu rằng, những chiếc đục đó là chìa khóa, là sinh mạng của nghề này. “Mỗi người thợ phải có trong tay ít nhất 15 cái đục trở lên. Cái đục quan trọng phải sắc bén, nhụt thì không làm được. Thường chúng tôi tạc tượng từ gỗ mít, đây là loại gỗ rắn, chất gỗ dai, toàn lõi, bao nhiêu năm không hề mối mọt, phải mài đục sắc thì mới “thổi hồn” được cho tượng”.

Theo ông Thọ, tạc tượng truyền thần, mấu chốt là “tạc như một người thật”. Người nghệ nhân tài ở chỗ, có thể biến một khúc gỗ vô tri vô giác trở thành một “tác phẩm nghệ thuật” - đó là pho tượng có thần thái, hồn cốt. Để làm được điều này, nghệ nhân phải có nhiều năm kinh nghiệm, đã từng tự tay đúc, tạc hàng trăm, hàng ngàn bức tượng mà vẫn say nghề, yêu nghề. Từ những bức ảnh mà khách hàng đưa, nghệ nhân bắt đầu suy ngẫm, phác thảo trong tưởng tượng thứ mà mình sẽ đục đẽo, đo lường. Ông Thọ chỉ vào khối gỗ: “Chúng tôi chọn gỗ theo kích thước, chiều cao tượng khách hàng yêu cầu. Công việc đầu tiên của xưởng sẽ là bấm gỗ cho thân tượng, sau rồi tỉ mỉ đục, đẽo từng phần, cuối cùng mới chắp ghép các bộ phận của tượng lại với nhau. Tạc tượng truyền thần tốn nhiều thời gian và công sức hơn tượng Phật, mất khoảng 10 ngày để cho ra một sản phẩm hoàn thiện…”.

Nhìn ông Thọ tỉ mỉ, tập trung tạc tượng với những nhát đục mạnh mẽ, dứt khoát mới thấy sự say mê của những người trong nghề. Đối với ông, tượng truyền thần không chỉ giống hệt bức ảnh mà khách đưa, tượng còn phải có thần thái. Mỗi bức tượng được thực hiện khá chân thật, tùy theo hình ảnh mà mỗi người phản chiếu, có thể đôn hậu, chất phác, khi lại hóm hỉnh, tếu táo…, đều tùy vào bàn tay khéo léo của những “nghệ sĩ vùng quê”.

Bên cạnh đó, sau khi có tượng đã được đục đẽo thành hình thì công đoạn sơn, vẽ cũng phức tạp không kém và kéo dài nhiều ngày. Chúng tôi được cô Nguyễn Thị Nhinh, một thợ sơn có kinh nghiệm ở làng Bảo Hà, chia sẻ: Muốn “thổi hồn” cho tượng truyền thần thì bước sơn cũng phải cầu kỳ và chú trọng. Theo lời cô Nhinh, tượng gỗ đục xong thì phải khò cho cháy hết những sợi tơ, lông thừa của gỗ, sau đó dùng giấy ráp chà mạnh cho nhẵn bề mặt. Kế đến là bước sơn hom làm nền. Hỗn hợp sơn hom gồm có bột đá, dầu và sơn pha trộn theo tỉ lệ phù hợp, người thợ khéo léo quết sơn lên tượng rồi chờ 1 ngày cho sơn khô. Sau đó tới bước sơn thí đi hai nước, sơn cầm trong một ngày, xong sẽ thếp bạc cho gỗ, rồi nghệ nhân lại tiếp tục sơn phủ màu vàng lên tượng, tiếp đến mới lọng son, đóng nhỡn, và vẽ…

Đối với việc truyền thần cho tượng gỗ, công đoạn vẽ khá quan trọng và chỉ những người có tay nghề vững, có kinh nghiệm lâu năm mới đảm trách phần này. Cô Nhinh tâm sự: “Vẽ mắt, vẽ râu, vẽ tóc…, tất cả đều cần sự tỉ mỉ và công phu. Tượng người già thì vẽ tóc bạc, người trẻ thì vẽ tóc đen, rồi tới quần áo, ông quan nào thì sơn màu áo cho ông quan ấy, ảnh cụ ông, cụ bà thì sơn màu quần áo cho phù hợp với yêu cầu khách hàng… Cũng phải mất thêm từ 5-6 ngày, chúng tôi mới hoàn thành xong công đoạn sơn, vẽ cho tượng”.

Nghề thu nhập cao, thu hút nhiều lao động

Ông Thọ nay đã gần 60 tuổi nhưng cánh tay vẫn chắc nịch, rắn rỏi, vừa đục đẽo tượng, ông vừa đem tâm huyết của mình truyền cho những người thợ học nghề trong xưởng đang quan sát từng thao tác. Nay gia đình ông đã có vài ba xưởng tạc tượng trong thôn, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, song việc truyền nghề theo ông Thọ thì quan trọng là ở chí tiến thủ của học trò.

 Ông Thọ cẩn trọng mài những chiếc đục thật sắc
Ông Thọ cẩn trọng mài những chiếc đục thật sắc

Ông cười hiền: “Học sinh nào có chí thủ thì theo nhanh lắm, mất khoảng 1 năm rưỡi đã có thể tự lập được rồi. Anh nào học hành chểnh mảng, thiếu tập trung thì khó mà theo nghề”. Rất nhiều người trong thôn, thậm chí từ tận Thái Bình, Nam Định… đã tới xưởng ông học, rồi về tự lập mở xưởng riêng cũng dần dần tạo được uy tín trong nghề.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một bức tượng cỡ nhỏ cao khoảng 20-30 phân có giá dao động từ 2-3 triệu đồng. Những bức tượng cao lớn, cầu kì sẽ có giá đắt hơn. Chính vì sự tỉ mỉ, tận tâm của thợ và chất lượng tuyệt hảo của những pho tượng mà tiếng lành ngày càng đồn xa, tượng thủ công làng Bảo Hà xuất khẩu đi nhiều tỉnh thành trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài. Một nghệ nhân tiết lộ, các xưởng lớn trong làng, thu nhập không dưới 30-40 triệu một tháng.

Chính vì nghề có thu nhập cao nên thu hút nhiều lao động. Hiện nay, trong số gần 1.000 hộ làm nghề ở Bảo Hà thì có tới gần 200 hộ tạc tượng. Nhiều nhà mở hẳn xưởng sản xuất, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương… Cho đến nay, làng nghề Bảo Hà đã là một địa điểm trong chương trình "Du khảo đồng quê" của du khách mỗi khi về Vĩnh Bảo tham quan khám phá du lịch làng nghề…

Thu Ninh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông