19:38 22/04/2020
1. Tình hình dịch Covid-19:
- Thế giới: 2.574.994 người mắc trên 212 quốc gia, có 178.658 người tử vong,
- Hoa Kỳ: 819.195 người mắc; 45.343 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 208.389 người mắc; 21.717 người tử vong.
- Italia: 183.957 người mắc; 24.648 người tử vong.
- Pháp: 158.050 người mắc; 20.796 người tử vong.
- Đức: 148.636 người mắc; 5.090 người tử vong.
- Anh: 129.044 người mắc; 17.337 người tử vong.
- Thổ Nhĩ Kỳ: 95.591 người mắc; 2.259 người tử vong.
- Iran: 85.996 người mắc; 5.391 người tử vong.
- Trung Quốc 82.788 người mắc; 4.632 người tử vong.
- Nga 52.999 người mắc; 513 người tử vong.
- Việt Nam: 268 trường hợp mắc COVID-19; Chưa có BN tử vong
Đến 19h ngày 22/4/2020, đã hơn 6 ngày liên tiếp Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.
- Khỏi bệnh: 223 người; chiếm > 83% BN; còn 45 người đang điều trị;
- Hải Phòng: 0 ca mắc; 0 tử vong.
+ Có 428 trường hợp / 428 trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 có kết quả xét nghiệm âm tính; trong này hôm nay không phát sinh trường hợp nghi ngờ nhiễm
+ Có 2.438 mẫu / 2.438 mẫu sàng lọc cho các trường hợp cách ly, đã có kết quả âm tính; + Số cách ly tại cơ sở tập trung là 314 người, tại: Cao đẳng Du lịch 74 người; BV Việt Tiệp 2: 46 người; Trung tâm GDQP- Đại học HP: 134 người; Trung tâm quân sự thành phố (Thủy Nguyên): 42 người; Khách sạn Công đoàn Đồ Sơn 8 người; Khách sạn Sinh viên ĐH QL&CN: 10 người.
Ngày 22/4, Vào khu cách ly 2 người; Ra khỏi khu cách ly: 60 người
Số cách ly tại nhà: 1.142 người
2. Thông tin hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành:
1. Ngày 22/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Ban Chỉ đạo quốc gia thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc 3 nhóm nguy cơ.
Theo đó, thành phố Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao;
Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Giang thuộc nhóm nguy cơ;
Các địa phương còn lại: nhóm nguy cơ thấp;
Ban Chỉ đạo kiến nghị đối với địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao (Hà Nội) cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4). Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng cho phép chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ: Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.
Đối với nhóm nguy cơ thấp: Các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng, chống dịch của cơ sở do mình quản lý.
Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: Công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên. Tăng cường chỉ đạo phòng lây nhiễm tại các cơ sở y tế; tăng cường lấy mẫu những bệnh nhân có các triệu chứng của cảm cúm; người lao động tự do; người yếu thế; công nhân ở các khu nhà trọ làm xét nghiệm và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở khu vực này.
2. Chiều 22/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ đánh giá lại kết quả triển khai Kết luận của Thủ tướng về các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương theo 3 nhóm nguy cơ từ sau ngày 15/4 đến nay. Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận từ các bộ, ngành, địa phương và Ban Chỉ đạo, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Ban Chỉ đạo, các địa phương, nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Bộ Y tế, các bộ, ngành và toàn thể nhân dân đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, đạt kết quả đáng mừng.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục ngăn chặn dịch quyết liệt, không để dịch xâm nhập vào Việt Nam trở lại. “Phòng, chống dịch tốt ở Việt Nam, thực hiện nghiêm cách ly xã hội, nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, giải quyết việc làm và phát triển kinh tế xã hội”.
Thủ tướng nhắc lại chủ trương ngăn chặn dịch từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, chữa trị tích cực các ca nhiễm. Thực hiện nghiêm cách ly đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, người bị nhiễm, nguy cơ cao; biện pháp cách ly có thể linh hoạt, tùy theo đối tượng nhưng cần đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ. Nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch sớm.
Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm cần “xác định trạng thái bình thường mới” như đeo khẩu trang bắt buộc trong các hoạt động cộng đồng, đi học, đi chợ, tham gia giao thông...; thường xuyên rửa tay sát khuẩn; huy động khoảng cách tối thiểu giữa người với người trong các hoạt động thường xuyên; tiếp tục khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế tập trung đông người. “Nếp sống mới, văn minh, tác phong làm việc mới, một thời kỳ mới với các ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống xã hội; khẳng định khả năng tự lực tự cường của đất nước. Người có dấu hiệu ốm, sốt nên ở nhà, không đến cơ quan, đơn vị, trường học và cần làm theo hướng dẫn của bác sỹ, không được để lây lan trong cộng đồng”.
Thủ tướng cũng cơ bản đồng ý với các biện pháp nới lỏng thận trọng mà Ban Chỉ đạo đề xuất. Theo đó, phân 3 nhóm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp. Hà Nội là địa phương có nguy cơ, nhưng một số địa bàn của Hà Nội là có nguy cơ cao như Thường Tín, Mê Linh và một số nơi có nhiều ca nhiễm, thì vẫn áp dụng nghiêm chỉnh Chỉ thị 16. Với Hà Giang, thị trấn Đồng Văn là địa bàn nguy cơ cao, các địa bàn khác của Hà Giang là có nguy cơ.
3. Tại Thông báo số 141/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án sản xuất máy thở phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, việc đáp ứng đủ nhu cầu máy thở cho hoạt động khám chữa bệnh nhân là đặc biệt quan trọng và cần thiết, liên quan trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu sử dụng máy thở tăng cao, khả năng đáp ứng máy thở sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài cũng không đủ cung ứng nhu cầu các nước trên thế giới, gây khó khăn cho việc đặt mua máy thở của Việt Nam từ nước ngoài.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế rà soát lại toàn bộ số lượng các loại máy thở hiện đang sử dụng và dự trữ, đồng thời đánh giá đầy đủ nhu cầu máy thở cho các kịch bản và xây dựng kế hoạch huy động, đặt hàng sản xuất mới. Bộ Y tế chủ động phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất máy thở trong nước để chủ động trong nghiên cứu và sản xuất; nghiên cứu kiến nghị của các doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ sản xuất máy thở trong nước như ban hành tiêu chuẩn về máy thở, hỗ trợ thiết bị đo lường, thực hiện thủ tục thông quan và miễn thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất máy thở. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẵn sàng đào tạo, tập huấn cho đội ngũ nhân lực sử dụng, vận hành máy thở; chủ động phương án cung ứng các nguyên liệu, phụ tùng thay thế trong quá trình sử dụng máy thở đảm bảo an toàn tuyệt đối.
4. Bộ Y tế có Quyết định 1718/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19).
5. Sáng 22/4, UBND huyện Đồng Văn- Hà Giang, đã quyết định phong tỏa toàn bộ thị trấn Đồng Văn để phòng, chống dịch COVID-19; thời gian phong tỏa từ 9h sáng ngày 22/4 và kéo dài đến khi có thông báo của ngành y tế
3. Thông tin hoạt động phòng chống dịch tại Hải Phòng:
1. Cuộc thi ảnh “Đoàn viên công đoàn chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19” trên mạng xã hội Facebook được triển khai từ ngày 7/4/2020 trên Fanpage Công đoàn Hải Phòng. Cuộc thi diễn ra trong 6 tuần, tuần 1 tính từ ngày 10/4 - 17/4/2020. Tính tới 17/4/2020, có 632 thí sinh gửi ảnh tham gia dự thi. Cuộc thi đã thu hút được đông đảo đoàn viên công đoàn các đơn vị hưởng ứng tham gia. Công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố đã gửi những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc của công đoàn cơ sở, công nhân, viên chức, người lao động trong tổ chức, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó khẳng định, cuộc thi ảnh là một mô hình tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, có hiệu ứng lan tỏa rõ nét. Kết thúc tuần bình chọn đầu tiên, thí sinh Bùi Thị Mỹ Linh - Đoàn viên Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (LĐLĐ quận Hồng Bàng) và thí sinh Vũ Thị Liên - Đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH Well power, khu công nghiệp Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo (LĐLĐ huyện Vĩnh Bảo) đã xuất sắc giành Giải phụ hàng tuần Bức ảnh có số lượt bình chọn cao nhất.
2. Hưởng ứng Chương trình “Triệu bữa cơm” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị triển khai tại 5 thành phố là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn đang chịu tác động của dịch bệnh COVID-19. Chương trình là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi "Không để ai bị bỏ lại phía sau" của Thủ tướng Chính phủ với mong muốn kêu gọi sự lan tỏa yêu thương của cả cộng đồng và xã hội để có một triệu suất ăn hoặc hơn thế nữa được trao tặng những người có hoàn cảnh khó khăn Ngày 22/4, ngày thứ 2 triển khai chương trình tại thành phố Hải Phòng, 5.200 suất thực phẩm với tổng trị giá 234 triệu đồng đã được trao cho 5.200 người có hoàn cảnh khó khăn tại 14 quận huyện trên địa bàn thành phố. Mỗi suất thực phẩm bao gồm 1kg gạo, 1 khay trứng 10 quả/thịt và rau xanh.
3. Ngay sau khi có văn bản của thành phố đồng ý cho học sinh lớp 9 đi học trở lại vào ngày 23/4, Ngày hôm nay, các trường THCS trên địa bàn thành phố, tất bật cho công tác phun khử khuẩn, vệ sinh khuôn viên trường học, các phòng học, đảm bảo an toàn để đón học sinh lớp 9 trở lại trường vào ngày mai 23/4, sau thời gian dài nghỉ phòng dịch COVID-19. Với sự tích cực chuẩn bị chu đáo, các trường học đã sẵn sàng mọi điều kiện cần thiết để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường vào ngày mai 23/4.
4. Lãnh đạo UBND thành phố, các Quận huyện tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương, tại các cơ quan đơn vị, cơ sở kinh doanh lưu trú, địa điểm du lịch, dịch vụ ăn uống, giải trí, cơ sở tôn giáo….
5. Duy trì hoạt động tuyên truyền, tẩy uế, khử trùng tại công sở, cơ sở y tế, trường học, cơ quan đơn vị, nơi công cộng, đường phố, khu vực có người nghi ngờ nhiễm.
Duy trì các hoạt động truyền thông kết hợp điều tra giám sát, tại cộng đồng, truyền thông trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh.
6. Tại các quận huyện, xã phường: tiếp tục điều tra, tìm kiếm những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm, người bệnh điều trị, người từ tỉnh có nguy cơ cao về Hải Phòng … để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc đưa vào cách ly tập trung, lấy mẫu làm xét nghiệm.
7. Các cơ sở cách ly tập trung của thành phố tiếp tục bàn giao đối tượng hết thời gian cách ly tập trung về địa phương để tiếp tục giám sát, cách ly tại nhà và nhận các đối tượng cần cách ly tập trung từ quận huyện chuyển lên, trên cơ sở quyết định danh sách cách ly tập trung do UBND thành phố phê duyệt.
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh