14:59 02/01/2024 Một trong những giải pháp nhằm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí của thành phố là tăng cường quản lý đất đai. Theo đó, tập trung khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo đảm tiết kiệm, bền vững. Đặc biệt, chú trọng thu hồi các khu đất chậm đưa vào sử dụng, để lãng phí nhiều năm liền.
Kiên quyết thu hồi
Theo báo cáo của UBND thành phố, thành phố có 41 dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. UBND thành phố giao các ngành, các địa phương rà soát và ban hành kế hoạch xử lý cụ thể. Theo đó, đã thu hồi đất đối với 16 tổ chức; gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 17 tổ chức; 1 tổ chức bị chấm dứt thực hiện dự án; 1 tổ chức đã khắc phục vi phạm, hoàn thành xây dựng công trình và đưa đất vào sử dụng. 6 tổ chức còn lại, Sở Tài nguyên Môi trường đang phối hợp cùng các sở, ngành và chính quyền địa phương kiểm tra, đề xuất xử lý theo quy định.
Cụ thể, thành phố đã tiến hành thu hồi đất đối với Công ty phát triển nuôi trồng thủy sản Đông Á tại phường Ngọc Hải quận Đồ Sơn, diện tích 0,75ha; Chi nhánh Kỹ nghệ điện lạnh 0,87ha và Công ty Dầu lửa Trung ương 1,22ha cùng ở phường Vạn Sơn, Đồ Sơn; Công ty CP Thương mại Nam Mỹ ở Phù Long, Cát Hải 183ha; Công ty CP kinh doanh và chế biến hàng xuất nhập khẩu Đà Nẵng tại Anh Dũng, Dương Kinh 1,84ha; Công ty CP đầu tư phát triển Vạn Xuân ở Tân Thành, Dương Kinh 40ha; Trường phổ thông nhiều cấp học Nguyễn Tất Thành ở An Đồng, An Dương 3ha; Công ty CP ACS Việt Nam có 2 địa điểm tại phường Anh Dũng quận Dương Kinh có diện tích 24,9ha và 11,84ha; Viễn thông Hải Phòng tại Vạn Sơn, Đồ Sơn 0,46ha; Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí tại Đông Hải 2, quận Hải An 4,34ha; Công ty CP Đầu tư phát triển rừng và kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái Hà Phú tại Cát Bà 11ha; Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư EIE tại đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền 3ha; Hội chữ thập đỏ thành phố tại phường Anh Dũng, quận Dương Kinh 2,22ha; Trường Đại học Dân lập Hải Phòng (nay là Trường đại học quản lý và Công nghệ) tại Minh Tân, Kiến Thụy 11,96ha; Công ty CP Thương mại Kinh Thành tại Cát Bà 5,59ha.
Thành phố cũng chấm dứt thực hiện đối với dự án của Công ty CP Đầu tư và thương mại Hùng Quỳnh tại Nam Sơn, An Dương diện tích 7,12ha. Ngân hàng thương mại CP dầu khí Toàn Cầu tại số 35 Quang Trung, quận Hồng Bàng đã khắc phục và xây dựng công trình, đưa vào sử dụng.
Ngoài ra, thành phố gia hạn sử dụng đất 24 tháng đối với 17 địa điểm như Công ty CP Bắc Mật tại Đông Sơn, Thủy Nguyên 1,3ha; Công ty CP Thương mại Tùng Long tại Anh Dũng, Dương Kinh 0,9ha; Công ty TNHH Hiến Thành tại xã Quang Trung, An Lão 2,11ha; Công ty CP May Hoa Phượng tại Anh Dũng, Dương Kinh 1,16ha; Công ty CP xây dựng thương mại Hòa Bình ở Đông Sơn, Thủy Nguyên 1,52ha; Công ty CP thương mại Hải Phòng Plaza tại đường Lê Hồng Phong; Công ty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tại Vạn Sơn, Đồ Sơn; Công ty TNHH Đầu tư Thanh Sang ở Thành Tô, Hải An; Công ty TNHH Thương mại Đan Việt ở Quốc Tuấn, An Lão; Công ty CP thương mại và du lịch Kim Liên ở An Hưng, An Dương; Công ty TNHH Đỉnh Vàng ở Hòa Bình, Thủy Nguyên; Công ty CP kho vận và hàng hái Việt Nam (khu đất của Công ty Nạo vét đường sông 1 cũ) ở khu 1, phường Hải Sơn, Đồ Sơn; Công ty CP xây dựng Ngô Quyền tại Quán Toan, quận Hồng Bàng; Công ty CP xây dựng nhà ở Hải Phòng ở phường Vạn Hương, Đồ Sơn; Công ty TNHH Hiệp Phong Việt Nam ở phường Hải Thành, quận Dương Kinh diện tích gần 35ha; Công ty ty TNHH Hyundai E & C Vina sông Giá ở Lưu Kiếm, Thủy Nguyên; Công ty TNHH dịch vụ ăn uống Ba Sao ở Kênh Dương, Lê Chân…
Ngoài ra, còn 6 địa điểm đang được tiếp tục kiểm tra, xử lý như Công ty CP Thương mại và dịch vụ Hồng Ngọc ở phường Đông Hải 1, quận Hải An 0,43ha; Công ty CP đầu tư thương mại Hàng hải Hải Phòng ở 16 Hoàng Diệu, Máy Tơ, Ngô Quyền 0,31ha; Công ty CP thương mại dịch vụ và xây dựng Đại Việt Phát ở 36 Nguyễn Hữu Cầu, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn 0,1ha; Công ty CP Xây dựng Ngô Quyền ở Trại Chuối, Hồng Bàng có 2 khu 0,69ha và 0,78ha
Nâng cao giá trị sử dụng đất
Trong danh mục các khu đất, dự án dự kiến thu hồi kể trên, đã có nhiều khu đất nhiều năm qua dư luận đã nói tới rất nhiều lần, thành phố cũng kiên quyết chỉ đạo, đã để các tổ chức có thời gian tìm biện pháp khắc phục nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được. Vì thế, quyết định thu hồi là đúng đắn và được dư luận người dân ủng hộ.
Tuy nhiên, có nhiều khu đất mặc dù có dự kiến từ lâu nhưng quá trình thu hồi lại có nhiều khó khăn, vướng mắc và chậm trễ. Đơn cử như khu đất của Công ty TNHH Du lịch và Đầu tư EIE để hoang hóa từ mấy chục năm, tới tận năm 2023 mới thu hồi được. Cũng lãng phí không kém là khu đất 40 ha tại phường Tân Thành ( quận Dương Kinh) do VCCI làm chủ đầu tư, mấy chục năm liền trơ trọi với chiếc cổng chào. Dự án ban đầu được triển khai khá rầm rộ nhưng rồi sau đó đóng băng, chỉ khổ cho người dân phải vội vàng bàn giao đất với sự hứa hẹn sẽ có những công trình đồ sộ phục vụ đời sống dân sinh đi vào hoạt động. Niềm hy vọng của người dân lụi dần theo năm tháng khi hết năm này qua năm khác, hết kỳ họp HĐND này tới kỳ họp HĐND khác, những kiến nghị của cử tri, của nhân dân, những phương án của các ngành chức năng thành phố cũng không hề làm động lòng chủ đầu tư… Và cũng phải rất quyết liệt, thành phố mới thu hồi được khu đất này.
Trước ý kiến, kiến nghị của cử tri, thời gian qua, thành phố chỉ đạo khá riết róng việc thu hồi đất từ các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật. Cùng với việc rà soát, lập hồ sơ thu hồi đất đối với các dự án cụ thể, Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì tham mưu với thành phố thu hồi diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng đối tượng, không đúng thẩm quyền, chậm đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí tài nguyên đất.
Đa số lãnh đạo các ngành, các địa phương đều khẳng định: thu hồi đất của các dự án chậm tiến độ, đặc biệt là các dự án mà chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, “ rải chiếu chiếm chỗ”, chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính; cho thuê lại tùm lum; có nhiều vi phạm về quản lý đất đai…là việc không thể chậm trễ thêm được nữa. Tuy nhiên, để thực hiện được đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng bộ của các cấp, các ngành, và phải rất khẩn trương, quyết liệt.
Điều dư luận người dân quan tâm là việc quản lý chặt chẽ quỹ đất thu hồi, hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai gắn với cải cách thủ tục hành chính để đấu giá quyền sử dụng đất, thu hút những nhà đầu tư có uy tín, có năng lực, kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả các dự án trên diện tích đất thu hồi, góp phần tăng thu ngân sách thành phố. Ngoài ra, cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, đột xuất việc quản lý sử dụng đất của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, không để vi phạm chồng vi phạm sẽ khó xử lý sau này.
Cho dù có nhiều khu đất được thu hồi thì trên địa bàn thành phố vẫn còn hàng trăm ha đất chưa được sử dụng đúng mục đích, hoặc dự án thực hiện dang dở, kéo dài, là sự nhức nhối, bức xúc của người dân. Trong đó, có nhiều dự án giữ diện tích đất sử dụng lớn nhưng để hoang hóa lâu ngày vẫn chưa xử lý được, đòi hỏi thành phố cần có những biện pháp mạnh tay và kiên quyết hơn.
Mỗi m2 đất của Hải Phòng giờ đây ngày càng có giá trị bởi vị thế, bởi tiềm năng của thành phố đang rộng mở với các dự án hạ tầng hiện đại và đồng bộ. Càng phát triển nhanh bao nhiêu, Hải Phòng càng không thể chấp nhận sự chậm trễ, làm lãng phí nguồn lực đất đai, một nguồn lực vô cùng quan trọng để thành phố thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội 13 của Đảng, nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố, quyết tâm phát triển đột phá trong những năm tới. Do đó, sớm thu hồi đất các dự án đã đủ điều kiện thu hồi và nhanh chóng đưa đất vào sử dụng hiệu quả là yêu cầu cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong năm 2024 và những năm tiếp theo./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh