20:59 27/01/2024 Được xác định là một năm có nhiều khó khăn, thử thách với những biến động khó lường, có thời điểm tưởng chừng không hoàn thành chỉ tiêu nhưng các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN,KKT) của Hải Phòng năm 2023 vẫn tiếp tục phát triển bứt phá, thực sự khởi sắc và thành công, ghi nhiều dấu ấn về sự đổi mới và hiệu quả. Sôi động, hấp dẫn, phát triển nhanh, mạnh cả về chiều rộng lẫn bề sâu; thu hút thêm được nhiều “đại bàng” mới và có bước chuẩn bị căn cơ với dư địa phát triển rộng mở cho tương lai là những thành tựu nổi bật của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cũng như các KCN, KKT trong năm 2023.
Đổi mới, quyết liệt, hiệu quả
Có thể nói, năm 2023, tác động của hậu đại dịch COVID-19 cùng với sự suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của cả nước và Hải Phòng. Mục tiêu thu hút 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mà Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng đề ra được coi là đầy thách thức, áp lực, khó vượt qua. Thế nhưng, với tinh thần đổi mới, quyết tâm cao, không lùi bước trước khó khăn, Ban Quản lý Khu Kinh tế đã tham mưu, đề xuất với thành phố và triển khai thực hiện nhiều biện pháp để phát triển các KCN, KKT; đổi mới phương pháp xúc tiến đầu tư, quyết liệt hành động, mang lại nhiều thành công và hiệu quả.
Thực tế cho thấy, khi mức độ cạnh tranh thu hút đầu tư ngày càng cao và hầu như không có khoảng cách giữa các quốc gia, vùng, miền thì Hải Phòng cần phải tạo ra được những “cú hích”, khẳng định rõ nét tiềm năng, vị thế riêng có mới tạo nên sức hút đối với nhà đầu tư.
Cú hích đầu tiên chính là Khu công nghiệp, dịch vụ và khu phi thuế quan Xuân Cầu chính thức khởi công dịp 13-5-2023. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển của cả khu cảng nước sâu Lạch Huyện nói chung, góp phần làm tăng sức hấp dẫn và lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư vào Hải Phòng. Dự án được triển khai trên diện tích 752ha, vốn đầu tư 11.000 tỷ đồng. Nét đặc biệt của dự án là với gần 6km chiều dài tiếp giáp hệ thống cảng Lạch Huyện, Khu phi thuế quan - logistics và công nghiệp Lạch Huyện có vị trí thuận lợi để phát triển tối đa lợi thế từ việc áp dụng quy chế khu phi thuế để thu hút đầu tư. Cùng với đó là hiệu quả hoạt động của các bến số 1, số 2 Lạch Huyện; tiến độ xây dựng rất khẩn trương của các bến cảng số 3,4,5,6; bến số 7, số 8 đã được giao cho Tân Cảng tiếp tục đầu tư và các bến từ số 9 đến 12 đã có nhà đầu tư đề xuất… là những lợi thế riêng có của Hải Phòng. Bởi vậy, ngay sau khi Khu công nghiệp, dịch vụ và khu phi thuế quan Xuân Cầu được khởi công, rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã quan tâm, tìm hiểu và bày tỏ mong muốn được hợp tác, đầu tư.
Cú hích thứ hai chính là Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng tới năm 2040, tầm nhìn tới năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để Hải Phòng đề xuất thành lập Khu Kinh tế ven biển phía nam, trong đó có Khu Thương mại tự do mà BQLKKT được Thành ủy, UBND thành phố giao nhiệm vụ thực hiện. Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng nhanh chóng xây dựng đề án; tổ chức hội thảo, đề xuất ý tưởng xin ý kiến lãnh đạo thành phố; các chuyên gia; nhà quản lý ; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành Trung ương và thành phố để hoàn tất hồ sơ, thủ tục. Với khoảng 20.000 ha thuộc địa bàn các quận, huyện Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão, Vĩnh Bảo, Khu Kinh tế ven biển phía Nam cùng với Cảng nam Đồ Sơn; Sân bay quốc tế Tiên Lãng; tuyến đường bộ ven biển và một loạt dự án giao thông kết nối khác; các KCN đã được quy hoạch…, đây sẽ là khu vực phát triển mới năng động nhất của Hải Phòng trong tương lai gần và các nhà đầu tư có tầm nhìn đều không muốn bỏ lỡ cơ hội tiếp cận. Từ đó nâng tầm vị thế và sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư của Hải Phòng.
Cú hích thứ ba là mức độ sẵn sàng của các KCN đã được thực hiện. Các luồng vốn đầu tư tiếp tục đổ về các KCN DEEP C; nam Đình Vũ; nam cầu Kiền; VSIP; An Dương; Tràng Duệ… Đáng chú ý, dự án KCN Tràng Duệ giai đoạn 3 với diện tích 687 ha về phía huyện An Lão đang được đẩy nhanh và đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký. KCN Tiên Thanh cũng cơ bản hoàn tất thủ tục, điều kiện để chuẩn bị khởi công.
Cú hích thứ tư chính là sự đổi mới toàn diện trong công tác xúc tiến đầu tư của lãnh đạo thành phố; BQLKKT; các ngành, các địa phương. Toàn thành phố đều nhất quán quan điểm: công tác xúc tiến đầu tư là việc chung và cùng đồng tâm hiệp lực cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi. BQLKKT tham mưu, đề xuất tổ chức 2 chuyến công tác xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp là trưởng đoàn và đạt nhiều thành công, hiệu quả. Ngay sau các chuyến công tác, đã có nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào Hải Phòng. Điển hình là tập đoàn LG Innotek tăng vốn thêm 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên hơn 2 tỷ USD; Tập đoàn SK (nhà đầu tư mới từ Hàn Quốc) đầu tư thực hiện dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance trị giá 500 triệu USD… Ngoài ra, Hải Phòng cũng ký biên bản ghi nhớ với 3 cảng lớn nhất của Hoa Kỳ về hợp tác nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư, phát triển cảng tổng hợp nam Đồ Sơn; xây dựng mô hình chính quyền Cảng; kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chip…
Cú hích thứ năm là sự đổi mới và quyết liệt hành động của BQLKKT Hải Phòng, thiết thực hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp. Đến nay, các dự án lớn hầu hết được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 3-5 ngày. Đồng thời, Ban tổ chức tham gia và tổ chức 44 hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp quốc tế; duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài như: Hiệp hội các Khu công nghiệp Hàn Quốc (KICOX), Liên minh ảnh hưởng Đông Nam Á (Đài Loan), Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM)...
Ban tổ chức thành công một số sự kiện ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập như các hội nghị trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án trọng điểm; diễn đàn kết nối doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI; triển lãm thành tựu 30 năm phát triển KCN, KKT và triển lãm sản phẩm kết nối có trên 200 doanh nghiệp tham dự, ký kết và triển khai thực hiện 17 Biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp phụ trợ và doanh nghiệp FDI bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Ngoài ra còn có nhiều hội thảo rất thiết thực về thúc đẩy phát triển kinh tế số tại thành phố Hải Phòng; xúc tiến đầu tư Khu phi thuế quan và Cảng nước sâu quốc tế Lạch Huyện tại Đài Loan (Trung Quốc); hợp tác đào tạo nghề và ngày hội việc làm năm 2023; kết nối nhân tài công nghệ cao Đài Loan- Việt Nam tại Hải Phòng; hội thảo quốc tế về Khu thương mại tự do và khu phi thuế quan tại thành phố Hải Phòng...
Cúc hích thứ sáu là các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được triển khai nhanh chóng, khẩn trương. Trong năm, đã có 2 dự án nhà ở xã hội tại KCN Tràng Duệ và của Công ty Pegatron được khởi công với quỹ nhà hàng nghìn căn; một số số dự án khác đang hoàn tất thủ tục triển khai. Với cách làm này, người lao động trong các KCN hoàn toàn yên tâm về nơi an cư lạc nghiệp. Bên cạnh đó, BQLKKT cũng đã làm tốt vai trò kết nối với các cơ sở đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp trong KCN, KKT.
Thu hút đầu tư đi vào chiều sâu
Với những biện pháp, cách làm mang nhiều tư duy và hành động đổi mới đó, năm 2023, các KCN, KKT của Hải Phòng thu hút 3,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đạt 175% kế hoạch năm, tăng 40% so với số thực hiện năm 2022, đứng thứ hai cả nước; hơn 23.847 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, đạt 238,47% kế hoạch năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Đây được coi là một kỳ tích, vượt mong đợi.
Cùng với sự thành công vượt trội trong thu hút đầu tư năm 2023, đến nay, các KCN, KKT Hải Phòng có 520 dự án FDI với số vốn trên 26,5 tỷ USD; 217 dự án DI với tổng số vốn trên 328 nghìn tỷ đồng (tương đương 14,2 tỷ USD). Đáng chú ý, thành phố và BQLKKT luôn chủ động thực hiện thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các doanh nghiệp có công nghệ cao thân thiện với môi trường, có tiềm lực, đóng góp lớn cho thành phố, có sức lan tỏa, thu hút được các doanh nghiệp trong nước theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế đã được xác định đó là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistic, du lịch - thương mại. Trong năm 2023, tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistic đầu tư vào các KCN, KKT đạt trên 93%. Cụ thể, ngành nghề điện tử chiếm 34%; logistic, cơ sở hạ tầng chiếm 15%; công nghiệp chế tạo chiếm 44%.
Các KCN, KKT tạo việc làm cho hơn 200.000 lao động với mức thu nhập bình quân gần 11 triệu đồng/tháng; các doanh nghiệp năm 2023 nộp ngân sách hơn 13.000 tỷ đồng.
Tiềm năng, dư địa phát triển các KCN, KKT của Hải Phòng đang rất rộng mở với 14 KCN đang hoạt động và 20 KCN đang triển khai. Thời gian tới, sẽ có thêm một số KCN tầm cỡ đi vào hoạt động như KCN Tràng Duệ 3 với diện tích hơn 687 ha; KCN Nam Tràng Cát (200,3ha); KCN Thủy Nguyên (319,6ha); KCN Giang Biên 2 (350ha).
Như vậy, với cách làm mới, với quyết tâm cao và tràn đầy nhiệt huyết, BQLKKT đã và đang góp phần tạo nên những dấu ấn mạnh mẽ và hiệu quả trong xúc tiến đầu tư, giới thiệu hình ảnh Hải Phòng với bạn bè bốn phương để từ đây, “đất lành chim đậu”, đón những đại bàng lớn, thực hiện thành công các mục tiêu về thu hút đầu tư, phát triển các KCN mà nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16 đề ra.
Với nền tảng đã được tạo dựng, với sự đổi mới, quyết tâm, quyết liệt, năm 2024, Hải Phòng phấn đấu thu hút 2-2,5 tỷ USD vốn FDI để cả giai đoạn 2021- 2025, thu hút 12,5- 15 tỷ USD, bằng cả giai đoạn hơn 30 năm trước cộng lại; góp phần đắc lực tạo nên sự phát triển bứt phá của thành phố./.
Lê Trung Kiên
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh