15:31 19/12/2023 Tại kỳ họp thứ 13, HĐND thành phố khóa 16, một trong những nội dung được đại biểu HĐND thành phố, cử tri và nhân dân quan tâm là số thu ngân sách nội địa hàng năm chưa đạt như kỳ vọng của nghị quyết 45 của Bộ Chính trị. Đồng chí Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố trực tiếp trả lời về vấn đề này và xác định rõ những công việc cần phải làm để tăng thu ngân sách nội địa một cách căn cơ và bền vững.
Nhiều yếu tố tác động gây giảm thu
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân, thời điểm Hải Phòng xây dựng và đề nghị Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045 (năm 2019) có rất nhiều thuận lợi. Trước đó, Hải Phòng liên tục có mức tăng trưởng kinh tế cao, số thu ngân sách nội địa hàng năm cũng tăng với tốc độ khá nhanh. Do đó, các mục tiêu về thu ngân sách đặt ra trong nghị quyết 45 có rất nhiều kỳ vọng.
Trên cơ sở đó, Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về thực hiện nghị quyết 45 cũng xác định các mục tiêu khá cao. Tuy nhiên, mới chỉ được 1 năm thì đại dịch COVID-19 ập tới với nhiều diễn biến khó lường. Vì thế, nghị quyết đại hội 16 của Đảng bộ thành phố cũng đã có một số điều chỉnh giảm chỉ tiêu thu ngân sách để phù hợp với tình hình thực tế.
Mặc dù vậy, tác động của đại dịch COVID-19 trong 3 năm qua vẫn chưa hết và còn diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, những kỳ vọng của thành phố về số nộp ngân sách của Nhà máy sản xuất ô tô VinFast khó thực hiện khi VinFast chuyển từ sản xuất ô tô chạy xăng sang ô tô chạy điện và được hưởng nhiều ưu đãi về thuế. Cùng với đó là các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế của Nhà nước, nhất là thuế bảo vệ môi trường được giảm tới 50% cũng làm ảnh hưởng đáng kể tới số thu ngân sách nội địa của Hải Phòng.
Theo phân tích của lãnh đạo UBND thành phố, chỉ tiêu thu ngân sách theo Chương trình hành động số 76 năm 2021 là 38.300 tỷ đồng; năm 2022 là 44.600 tỷ đồng; năm 2023 là 51.800 tỷ đồng. Kế hoạch tài chính 5 năm của thành phố căn cứ vào tình hình thực tế có giảm đi. Cụ thể, năm 2021 xây dựng kế hoạch 35.000 tỷ đồng; năm 2022 là 42.100 tỷ đồng và năm 2023 là 49.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do có quá nhiều khó khăn, vướng mắc nên số thực hiện 3 năm qua cũng chưa được như ý muốn. Năm 2021, thành phố thu đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 1300 tỷ đồng so với kế hoạch tài chính 5 năm nhưng vẫn hụt so với chương trình 76 là 2000 tỷ đồng. Năm 2022 thu đạt 37.000 tỷ đồng, hụt 7600 tỷ đồng so với chương trình 76 và 5100 tỷ đồng so với kế hoạch tài chính 5 năm. Năm 2023 thu đạt 42.500 tỷ đồng thì vẫn hụt tương ứng là 9300 tỷ dồng và 7000 tỷ đồng.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân, mặc dù hụt thu so với kỳ vọng nhưng Hải Phòng vẫn quyết tâm và nỗ lực rất lớn. Nhờ vậy, số thu ngân sách nội địa năm sau vẫn cao hơn năm trước và số thu năm 2023 tăng hơn năm 2021 tới 6200 tỷ đồng. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh có muôn vàn khó khăn, nhiều khoản thu sụt giảm.
Mặc dù vậy, lãnh đạo UBND thành phố cũng nhận rõ, số thu nội địa giảm làm ảnh hưởng khá lớn tới kế hoạch đầu tư công và các mục tiêu phát triển thành phố, đặc biệt là nguồn lực ngân sách đáp ứng kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025. Một số dự án phải dừng hoặc giãn, hoãn; giảm tổng mức đầu tư.
Do đó, tìm các biện pháp căn cơ, bền vững để tăng thu ngân sách nội địa luôn là nhiệm vụ hàng đầu, được UBND thành phốtập trung lãnh đạo, chỉ đạo với sự quyết tâm, quyết liệt rất cao.
Bảo đảm tính khả thi và bền vững
Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng khai thác các nguồn thu, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố rà soát, đánh giá lại số thu nội địa thực tế trong giai đoạn 2021-2025. Từ đó xây dựng dự toán thu năm 2023 là 42.500 tỷ đồng; năm 2024 là 45.000 tỷ đồng và năm 2025 là 45.600 tỷ đồng. Trong đó, số thu từ đất tương ứng qua các năm là 15.900 tỷ đồng; 17.500 tỷ đồng và 14.100 tỷ đồng.
Về giải pháp, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân nêu rõ, trong ngắn hạn, sẽ tăng cường công tác đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo hoàn thành dự toán do HĐND thành phố giao. Trong đó, tập trung hoàn thiện các hồ sơ xác định giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xử lý các thủ tục liên quan đến hồ sơ giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất.
Đồng thời, tập trung rà soát các khoản thu ngân sách, hoàn thiện các thủ tục ghi thu ghi chi các dự án sử dụng đất; tập trung rà soát danh mục các nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, lãng phí, các khu đất đã có chủ trương đầu tư xây dựng nhưng chậm triển khai để thực hiện thu hồi, tổ chức bán đấu giá.
UBND thành phố yêu cầu các địa phương đôn đốc, động viên các doanh nghiệp trên địa bàn nộp ngân sách cao nhất; rà soát các khoản thu tại địa phương, đặc biệt các khoản thu liên quan đến nhiệm vụ chi thường xuyên.
Về giải pháp dài hạn, thành phố tăng cường kỷ cương thu chi ngân sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư trực tuyến; thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố; thu hút các tập đoàn kinh tế lớn, giữ vai trò dẫn dắt, có sức lan tỏa và đóng gớp lớn cho ngân sách nhà nước về đầu tư sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đòng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số Cảicách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ sốhài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và Chỉ số Hiệu quả quản trị hành chínhcông (PAPI).
Hải Phòng cũng sẽ tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghịđịnh số 31 ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nướcđối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; tăng cường khai thác những nguồn thu bền vững và tạo lập những nguồn thu mới. Trong đó, rà soát danh mục các loại phí, lệ phí; xây dựng đề án thực hiện các loại phí lệ phí chưa được quy định trong danh mục theo cơ chế đặc thù của thành phố đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 35 ngày 13/11/2021.
Một giải pháp quan trọng đang được quan tâm là đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác chống thất thu ngân sách nhà nước thành phố. Cùng với đó, tăng cường quản lý, khai thác hiệu quả các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên khoáng sản,bất động sản thuộc sở hữu Nhà nước; tiếp tục rà soát tất cả các nguồn thu, khai thác thu qua công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế thương mại điện tử, bất động sản, kinh doanh dựa trên nền tảng số và triển khai đồng thời các chuyên đề kiểm tra về chuyển giá; giao dịch liên kết; kiểm tra sau hoàn thuế; lĩnh vực hộ kinh doanh, các doanh nhiệp, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động kinh doanh nhưng không kê khai nộp thuế.
Ngoài ra, tăng cường công tác quản lý sử dụng hóa đơn,kịp thời xử phạt và thu nộp ngân sách đối với các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; tổ chức thực hiện, điều hành dự toán chi ngân sách Nhà nước chủ động, tích cực, đúng dự toán được giao và khả năng thu ngân sách Nhà nước.
Nhiệm vụ thu ngân sách nội địa từ nay đến năm 2025 khá nặng nề. Tuy nhiên, với sự nắm bắt đúng tình hình, có biện pháp chỉ đạo đúng, kịp thời, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, tin tưởng Hải Phòng sẽ hoàn thành kế hoạch thu ngân sách nội địa hàng năm, tạo động lực, nguồn lực để phát triển thành phố./.
Hồng Thanh
22:42 09/01/2025
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh