Thu thuế từ thương mại điện tử: Tăng cường chuyển đổi số để chống thất thu

17:48 13/06/2024

Ngày 6-6-2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 56/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Trước đó, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, lĩnh vực thương mại điện tử và thu thuế từ thương mại điện tử được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Điều đó cho thấy, đây là một lĩnh vực đang rất sôi động, đòi hỏi phải có biện pháp quản lý phù hợp để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tế.

                                                                                 Số thu ngày càng tăng

           Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế  nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong nước và xuyên biên giới. Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30-5-2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

           Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết với những nhiệm vụ cụ thể, chi tiết theo từng nhóm công việc.

          Về quản lý thuế, thời gian qua, ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng: Nền tảng Sàn giao dịch TMĐT: Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, Alibaba ...; Website/ứng dụng TMĐT: Abay.vn, Ahamove, Amway.com.vn, Bachhoaxanh.com, Đienmayxanh.com…; Nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, …; Nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận (Grab, Be, Foody, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh…); Nền tảng đại lý (Booking, Agoda, Airbnb …); Nền tảng thuê bao (Netflix, Spotify, …); Nền tảng quảng cáo (Facebook, Google, Youtube, …); Nền tảng kho ứng dụng (Apple Store, CH Play, …).

          Các hoạt động TMĐT ngày càng phát triển nhanh, quy mô lớn, cần tăng cường chuyển đổi số để quản lý

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại diễn đàn Quốc hội, số thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng ( gần 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83.000  tỷ đồng; năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97.000 tỷ đồng. 5 tháng đầu  năm 2024  thu được 50.000 tỷ đồng. Hiện 96 nhà cung cấp nước ngoài, các tập đoàn công nghệ nước ngoài, như Facebook, Google, Microsoft, Tiktok... đã thực hiện đăng ký và nộp thuế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính về sàn thương mại xuyên biên giới. Hiện nay đã nộp được 15.600 tỷ đồng về thuế thương mại điện tử. Như vậy, số thu thuế từ TMĐT năm 2022 tăng 13% so với năm trước; năm 2023 tăng 16% so với năm 2022, chứng tỏ đây là một nguồn thu nhiều tiềm năng.

          Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã triển khai trong toàn ngành công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định. Kết quả lũy kế trong 3 năm: 2021, 2022 và 2023, có 31.570 tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát. Trong tổng số các trường hợp đưa vào diện rà soát đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng (trong đó xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỷ đồng, giảm lỗ là 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 113,9 tỷ đồng).

Nhiều vấn đề đặt ra

Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thương mại điện tử đang thúc đẩy nền kinh tế số của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đã và đang bị các đối tượng lợi dụng để kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ xuất xứ và lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô lẫn địa bàn hoạt động. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương cho biết giải pháp để hạn chế, ngăn chặn hành vi vi phạm của nhóm đối tượng này. Qua đó hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

          Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chúng ta đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn. Đó là mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất cũng như người tiêu dùng và  thất thu thuế. Theo Bộ trưởng, tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng tuy không phổ biến nhưng thời gian qua Bộ Công thương đã nhận diện rõ vấn đề này; đã nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55 hướng dẫn thi hành luật, trong đó có bổ sung nhiệm vụ tổ chức và cá nhân trong việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, như phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh của người tiêu dùng. Ngày 1-7-2024, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực, hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên.

Bộ trưởng cũng cho biết, để tăng cường quản lý hướng dẫn hỗ trợ người tiêu dùng, Bộ đã công khai danh sách các website thương mại điện tử về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Về lo ngại lợi dụng biện pháp này để cạnh tranh không lành mạnh, nói xấu nhau, Bộ trưởng cho biết Bộ thực hiện quy trình tiếp nhận, công khai thông tin rất chặt chẽ với các yêu cầu cụ thể…

           Một số ý kiến khác lo ngại về việc thất thu thuế trong lĩnh vực TMĐT còn nhiều, lãnh đạo các Bộ Tài chính, Công Thương khẳng định sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn.

                     Tích cực chuyển đổi số để quản lý TMĐT

          Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên,  để chống thất thu thuế, Bộ Công thương tích cực phối hợp với ngành Thuế và Bộ Tài chính chia sẻ dữ liệu của hơn 900 website và gần 300 ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử để thực hiện rà soát và tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử chia sẻ liên thông với các bộ ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan; khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công thương và Tổng cục thuế để trao đổi dữ liệu các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng trong tháng 6-2014. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Bộ Công an trong áp dụng định danh điện tử cho người bán trên sàn giao dịch để tăng cường hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế; tích cực thanh kiểm tra, xử lý vi phạm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân hoạt động trên thương mại điện tử không kê khai thuế.

                        Các hoạt động TMĐT ngày càng phát triển nhanh, quy mô lớn, cần tăng cường chuyển đổi số để quản lý

          Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp một cách quyết liệt với Bộ Công thương, Bộ Thông tin Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an. Theo đó, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư bằng 71,37% với 663.157 lượt kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an; quản lý và chia sẻ với Bộ Công thương 929 sàn thương mại điện tử; đã kiểm tra, đối chiếu 361 sàn thương mại điện tử để thực hiện kết nối và quản lý. Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp 144 triệu tài khoản, trong đó là khoảng 10 triệu tài khoản của các tổ chức, còn lại là 134 triệu tài khoản của cá nhân ở 96 của ngân hàng. Bộ chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ đối với việc thu thuế trên sàn thương mại điện tử cũng như đối với giao dịch bằng gói điện tử trên môi trường điện tử, trọng tâm tập trung tại thành phố Hồ Chí Minh và  Hà Nội, đồng thời có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan thuế và hỗ trợ để thực hiện thu thuế trên sàn thương mại điện tử, đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

           Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, cách tốt nhất để giải quyết các vấn đề của công nghệ là dùng công nghệ.Giải pháp quản lý không gian mạng được Bộ trưởng nêu ra đó là thể chế số, công cụ số và con người số - tức là kỹ năng số cho người dân. Thương mại điện tử đang phát triển rất nhanh nên thể chế số, công cụ số và kỹ năng số đang theo sau, do vậy, cần đẩy nhanh tốc độ, trong đó phát triển công cụ số có thể nhanh nhất. 

Bộ trưởng cho biết, trên sàn điện tử, có hàng triệu sản phẩm, theo đó là hàng triệu quảng cáo, không thể dùng sức người để quản lý, mà cần dùng công nghệ số, có thể quản lý toàn diện, có thể giám sát, cảnh báo và ngăn chặn các hành vi trái phép, giao dịch bất thường, nhưng cần dùng công nghệ hiện đại. Bộ trưởng lấy ví dụ có thể phát triển phần mềm để phát hiện quảng cáo sai sự thật, phát hiện hàng hóa có dấu hiệu hàng nhái. Các sàn thương mại điện tử có thể xây dựng các thuật toán AI để rà quét và chọn lọc các tài khỏan có nguồn quảng cáo vi phạm pháp luật.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng tình với ý kiến đại biểu Quốc hội là thể chế hóa để quản lý nền tảng mạng trên xã hội, yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam, đảm bảo hài hòa với pháp luật quốc tế. Đồng thời, đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến an ninh mạng, dữ liệu, giao dịch, hợp đồng, định danh, chữ ký điện tử… Nếu làm được điều này, có thể thông qua trí tuệ nhân tạo để quản lý các hoạt động trên môi trường số, trong đó quản lý định danh người bán trên thương mại điện tử. Phó thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công thương và Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu xây dựng nền tảng cho Việt Nam để có thể tích hợp tất cả các hoạt động như định danh, an ninh công nghệ, thanh toán hải quan, thành lập logistics đồng bộ; thành lập cơ quan đa ngành để có thể giám sát được tất cả hoạt động trên thương mại điện tử. 

          Tại công điện số 56 ngày 6-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương, Tài chính, TTTT, Công an, Ngân hàng Nhà nước trong quản lý TMĐT. Trong đó yêu cầu Bộ Tài chính phối  hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong  triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng... Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan thúc đẩy tiến độ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương để thực hiện định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng… phục vụ định danh, xác thực cá nhân, tổ chức phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử.

          Như vậy, với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, TMĐT sẽ có nhiều cơ hội phát triển và bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch TMĐT và hạn chế tới mức thấp nhất thất thu thuế TMĐT./.

                                                                                                                              Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông