16:19 29/03/2020 Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tại các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị và Nhà khách thành phố có các đồng chí: Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố và lãnh đạo một số ngành, đơn vị liên quan. Tại điểm cầu Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (cơ sở cách ly tập trung) có lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các thành phần liên quan.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Thường trực Chính phủ tổ chức làm việc trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương là bởi các địa phương này, đặc biệt là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có dân cư đông, mật độ lớn, nhu cầu tiếp xúc tập thể rất lớn. Thời gian vừa qua, 5 thành phố đã tập trung triển khai rất nhiều việc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã triển khai kiên quyết Chỉ thị 15 của Thủ tướng và đã đạt được một số kết quả bước đầu. Thủ tướng nêu rõ, 15 ngày tới sẽ là “ngày vàng” quan trọng để quyết định chúng ta có ngăn chặn được dịch bệnh hay không. Vì vậy, tại cuộc họp này Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe các địa phương báo cáo tình hình cụ thể trên địa bàn để kiểm tra tình hình cũng như thể hiện quyết tâm chính trị trong chống dịch, nhất là các biện pháp mới, quyết liệt, cụ thể hơn.
Thủ tướng cũng đánh giá cao ngành y tế, các địa phương đã tập trung điều trị cho người bệnh, nhất là các ca bệnh nặng, hiện chưa có người tử vong và yêu cầu xử lý việc thông tin thất thiệt về vấn đề này.
Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành nêu rõ, Hải Phòng với dân số hơn 2 triệu người, là trung tâm công nghiệp, cảng biển miền Bắc, cũng là trung tâm thương mại, du lịch lớn, có Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, có trên 30.000 doanh nghiệp, hơn 10.000 chuyên gia, người lao động nước ngoài, cùng với hàng nghìn thủy thủ, thuyền viên thường xuyên cập cảng Hải Phòng... do đó nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 đối với Hải Phòng là rất lớn.
Phát biểu tại buổi trực tuyến, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh COVID-19 mới xuất hiện, thành phố Hải Phòng đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để phòng, chống dịch. Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo đồng loạt các giải pháp quyết liệt để triển khai nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. HĐND thành phố đã họp bất thường, quyết định tiết giảm các nguồn chi để chuyển sang kinh phí dự phòng, chống dịch bệnh COVID-19 là 1.000 tỷ đồng; đồng thời HĐND thành phố ban hành cơ chế hỗ trợ cho người bị cách ly tập trung, khoanh vùng để cách ly, hỗ trợ cho đội ngũ y, bác sỹ, lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Hải Phòng đã đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ việc mua thiết bị xét nghiệm, xe cứu thương, máy thở, khẩu trang, thuốc khử trùng với tổng kinh phí 200 tỷ đồng. Cải tạo, sắp xếp 3 bệnh viện với 2.500 giường bệnh sẵn sàng điều trị cho 2.500 bệnh nhân mắc COVID-19. Đồng thời chuẩn bị 13 điểm cách ly tập trung là các cơ sở của quân đội, công an, ký túc xá sinh viên sẵn sàng tiếp nhận khoảng 6.000 người.
Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp trực tuyến.
Thời gian qua, Hải Phòng đã tổ chức cách ly, điều trị gần 4.000 người (chủ yếu liên quan tới người ở nước ngoài về, các thủy thủ, thuyền viên cập cảng Hải Phòng, các chuyên gia người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp). Tổ chức cách ly tại chỗ (gia đình và doanh nghiệp) cho các đối tượng F2 là gần 9.000 người. Hải Phòng đã tự lấy mẫu, tự xét nghiệm hơn 639 người, kết quả 537 trường hợp âm tính, còn 102 mẫu đang chờ kết quả. Như vậy tới nay trên địa bàn thành phố chưa có ca dương tính với COVID-19.
Trong “2 tuần vàng” phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Lê Văn Thành cho biết thành phố đang đứng trước nguy cơ rất lớn lây nhiễm dịch bệnh từ các địa phương và người nước ngoài. Xuất phát từ tình hình trên, kể từ ngày 25/3, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hải Phòng đã quyết định tạm dừng các hoạt động thương mại, dịch vụ không cần thiết, kiểm tra các chốt ra vào thành phố, hạn chế giao thông công cộng. Ban Thường vụ Thành ủy đã triển khai một số biện pháp mới trong công tác phòng, chống dịch.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành Chỉ thị số 25 về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới và Chỉ thị số 26 về một số giải pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó giao cho người đứng đầu cấp ủy các quận, huyện chỉ đạo chủ tịch UBND các quận, huyện thành lập 2.560 Tổ công tác kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát y tế đối với người ra vào thôn, tổ dân phố nhằm phát hiện kịp thời các đối tượng di chuyển từ vùng dịch về các khu dân chư để cách ly kịp thời. 17h hàng ngày các Tổ công tác báo cáo về các cấp chính quyền của các quận, huyện rồi từ đó báo cáo về thành phố.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh cao thành phố Hải Phòng đã có những biện pháp sáng tạo, đặc biệt đã quan tâm phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách, chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; thành lập hơn 2.500 Tổ công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phó, nòng cốt là lực lượng vũ trang. HĐND thành phố đã họp bất thường để quyết định các cơ chế chính sách cho công tác phòng chống dịch bệnh. Hải Phòng đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú, thường xuyên nắm tình hình hàng ngày, đây là bài học kinh nghiệm để đề ra biện pháp xử lý trên tinh thần 4 tại chỗ.
Tại cuộc họp trực tuyến, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng được quan sát trực tuyến tổng thể khu cách ly và nghe báo cáo hoạt động tại khu cách ly tập trung của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lãnh đạo, nhân dân các thành phố lớn đã đóng góp quan trọng vào phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là triển khai nghiêm túc Chỉ thị 15 như cách ly, giãn khoảng cách, không được tụ tập đông người, dừng các dịch vụ không cần thiết, khoanh lại các ổ dịch kịp thời. Việc cung ứng các hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm, đã dự trữ nhiều hơn 4-5 lần so với bình thường.
Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị, cần xác định cụ thể các giải pháp phù hợp, riêng cho từng thành phố, từng địa bàn, khu dân cư. Ưu tiên tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra ở những nơi rủi ro cao như cao ốc văn phòng, khu dân cư tập trung, chợ dân sinh, trung tâm mua sắm, các bệnh viện, khu đô thị mới với mật độ dân cư cao, đầu mối giao thông vận tải… Tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể. Phải bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện. Tập trung nâng cao năng lực điều trị cho tất cả các tuyến, tập huấn điều trị cho bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đã về hưu. Cần thiết lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến phòng chống dịch và điều trị bệnh. Phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn. Tăng cường huy động thêm các bệnh viện khác để điều trị bệnh nhân COVID-19 ở một số địa phương...
Thủ tướng đồng ý dừng các chuyến bay chở khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến đến và đi từ Hà Nội, TP. HCM đến các sân bay tỉnh trong 2 tuần tới. Ngoài cơ sở vật chất, ngành y tế và các địa phương cần quan tâm hơn đến sự an toàn của các cán bộ đang trên tuyến đầu chống dịch; các lực lượng này đều phải đề phòng lây nhiễm trong nội bộ. Kịp thời tuyên dương, khen thưởng những gương điển hình, huy động lực lượng y bác sĩ đã về hưu để chia sẻ gánh vác khi cần thiết.
Thủ tướng yêu cầu các thành phố lớn đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến, coi đây là nhiệm vụ bắt buộc trong thời kỳ dịch bệnh. Các địa phương, các thành phố lớn tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Chỉ thị 15 của Thủ tướng, phải làm cho nhân dân hiểu được, dự báo được những tình huống xấu nhất để chuẩn bị phương án tốt nhất và hạn chế thấp nhất hậu quả, tránh hiểu sai, hiểu nhầm, lợi dụng xuyên tạc, gây hoang mang tâm lý trong nhân dân.
Hồng Hải
11:40 11/01/2025
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh