19:14 02/05/2020 Thông báo 172/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về giải pháp điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới nêu rõ: Từ ngày 1/5/2020 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP và thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
Theo Thông báo, tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam cho đến nay đã đạt được kết quả tích cực. Tuy nhiên, diễn biến của dịch ở các nước trên thế giới vẫn rất phức tạp, đòi hỏi cả nước tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, luôn sẵn sàng ở mức cao nhất. Đi đôi với các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chúng ta phải khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống, công ăn việc làm của người dân và doanh nghiệp, mở rộng giao thương để tăng thu nhập và tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Lương thực là cân đối lớn của nền kinh tế. Trong điều kiện dịch bệnh, thiên tai như hiện nay càng phải làm tốt vấn đề an ninh lương thực quốc gia; bảo đảm quyền lợi người nông dân trồng lúa, bảo đảm diện tích trồng lúa, nâng cao năng suất lao động, chất lượng gạo và thực hiện xuất khẩu. Việt Nam là một trong 03 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, xuất khẩu gạo đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan liên quan đã tích cực thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ và đề xuất các giải pháp về vốn, đầu tư khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng lúa gạo.
Bên cạnh các thành tích đáng ghi nhận, thời gian qua còn một số hạn chế, vướng mắc trong công tác điều hành xuất khẩu gạo khiến người dân và doanh nghiệp lo lắng. Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và phải phối hợp với nhau chặt chẽ hơn nữa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo trong thời gian tới.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Công Thương, ý kiến đồng tình của các Bộ, cơ quan và nhất là các địa phương trọng điểm lương thực của Đồng bằng Sông Cửu Long, Thường trực Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Từ ngày 1/5/2020 cho phép hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo (Nghị định số 107) và thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không) có sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng.
Để thực hiện chủ trương xuất khẩu gạo nêu trên, đồng thời bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, nhu cầu tiêu dùng trong nước trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu vẫn còn diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiên ngay một số nhiệm vụ sau đây:
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo; bảo đảm lợi ích chính đáng cho người dân, doanh nghiệp; giữ vững thị trường xuất khẩu gạo, bảo đảm quan hệ, uy tín với quốc tế.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi thường xuyên tình hình nguồn cung, nhu cầu gạo cho tiêu thụ trong nước, dự trữ và xuất khẩu gạo; nếu ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia, phải kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp xử lý. Trong quá trình điều hành cần lắng nghe ý kiến của các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, doanh nghiệp, người dân.
Đôn đốc, kiểm tra việc các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nghiêm túc tuân thủ việc thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% theo đúng quy định tại Nghị định số 107; đồng thời yêu cầu 20 thương nhân xuất khẩu gạo lớn nhất ký thỏa thuận với ít nhất 01 hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. Trường hợp thương nhân không thực hiện, Bộ Công Thương thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp cho thương nhân theo quy định.
Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107 nhằm khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tế; chú trọng vai trò của Ủy ban nhân dân các địa phương sản xuất lúa gạo lớn, đặc biệt là ở Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Bắc Bộ; có biện pháp, chế tài mạnh hơn đối với doanh nghiệp không dự trữ lưu thông, các doanh nghiệp sau khi trúng thầu nhưng không thực hiện ký hợp đồng mua gạo dự trữ quốc gia...
Khẩn trương mua đủ gạo dự trữ quốc gia
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo quy định; rà soát khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong đấu thầu mua gạo dự trữ quốc gia, đề xuất giải pháp phù hợp, kể cả việc hoàn thiện hành lang pháp lý để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu gạo có trách nhiệm cung cấp gạo dự trữ cho Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp; bảo đảm diện tích, sản lượng, năng suất, chất lượng gạo để có đủ nguồn cung thóc gạo phục vụ yêu cầu lương thực trong nước và xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi về quy trình; thực hiện các biện pháp để nâng cao khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp, bảo đảm thực chất, hiệu quả; nghiên cứu việc giảm lãi suất, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 150/TB-VPCP ngày 09/4/2020.
Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), Bộ Quốc phòng chỉ (Bộ đội Biên phòng), Bộ Công an, Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường) chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với hoạt động buôn lậu gạo qua biên giới, việc đầu cơ nâng giá gạo để thu lợi bất chính trong điều kiện xảy ra thiên tai, dịch bệnh....
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc trung ương đẩy mạnh sản xuất lúa theo quy hoạch và kế hoạch hàng năm, chỉ đạo các Sở Công Thương tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc các quy định về xuất khẩu gạo theo đúng quy định tại Nghị định số 107 và các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ chức năng về điều hành xuất khẩu gạo trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo thực hiện biện pháp tái đàn mạnh mẽ trong bối cảnh thiếu nguồn cung như hiện nay; lưu ý việc công bố hết dịch ở những nơi đủ điều kiện, bảo đảm giống và giá thức ăn, đồng thời phải quản lý tốt đầu ra; chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương khẩn trương triển khai việc nhập khẩu thịt lợn đủ số lượng cần thiết để góp phần giảm giá thịt lợn trong nước, không để ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.
(Theo Báo điện tử Chính phủ)
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh