05:50 28/06/2020 Chiều tối 26/6, sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp báo quốc tế, cung cấp thông tin về kết quả Hội nghị và trả lời các câu hỏi của báo chí.
Thủ tướng hoan nghênh đông đảo các nhà báo trong nước và quốc tế đã dự họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong lịch sử 50 năm thành lập ASEAN.
Về kết quả Hội nghị, Thủ tướng cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất cao trong những vấn đề quan trọng. “Đến giờ phút này, Hội nghị ASEAN 36 đã thành công tốt đẹp”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, công tác phòng chống dịch COVID-19 của ASEAN đạt kết quả tích cực với tỉ lệ tử vong thấp, phần lớn đã kiểm soát được dịch bệnh và thiết lập tình trạng bình thường mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp báo.
Một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận tại Hội nghị lần này chính là tập trung kiểm soát đại dịch và phục hồi kinh tế, hợp tác nội khối. “Đại dịch đang kiểm soát tốt nhưng không được chủ quan để đại dịch có thể quay lại trong ASEAN là một chủ đề mà chúng tôi rất quan tâm”, Thủ tướng nói.
Nội dung thứ hai là tiếp tục xây dựng cộng đồng vững mạnh theo các mục tiêu đặt ra cho 2020. Đến nay, 96% số dòng hành động xây dựng cộng đồng đã được tích cực hợp tác triển khai định hướng tầm nhìn ASEAN đến 2025. Thứ ba là mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ tư, các nhà lãnh đạo ASEAN đều khẳng định gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho hợp tác phát triển bền vững, thịnh vượng cho mọi người dân.
Thứ năm, ASEAN đề cao tinh thần thiện chí và tuân thủ luật pháp, nhất là luật pháp quốc tế trong giải quyết khác biệt tại khu vực.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các nước ASEAN thảo luận, bàn sâu về những vấn đề, diễn biến gần đây của khu vực và quốc tế. “Chúng tôi nhất trí tiếp tục thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và thực hiện tốt những quy định pháp luật quốc tế thông qua đối thoại, hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982”, Thủ tướng nói.
Sau khi cung cấp thông tin về kết quả Hội nghị, Thủ tướng đã trực tiếp trả lời của các câu hỏi của phóng viên.
Trước câu hỏi của phóng viên TTXVN về những đánh giá của Việt Nam đối với hợp tác ASEAN trong thời gian qua, đặc biệt trong điều phối hợp tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, Thủ tướng cho biết, đến nay đã có trên 130.000 người nhiễm bệnh và gần 4.000 người tử vong trong khu vực. Đây là một tổn thất rất lớn, cho nên, “chúng tôi xác định Cộng đồng ASEAN cần vào cuộc và hành động”. Chủ tịch ASEAN đã sớm ra Tuyên bố chung, triệu tập các hội nghị trong nội khối ASEAN, ASEAN với các đối tác; thảo luận phương hướng đấu tranh chống dịch. Các sáng kiến của ASEAN như lập quỹ về phòng chống COVID-19, kho dụng cụ y tế, xây dựng quy trình chuẩn nhanh chóng được cộng đồng trong và ngoài khu vực hưởng ứng. “Có thể nói nội khối ASEAN đã chủ động, khẩn trương, quyết liệt trên tinh thần gắn kết và chủ động thích ứng để phòng, chống dịch COVID-19”. Không chỉ Việt Nam, nhiều nước trong ASEAN đã kiểm soát được COVID-19. Thành công của Hội nghị hôm nay minh chứng cho tinh thần đoàn kết, hợp tác, chủ động thích ứng, có sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau về vật tư thiết bị y tế và sẵn sàng hỗ trợ những vấn đề cần thiết của từng nước. ASEAN đã thể hiện được sức mạnh cộng đồng, là lực lượng trung tâm, trưởng thành và tự tin chèo lái khu vực vượt qua khó khăn lớn chưa từng có, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh chung của khu vực và thế giới.
Trước câu hỏi của phóng viên kênh CNA (Singapore) về “những căng thẳng gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ảnh hưởng thế nào đến ASEAN và ASEAN sẽ làm gì để có thể vượt qua tình hình này và vượt qua đại dịch COVID-19”, Thủ tướng cho biết, Trung Quốc, Hoa Kỳ là những đối tác quan trọng hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó có ASEAN và Việt Nam. Cho nên quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ảnh hưởng đến toàn cầu và cả ASEAN. Tuy nhiên, giữa ASEAN với Trung Quốc và Mỹ đang có nhiều khuôn khổ hợp tác kinh tế cả song phương và đa phương. Đây là nền tảng quan trọng để duy trì, củng cố và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ASEAN và hai nền kinh tế lớn. “ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển và chắc chắn không muốn phải chọn bên nào”, Thủ tướng nói. “Chúng tôi hợp tác phát triển cùng có lợi vì hòa bình ở khu vực và sự phát triển tương lai của các đối tác, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ, là những đối tác của chúng tôi rất quan tâm”.
Việc đẩy lùi COVID-19 và phục hồi kinh tế là 2 nhiệm vụ quan trọng vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và của chính Trung Quốc và Hoa Kỳ. “Chúng tôi rất mong muốn, Việt Nam rất mong muốn Trung Quốc và Mỹ cùng phát huy điểm tương đồng, vượt qua khác biệt để xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung của thế giới và khu vực”.
Thủ tướng nêu rõ, chủ đề của ASEAN năm nay là gắn kết và chủ động thích ứng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 và trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đang nỗ lực cùng các thành viên ASEAN thực hiện kế hoạch tổng thể phục hồi sau đại dịch. “Chúng tôi tập trung củng cố đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy tổ chức các hội nghị với Trung Quốc và Hoa Kỳ để hợp tác chống dịch, duy trì giao thương mạnh mẽ, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư, thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực và thế giới”.
Trước câu hỏi của phóng viên AP (Hoa Kỳ) về “dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng thế nào đến chương trình nghị sự của Việt Nam về đàm phán các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Việt Nam đã và sẽ làm gì để đạt được mong muốn trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020”, Thủ tướng nêu rõ, hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực nói chung và ở Biển Đông nói riêng là lợi ích chung của cộng đồng. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, ASEAN đã có rất nhiều nỗ lực, từ duy trì đối thoại, thúc đẩy hợp tác đến xây dựng cơ chế, quy chế, quy tắc ứng xử trên Biển Đông. “Hội nghị lần này của chúng tôi đã tái khẳng định quyết tâm của ASEAN đóng góp xây dựng Biển Đông thành khu vực biển hợp tác, phát triển, an ninh và an toàn, xứng đáng với vị trí là một bộ phận quan trọng trong trao đổi ở khu vực”. Dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã làm gián đoạn các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong bối cảnh này, Việt Nam cùng ASEAN hợp tác với các bên liên quan kiềm chế các hành động làm phức tạp tình hình trên biển, tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng một Biển Đông hòa bình, hữu nghị, hợp tác, tự do hàng không, hàng hải, thực hiện tốt Công ước về Luật Biển 1982, trong đó cùng nhau thực hiện nghiêm túc Tuyên bố DOC và đàm phán COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế.
Trước khi kết thúc họp báo, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các nhà báo truyền đi thông điệp về Hội nghị ASEAN 36 thành công, đồng thuận cao và đã ra tuyên bố chung của Hội nghị, một khu vực ASEAN an toàn, gắn kết và chủ động thích ứng, phòng ngừa dịch bệnh tốt, không để làn sóng thứ 2 của COVID-19 trở lại khu vực. Bên cạnh đó, đoàn kết để phát triển kinh tế-xã hội, phục hồi sau đại dịch.
Cổng TTĐT Chính phủ
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh