11:52 14/05/2021 Sáng 14-5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid – 19. Dự, chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT: Lê Quốc Doanh và Trần Thanh Lam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành TW. Tại điểm cầu Hải Phòng, các đồng chí: Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP, lãnh đạo một số Sở, ngành, đơn vị; lãnh đạo UBND 4 huyện (Vĩnh Bảo, An Lão, Thuỷ Nguyên, Kiến Thuỵ), đại diện một số Hiệp hội ngành hàng, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; Phòng Nông nghiệp, Tài nguyên & Môi trường, Phòng Xây dựng Giao thông & Công thương thuộc Văn phòng UBND TP tham dự hội nghị.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2020 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn những xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019, đã tạo đà cho thị trường năm 2021.
Tổng giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính theo từng thị trường, tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 4 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực Châu Á ước tăng 18,2%, đạt 8,05 tỷ USD; Châu Mỹ tăng 56,7%, đạt 4,73 tỷ USD; Châu Phi tăng 11,8%, đạt 249 triệu USD…
Tại Hải Phòng, sản lượng nông sản lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn thành phố ngoài nguồn cung tại chỗ từ các huyện thì lượng hàng nông sản về các chợ đầu mối trung bình đạt khoảng 80 – 100 tấn/ngày, chủ yếu từ Hải Dương, Lào Cai, Lạng Sơn, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội, các tỉnh miền Nam…
Cao điểm lượng nông sản lưu thông, tiêu thụ đạt tới 150 tấn/ngày, thấp điểm như đợt dịch giảm còn khoảng 50 - 60 tấn/ngày. Thành phố có 2 nguồn cung cấp ổn định, giảm không đáng kể so với trước khi có dịch Covid – 19 là các hệ thống phân phối lớn như Maga, Go HP, Co.opmart, Vinmart và các cơ sở kinh doanh nông sản (Phúc Hậu, Hoàng Minh…).
Do tác động của dịch Covid – 19, quy trình, thủ tục xuất, nhập khẩu hàng nông sản của thành phố mất nhiều thời gian hơn nhưng tình hình xuất, nhập khẩu vẫn diễn ra bình thường.
Hiện, trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid – 19, ngành nông nghiệp của Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, nút thắt kép về: nguồn vốn tín dụng, chi phí sản xuất, thuế, phí; hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế; tình hình giao thương, thông quan hàng hoá nông sản tại các cửa khẩu biên giới; thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất…
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, nêu bật những khó khăn, vướng mắc, chia sẻ những cách làm hay, những sáng kiến, sáng tạo và bàn giải pháp trước mắt, lâu dài nhằm duy trì đà tăng trưởng, khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong nước, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy quá trình lưu thông, tiêu thụ nông sản cả trong nước và nước ngoài đặt trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp…
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Lam nhấn mạnh: Với những kết quả đạt được trong 4 tháng qua, có thể khẳng định tình hình sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản của cả nước diễn ra bình thường. Đây là một tín hiệu khả quạn. Hiện, dịch Covid – 19 đang tác động đến mọi mặt công tác tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
Để thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid – 19, đồng chí đề nghị thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các Công điện chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của các Bộ, ngành TW trong việc phòng chống dịch bệnh; nghiêm túc thực hiện mục tiêu kép; thông tin kịp thời về tình hình sản xuất, lưu thông nông sản tại địa phương để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo nhu cầu thị trường; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm đảm bảo thông suốt trong quá trình lưu thông vật tư nông nghiệp, nông sản trong thời gian cách ly, ứng phó dịch bệnh.
Các cơ quan chức năng của Bộ tăng cường giải quyết hồ sơ, kiến nghị của các doanh nghiệp, tham mưu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tham mưu cho Bộ đàm phán với các nước để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, Thứ Trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp sớm cho phép xuất khẩu các mặt hàng trái cây của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Thứ Trưởng cũng đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ Tài Chính thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xuất khẩu nông sản.
Trong quá trình triển khai, các địa phương có vấn đề gì lúng túng, khó khăn phải báo cáo ngay cho Bộ xem xét, giải quyết. Các tỉnh có vùng nguyên liệu lớn, có nông sản sắp đến mùa thu hoạch phải có phương án chi tiết hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ nông sản.
Các Hiệp hội ngành hàng nông sản phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tập trung thúc đẩy tiêu thụ nội địa; phát triển, nhân rộng các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ giúp ổn định giá cả, đầu ra cho bà con nông dân; ứng dụng, đẩy mạnh phát triển các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua các loại hình phân phối bán lẻ online; đa dạng hoá thị trường xuất khẩu nông sản khác nhau có lợi thế bên cạnh thị trường truyền thống…
KC
Thông tin về vụ vệc chống người thi hành công vụ xảy ra tại đường Trần Tất Văn (quận Kiến An)
Chuyên mục luật Phòng, chống mua bán người năm 2024: Quản lý về an ninh, trật tự
Người điều khiển phương tiện chấp hành nghiêm đèn tín hiệu khi áp dụng tăng mức xử phạt giao thông
Nâng cao khả năng xử lý tình huống cháy, nổ tại trụ sở Công an quận Dương Kinh