Thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách

10:41 30/12/2022

Ngày 29-12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 78). Các đồng chí: Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội dự và chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Hải Phòng, đồng chí Lê Anh Quân – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố dự và chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu thành phố Hải Phòng

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã thực hiện hiệu quả việc cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Đến ngày 30-11-2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.738 tỷ đồng, tăng 290.633 tỷ đồng (gấp 41,9 lần) so với năm 2002, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 21,4%. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước.

Trong 20 năm, NHCSXH đã tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay gần 830.087 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84.000 máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Các đại biểu dự tại điểm cầu thành phố Hải Phòng

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tính hiệu quả của chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai chương trình tín dụng; đề xuất các giải pháp quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng giai đoạn tiếp theo.

20 năm triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, nguồn vốn cho vay trên địa bàn thành phố Hải Phòng không ngừng tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội. Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hải Phòng đang có dư nợ tại 14 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 3.899.694 triệu đồng, với trên 99 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 3.700.823 triệu đồng, gấp 19,6 lần so với thời điểm năm 2003. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm  là 2.644.511 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 67,8%; dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt  là 1.255.183 triệu đồng, chiếm tỷ trọng 32,2%.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại Hải Phòng đã góp phần giúp cho trên 106.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm mới cho gần 53.000 lượt lao động, giúp trên 88.000 học sinh sinh viên vay vốn học tập,không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 448.000 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn và trên 2.700 ngôi nhà cho hộ nghèo; cho vay 47 lượt người sử dụng lao động để trả lương cho 1.145 người lao động; cho vay 421 lượt học sinh sinh viên mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến; cho vay 84 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...

Hoạt động tín dụng chính sách nói chung, hoạt động của NHCSXH nói riêng luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban đại diện HĐQT NHCSXH thành phố đã làm tốt công tác điều hành, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của NHCSXH; Xây dựng bộ máy tổ chức tinh gọn, phương thức cho vay được ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, mạng lưới gồm 214 điểm giao dịch cấp xã và 2.673 tổ tiết kiệm và vay vốn tại khắp các địa bàn, đã giúp chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao NHCSXH và những kết quả đạt được qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị NHCSXH tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát nguồn vốn vay, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích; tiếp tục củng cố, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số...

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông