Thực hiện Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố Hải Phòng: Kỳ vọng bứt phá trên nền tảng 3 trụ cột kinh tế (Kỳ 3) – Nâng tầm vị thế của mũi nhọn du lịch – thương mại

19:33 20/12/2020

Trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết Đại hội 16 đã xác định “Phát triển lĩnh vực du lịch và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.

Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, điểm nhấn của du lịch biển Hải Phòng

Theo đó, điểm nhấn là “Xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế, có cơ sở vật chất hiện đại, phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc biệt của Hải Phòng, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch của cả nước. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại lớn, đồng thời với việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do”.

          Nhìn từ khái niệm, mối quan hệ giữa du lịch và thương mại tưởng chừng không hẳn là sự tương quan song lập, nhưng đặt trong bối cảnh phát triển của Hải Phòng, nhất là sự kết hợp với hai trụ cột kinh tế công nghiệp và kinh tế cảng – logistics mới thấy hết tầm quan trọng của chiến lược này. Đây cũng là kết quả phân tích, đánh giá của cả quá trình, đã góp phần đưa Hải Phòng có những thành tựu đột phá trong những năm gần đây.

Trước hết nói về du lịch, nhìn từ góc độ tự nhiên, lợi thế cạnh tranh của du lịch Hải Phòng với trọng tâm là du lịch biển đã rất rõ. Trong đó, Cát Bà nổi tiếng với việc sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chưa kể hệ sinh thái quần đảo đá vôi thuộc diện lớn nhất Châu Á, tạo thành chuỗi kế tiếp những rừng nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, vùng triều, hồ nước mặn, rạn san hô... Điều quan trọng là, qua hàng chục nghìn năm tiến hóa, Cát Bà vẫn cơ bản giữ được tính nguyên thủy, tạo sức hút lý tưởng đối với du khách thập phương. 

Cũng như Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn thu hút khách nhờ được thiên nhiên ban tặng một địa thế lý tưởng, với dãy núi 9 ngọn kéo thành một bán đảo dài hơn 20km trên miền thềm lục địa, được ví như con rồng hướng ra biển, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Chính vì vậy, sự hấp dẫn của Đồ Sơn mang sắc thái đặc trưng thuần túy của du lịch biển, với mọi sự thưởng ngoạn đều gắn với biển, nhưng cũng đủ để hình thành tổng thể của một khu du lịch phức hợp, bao gồm cả các công trình lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng.

Có thể nói, du lịch Hải Phòng đang trở mình mạnh mẽ với mục tiêu vươn ra biển lớn, sống với biển và làm giàu từ biển, khẳng định hướng đi đúng đắn là củng cố, phát triển kinh tế để làm nền tảng cho ổn định quốc phòng an ninh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc. Hy vọng trong tương lai gần, Hải Phòng sẽ hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội 16, xứng đáng không chỉ là trung tâm du lịch của Việt Nam, mà còn là điểm đến hấp dẫn mang tầm quốc tế, hòa nhịp vào mục tiêu tăng trưởng thành phố đang hướng tới.

(Ảnh minh họa)

          Đối với lĩnh vực thương mại, mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, là hạt nhân và tuyến trục để làm động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả vùng duyên hải Bắc Bộ, tạo hành lang thương mại với độ mở lớn, cũng chính là nỗ lực phấn đấu của thành phố nhiều năm qua.

Thực tế Hải Phòng đã khá rõ nét với vai trò là một trung tâm công nghiệp-thương mại và dịch vụ tầm cỡ, được hình thành cả từ điều kiện tự nhiên lẫn vận động của thời gian. Trong đó thương mại, bao gồm cả những giao dịch nội địa lẫn xuất nhập khẩu, Hải Phòng luôn đứng trong tốp đầu của khu vực duyên hải Bắc bộ.

Tính trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bình quân của Hải Phòng hàng năm cao hơn nhiều lần so với mức chung của cả nước. Điều quan trọng là, trong khi ở các địa phương khác, các mô hình kinh tế thương mại gặp nhiều trắc trở, thì nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ theo hướng trung tâm thương mại vẫn được đầu tư và đi vào hoạt động tại Hải Phòng.

Nổi bật nhất trong thời gian qua là sự mở rộng của các siêu thị điện máy và hàng tiêu dùng như BigC, MM Mega Market, Co-op Mart,  MediaMart, HC, Nguyễn Kim, Pico... mới đây nhất trung tâm thương mại Aeon Mall do nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã đi vào hoạt động, càng nâng tầm vị thế thương mại Hải Phòng.

Tuy nhiên theo đánh giá thì thương mại Hải Phòng hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng nêu trên, dung lượng hàng hoá tăng nhanh nhưng năng lực cạnh tranh hạn chế. Thương mại nội địa vẫn cơ bản là thị trường tiêu thu của hàng hóa đến từ nhiều nơi khác, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu dù tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn thấp hơn một số địa phương khác.

Một trong những nguyên nhân được xác định, là do cơ sở hạ tầng nội ngoại thương xuống cấp, thiếu đội ngũ cán bộ thương mại giỏi, công tác quản lý điều hành về thị trường còn nhiều bất cập, sản phẩm xuất khẩu phần lớn là gia công cho các nhà đầu tư ngoài nước, dẫn đến giá trị gia tăng cũng thấp.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, thương mại là một bộ phận cấu thành hệ thống kinh tế hỗn hợp, Hải Phòng là cửa ngõ chính, muốn trở thành trung tâm thì phải làm rõ các kênh phân phối. Trong đó cần phát triển thương mại gắn kết chặt chẽ với các ngành phức hợp khác, đồng thời không thể không kể đến các yếu tố bền vững như hạ tầng cơ sở, môi trường và cân bằng sinh thái.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại mở phải đặt trong bối cảnh vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các thị trường cả trong và ngoài nước. Vấn đề đặt ra là phát triển phương thức sản xuất kinh doanh hiện đại, nhưng tất cả những điều đó sẽ khó thành công nếu không có sự đầu tư xứng tầm, trên cơ sở tận dụng được lợi thế căn bản mà thành phố hiện đang sở hữu.

Đây là một trong những nội dung hết sức quan trọng, là cơ sở để Đại hội 16 đề ra định hướng chiến lược: “Phát triển mạnh dịch vụ thương mại với hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên quỹ đất để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư tổ hợp thương mại quy mô lớn, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế. Đồng thời, phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử theo hướng văn minh, hiện đại. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu.”.

                 Hoàng Minh    (Còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông