“Thuốc thử” cho thị trường Tết Tân Sửu 2021

12:13 26/12/2020

Như vậy, tiếng chuông nhà thờ báo hiệu một mùa Giáng sinh an lành đã vang lên, Hải Phòng cùng cả nước chuẩn bị sẵn sàng đón năm mới 2021. Đã từ lâu không khí này không còn là niềm vui riêng của bà con Thiên chúa nữa, mà lan tỏa cả cộng đồng, thị trường hàng hóa dịp này cũng luôn tạo ra sự chú ý, dù dịch Covid-19 vẫn còn đó những nỗi lo tiềm ẩn.

Hàng Tết đã tràn ngập các siêu thị nhưng sức mua khá yếu

Thị trường mùa Giáng sinh

So với năm trước, thị trường hàng hóa dành cho Giáng sinh và năm mới Dương lịch năm nay có phần khởi động muộn hơn, bởi những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Dạo quanh thị trường, thấy rõ tính chủ động vẫn thuộc về các siêu thị lớn như BigC, MM Mega Market, Co-opMart... Ngoài những vật dụng trang trí, tại các siêu thị này có rất nhiều mặt hàng khác cũng được quảng bá gắn với những chương trình khuyến mại như giảm giá, tặng quà, chiết khấu trên thẻ mua sắm…

Đáng chú ý là năm nay, hình thức quảng bá của các siêu thị có nhiều đổi mới, giá nhiều mặt hàng thiết yếu khá rẻ so với mặt bằng thị trường, phần lớn tập trung vào các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, thời trang và các sản phẩm gia dụng.

Ở phân khúc khác, các trung tâm điện máy mà điển hình là MediaMart, Nguyễn Kim, Pico, HC, CPN, Samnec… cũng đậm nét với hàng nghìn sản phẩm công nghệ cao được giảm giá, tặng quà.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, dù tạo ra một không gian khuyến mại rầm rộ, nhưng như đã nói ở trên, so với mọi năm thị trường hàng hóa dịp Giáng sinh và năm mới 2021 chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng.

Có thể nhận thấy điều này khi tại các siêu thị, khách hàng chủ yếu đến ngắm và tham khảo, không nhiều người quan tâm mua sắm. Còn ở thị trường tự do, khu vực đầu mối thuộc đường Phan Bội Châu và chợ Tam Bạc, một số sản phẩm bán chạy chủ yếu là vật dụng trang trí và đồ chơi cho trẻ em.

Dọc các tuyến đường trong nội thành, không còn nhiều cửa hàng tạp hóa bán đồ Giáng sinh nữa, nếu có thì hầu như chỉ là hàng tồn từ năm trước. Tạo chú ý đáng kể có lẽ chỉ còn ở đường Cầu Đất, với khoảng trên dưới 10 cửa hàng chuyên kinh doanh quà Noel.

Không khí chung dễ nhận thấy là nhờ quảng bá rầm rộ nên thị trường Giáng sinh mới tạo được dấu ấn mạnh mẽ về hình thức. Đây có lẽ cũng chính là nguyên nhân khiến các chương trình khuyến mại đang có dấu hiệu bội thực, thậm chí kéo dài vắt qua cả năm mới.

Gạch nối thị trường cuối năm

          Năm nào cũng vậy, vì tính chất thời gian nên thị trường mùa Giáng sinh luôn gắn liền với tết Dương lịch. Nhưng đối với người Việt, tết Dương lịch chỉ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng của sự chuyển giao về thời gian, nên sức nóng của thị trường cũng có phần hạn chế.

          Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, cán bộ làm việc ở một cơ quan truyền thông, những năm trước cơ quan chị thường tổ chức họp mặt cuối năm vào dịp tết Nguyên đán, vì ai cũng bận bịu công việc nên bố trí ngày rất khó. Năm nay, nhân thể có đợt nghỉ dài, cơ quan quyết định liên hoan vào dịp tết Dương Lịch, vừa thoải mái thời gian, vừa lấy khí thế dồn sức cho cuối năm âm lịch.

Tham khảo ở một số đơn vị khác, thấy cũng khá nhiều người có ý tưởng tương tự, và đây sẽ là cơ hội tốt cho các nhà hàng ăn uống cải thiện dịch vụ trong dịp này.

          Nhưng điều đáng lưu ý là, dù còn hơn một tháng nữa mới đến tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhưng ngay từ thời điểm này, các siêu thị đã trưng bày khá nhiều sản phẩm phục vụ cho tết truyền thống.

Mặc dù vậy, kết quả khảo sát thị trường cho thấy, đa số những mặt hàng khuyến mại vẫn trong vòng quay “chiến lược”, mặt hàng giảm giá tập trung vào nhóm có giá trị thấp nhưng gần gũi với dân sinh để tạo tâm lý bề nổi.

 Ở phân khúc điện máy có giá trị cao, thì sản phẩm khuyến mại cơ bản là hàng tồn đọng, lỗi mốt, thậm chí là hàng ảo. Còn thực tế, phía sau đó đã có khá nhiều nhóm hàng bắt đầu tăng giá, nhất là những sản phẩm kỳ vọng được tiêu thụ nhiều vào dịp cuối năm âm.

          Tại các chợ truyền thống, nhóm hàng nông sản khô đã có dấu hiệu tăng. Theo một chủ cửa hàng tại chợ đầu mối Tam Bạc, nguyên nhân một phần được cho là nguồn hàng từ Trung Quốc bị thắt chặt do công tác phòng chống dịch bệnh, trong khi nguồn trôi nổi trong nước đang bị giám sát chặt chẽ vì các quy chuẩn.

Mặt khác, do biến động tiêu thụ của những năm trước, nên năm nay nhiều tư thương còn dè dặt, chưa dám tích trữ hàng tết. Vấn đề dự báo vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với công tác bình ổn giá cuối năm, bởi nhu cầu thực sự còn tiềm ẩn trong nhân dân.

          Nhưng dù nói gì, thì bài học của mấy năm gần đây đã thể hiện rõ, vai trò điều tiết của các siêu thị rất quan trọng, trong bối cảnh việc kiểm soát giá thị trường tự do còn nhiều bất cập. Nên dù giá một số mặt hàng có tăng, có thể mới chỉ là động tác thăm dò thị trường, chứ chưa hẳn đã gây tác động lớn.

Về mặt tích cực, cũng xem như là một đợt tập dượt, gợi mở tính chủ động để chuẩn bị cho cho sự khởi động chính thức.

          Lo sớm cho Tết Nguyên đán

          Tính đến thời điểm này, thị trường hàng hóa dịp tết Dương lịch còn khá phẳng lặng, hơn nữa các đợt rét liên tục tăng cường cũng ảnh hưởng đáng kể vào thị trường. Hy vọng dịp nghỉ tết Dương lịch sẽ tạo quỹ thời gian cho các công viên chức, công nhân, lao động đổ ra thị trường, khả năng phát sinh tiêu thụ đột biến cũng là điều dễ hiểu.

          Nhìn lại những dịp tết Nguyên đán trước, nhóm hàng thường lên cơn sốt bao gồm: thực phẩm cả tươi sống và chế biến, nông sản khô, bánh mứt kẹo, đồ uống, thời trang, đồ nội chợ… Trong các mặt hàng này, bánh mứt kẹo và đồ uống thường hay bị đẩy giá nhất, vì việc tiêu thụ mang tính cơ hội thời vụ.

Vai trò của các trung tâm thương mại dù đã được khẳng định, nhưng việc cung cấp nguồn hàng và áp đặt giá bán phụ thuộc vào hội sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, khiến cho nhiều siêu thị ở Hải Phòng mất thế chủ động. Chưa kể mô hình siêu thị vẫn mắc phải tình trạng ách tắc trong khâu thanh toán và trông giữ phương tiện, cũng khó mà đáp ứng nhu cầu của đa số người dân.

           Theo thông lệ, sức mua sắm dịp tết nguyên đán sẽ dồn dập từ ngày cúng ông Táo 23 tháng Chạp, kéo dài đến sau tết, nên dù chủ động đến mấy thì việc dự báo, định lượng hàng hóa luôn gặp bất cập. Nghĩa là kết quả tính toán chỉ phù hợp với sinh hoạt thông thường, chứ không phản ánh được toàn cảnh thị trường.

Trong khi đó hạn chế của những năm trước kéo dài nhưng chưa được khắc phục hiệu quả, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Hoặc như nguồn tiền mua sắm của số đông người lao động phụ thuộc vào chế độ lương thưởng, nếu bị giải ngân chậm, khoảng cách mua sắm bị thu hẹp sẽ gây bùng nổ tiêu thụ...

Chưa kể tiềm ẩn nhiều nguy cơ về kích giá, khan hiếm hàng hóa cục bộ, cùng với nguy cơ hàng giả, hàng nhái, hàng mất an toàn vệ sunh thực phẩm dễ xâm nhập thị trường.

          Trên thực tế, việc tiến hành khảo sát thị trường là một vấn đề khoa học phức tạp, bởi tính chất hỗn độn của nó, nếu không có các số liệu sát thực làm căn cứ, thì các giải pháp rất khó phát huy tích cực. 

Chính vì vậy, nếu ngay từ bây giờ các nhà quản lý và phân phối không có các giải pháp chủ động, lên kịch bản sớm cho tết Nguyên đán, thì thị trường cũng khó đi đúng quỹ đạo kế hoạch.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông